Chủ Nhật, Tháng mười một 17, 2024

Giá gọi món ăn qua ứng dụng trực tuyến không tăng nhiều sau khi cho giao hàng liên quận

(SGTT) - Sau khi TPHCM cho phép shipper giao hàng liên quận từ hôm nay (16-9), các ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến cũng sôi động hơn bởi có thêm một số quán ăn kết nối trở lại, người dân có nhiều sự lựa chọn thưởng thức ẩm thực. Câu chuyện giá món ăn hay chi phí ship cũng được ghi nhận qua nhiều góc nhìn trong ngày này.

Giá vận chuyển không tăng cao, giá món ăn thì tùy quán

Theo ghi nhận trên các ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến, sau khi TPHCM cho phép các shipper giao liên quận, số lượng cửa hàng bán món ăn đã tăng hơn nhiều so với thời điểm chỉ giao trong nội quận. Cụ thể, trước đây dù cho quán ăn bán trở lại (chỉ bán mang đi) nhưng người viết khá khó khăn khi tìm quán bán bún bò, cơm tấm… Hiện nay, thì đã có nhiều lựa chọn quán ăn để chọn được món mình thích hơn.

Để giúp người dùng thuận tiện hơn khi đặt món, một số ứng dụng còn phân chia lại danh mục. Ví dụ, Grab có thêm danh mục Quán quen trở lại, người dùng chỉ cần chọn món yêu thích và đợi giao hàng thưởng thức. Tương tự, ứng dụng Baemin chuyên đặt thức ăn trực tuyến đã hoạt động trở lại với tính năng phân loại món ăn theo quận, huyện. Đặc biệt, ứng dụng ShopeeFood (trước đây là Now) còn kèm thêm những sự kiện khuyến mãi hấp dẫn như đặt món thả ga chỉ với 1.000 đồng, mùa nào món nấy (giảm 50% giá món ăn) và tính năng gợi ý những thương hiệu thức ăn/nước uống nổi tiếng mở cửa trở lại.

Về ghi nhận giá món ăn trong ngày cho giao hàng liên quận cho thấy mặt bằng chung các hàng quán đều có giá bán không tăng nhiều so với trước dịch. Ví dụ, bún bò Huế, món ăn được nhiều người ưa chuộng có giá bán khoảng 45.000 – 60.000 đồng/phần hay cơm gà xối mỡ khoảng 40.000 – 55.000 đồng/phần.

Ở những thương hiệu lớn, có uy tín hoặc các quán quen bán lâu năm khi hoạt động trở lại thì phần lớn giá vẫn như trước dịch, có một số ít chỉ tăng nhẹ 5-10% bởi do khan hiếm nguồn nguyên liệu và nhân sự để duy trì việc mở lại quán. Đối với những quán chưa được xác thực uy tín bởi ứng dụng thì giá bán có thể tăng từ 20%-30% so với trước dịch. Thế nên, người dùng có thể tùy chọn quán ăn và gọi món theo nhu cầu khi tính đến các phương án như vị trí quán có gần nhà hay quán đó có nổi tiếng không?

Tò mò về giá cước vận chuyển món ăn thì người viết thử đặt cơm gà xối mỡ tại một quán ăn gần nhà mà mình thường đặt. Tổng chi phí bỏ ra là 69.000 đồng cho phần cơm gà 50.000 đồng (chất lượng vẫn như trước) và 19.000 đồng cho phí vận chuyển. So với trước dịch thì chi phí vận chuyển hay giá món ăn không tăng nhiều.

Ngoài ra, trên các hội nhóm mạng xã hội cũng có các group bán hàng có người dùng bán các món ăn như phở, bún, hủ tiếu… với mức giá thấp hoặc bằng quán ăn. Tuy nhiên, nên thỏa thuận phần giá vận chuyển bởi những người này thường lấy giá không theo niêm yết như trên các ứng dụng, có thể giá vận chuyển cao gần bằng món ăn.

Câu chuyện tăng giá thức ăn, giá vận chuyển từ cái nhìn người liên quan

Bàn luận về câu chuyện giá món ăn tăng cao hay giá vận chuyển cũng tăng cao, anh Nguyễn Văn Hùng, tài xế xe công nghệ ở quận 7, TPHCM, cho biết: “Nhiều người hiện nay nói tiền phí giao thức ăn quá cao nhưng bản thân tôi làm nghề này đã được bốn năm thì thấy cước phí tôi nhận được qua mỗi đơn hàng vẫn vậy. Bây giờ tôi giao hàng từ đây qua đến nhà khách cách khoảng hơn 5km chưa tính nhiều khu vực đường bị rào chắn phải chạy đường vòng mà phí chỉ khoảng 50.000 đồng”, anh Hùng nói.

Người dân có thêm nhiều sự lựa chọn món ăn, quán ăn khi TPHCM cho phép các shipper giao hàng liên quận. Ảnh minh họa: Minh Hoàng

Ở khía cạnh người kinh doanh hàng quán, bà Trần Trang Anh, chủ quán phở gà tại quận 7, TPHCM trần tình, do giá nguyên liệu mua vào tăng cao so với ngày thường nên giá bán của quán cũng nhỉnh hơn 10-15% so với trước. Cụ thể, trước đây môt tô phở có giá bán khoảng 35.000 đồng thì này phải bán khoảng 45.000 đồng mới có lời. "Tuy nhiên, phần lời này cũng ít vừa đủ trang trải chi phí bởi tôi muốn giữ chân khách hàng thay vì có thể bán 60.000 đồng hay cao hơn trong mùa này", bà Anh chia sẻ thêm.

Về phía ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến, ứng dụng Gojek cũng đã thông tin trên nld.com.vn về giá cước vận chuyển như sau: "Nếu tài xế được chạy liên quận, cước phí giao hàng của Gojek vẫn được áp dụng như trước bởi trong thời gian TPHCM hạn chế hoạt động giao hàng và chỉ được hoạt động nội quận, chúng tôi đã không tăng cước".

Có thể nói, khi TPHCM cho phép giao liên quận thì người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn thưởng thức món ăn. Về giá bán hay giá vận chuyển vẫn không có sự đột biến nào, chỉ cần lưu ý chọn quán uy tín đã được ứng dụng xác thực; ưu tiên chọn quán gần nhà tiết kiệm chi phí vận chuyển. Với những người bán món ăn trên mạng thì cần làm rõ giá cước vận chuyển trước khi đặt. Có như thể sẽ tránh được câu chuyện trả tiền hơn trăm ngàn đồng cho tô bún bò hay đĩa cơm tấm dù là trong mùa dịch.

Duy - Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lượng hàng tồn trên thế giới tăng gần 30% so với...

0
(SGTT) - Lượng hàng tồn trên toàn cầu đạt 2.200 tỉ đô la vào tháng 3-2023, mức cao nhất trong 10 năm. Đến tháng...

Chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

0
Trong phiên họp thứ 20 diễn ra chiều 3-6, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ...

Các loại vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” giờ ra sao?

0
(SGTT) - Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, các công ty trong nước tham gia quá trình nghiên cứu và phát...

Đà Nẵng: Chợ Hàn hút du khách trở lại sau hai...

0
Chợ Hàn – ngôi chợ truyền thống tại Đà Nẵng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến – bắt đầu thu...

Khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc?

0
Hôm 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại...

Đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y...

0
Tối ngày 5-5 (giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại...

Kết nối