(SGTT) - “Trong gia đình ai rảnh sẽ giúp. Nhà mình mọi người đều góp sức, nhỏ nhất là em bé 6 tuổi, lớn nhất là bà mình hơn 70 tuổi", Yến Thi chia sẻ về công việc tiếp tế cho các bệnh viện dã chiến ở địa phương.
- Gặp gỡ người không ngại khó, vẫn đỏ lửa thổi cơm cho bà con khuyết tật trong mùa dịch
- Bác sĩ hỗ trợ tại tâm dịch, nghẹn ngào khi hay tin mình nhiễm Covid-19
Bạn Lâm Trần Yến Thi, sinh viên năm 3 của Trường Đại Học Sư Phạm TPHCM, là cô gái đã miệt mài với công việc đưa nước và đồ ăn từ thiện cho Bệnh viện dã chiến tại xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh trong suốt 2 tháng qua.
Được biết, khi TPHCM bắt đầu có những đợt dịch nhỏ bùng phát, Yến Thi đã khăn gói đồ đạc trở về quê để vừa học online vừa tránh dịch. Trong khoảng thời gian ở tại quê nhà, Thi đã chứng kiến nhiều khu cách ly, bệnh viện dã chiến dựng lên ở địa phương mình.
Thấu hiểu được những khó khăn của các bệnh nhân ở đây, bắt đầu từ đầu tháng Tám, cô sinh viên năm 3 đã đều đặn tự nấu các loại nước mát và chở đem vào khu cách ly cho mọi người uống.
Trò chuyện với Sài Gòn Tiếp Thị, Yến Thi cho biết: “Mình làm cùng gia đình. Mình là người nêu ý kiến, mẹ và chị mình cùng khởi xướng làm đợt đầu tiên. Nhóm không có người cố định, thường có khoảng 5-7 người trong một đợt tặng nước, trong gia đình ai rảnh sẽ giúp. Các thành viên trong gia đình đều góp sức, nhỏ nhất là em bé 6 tuổi, lớn nhất là bà mình hơn 70 tuổi rồi”.
Những ngày đầu, chỉ có gia đình của Thi đem nước mát đến bệnh viện dã chiến. Tuy nhiên, khi các cô chú xung quanh biết được việc làm ý nghĩa này, đã gửi tiền và góp sức để nấu các suất ăn để Thi đem vào khu cách ly tặng mọi người. Cô sinh viên năm 3 luôn cố gắng giúp đỡ thật nhiều cho khu cách ly gần nhà, cũng như các khu cách ly lân cận.
“Mình cảm thấy thật may mắn khi được sống trong bình an. Mình ý thức được bản thân là người hạnh phúc khi vẫn còn ở cạnh những người thân yêu ngay tại nhà, chứ không phải ở trong khu cách ly để chiến đấu với Covid-19. Thương lắm các cô chú cán bộ vẫn phải bám chốt trong những trưa hè nắng đổ lửa, những ngày giông mịt trời”, Yến Thi chia sẻ.
Hiện tại, Yến Thi vẫn tiếp tục đem 200 chai nước mát, khoảng 80 đến 90 phần ăn là cơm, bánh mì, tùy bữa cho các bệnh viện dã chiến mỗi ngày.
Trước hoạt động đầy tính nhân văn và vô cùng ý nghĩa này, một số hộ gia đình tại địa phương đã chuyển khoản tiền cho Yến Thi như san sẻ một phần chi phí trong công tác thiện nguyện. Ngoài ra, có nhiều gia đình đóng góp nhiều loại trái cây để Thi mang đến tặng các bệnh nhân ở bệnh viện dã chiến.
Chia sẻ về sự lo ngại bị lây nhiễm khi đến các bệnh viện dã chiến, Yến Thi tâm sự: “Mình sợ nhất là lỡ xảy ra vấn đề gì sẽ lây cho nhiều người, vậy là bỗng dưng thành "tội đồ của xóm". Với bản thân mình, chỉ ở mức 2/10 nỗi sợ, chắc vì mình tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch an toàn nên cũng không lo ngại. Mình mong mọi người cũng đừng quá lo sợ và hãy cố gắn thực hiện 5K ở mức tối đa”.
Những ngày mới bắt đầu thực hiện công việc chuyển đồ lên bệnh viện dã chiến, Yến Thi chỉ có một mình cùng gia đình. Giờ đây, khu vực nơi Thi đang ở đều góp công, chung sức để giúp đỡ cho các bệnh viện dã chiến chống dịch. Hy vọng tinh thần đẹp này của cô gái gốc Trà Vinh có thể lan tỏa đến mọi người. “Mình tin rằng tuy là món quà của mình không có giá trị lớn nhưng tình cảm của người dân đặt vào sẽ một phần nào giúp tuyến đầu vững vàng, mạnh mẽ hơn để chiến thắng đại dịch”, Yến Thi chia sẻ.
Như Quỳnh