(SGTT) – Covid-19 buộc mọi người phải thay đổi thói quen sinh hoạt, vui chơi, ăn uống… Chúng ta cần phải có thời gian để thích nghi, làm quen dần với những thay đổi đó. Tuy nhiên, nếu là một người bình thường, khoảng thời gian đó sẽ ngắn hơn, dễ dàng hơn so với những người đã có tiền sử mắc bệnh về tâm lý như trầm cảm.
- Thắc mắc mùa dịch: Làm gì để khắc phục da mụn, dị ứng, nổi mẩn khi mang khẩu trang?
- Thắc mắc mùa dịch: Khác biệt giữa các loại vắc-xin Covid-19 đang có hiện nay
Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Thanh, giảng viên ngành tâm lý học, trường Đại học Công Nghệ TPHCM (HUTECH), thành viên sáng lập dự án "Hỗ trợ nâng đỡ tâm lý cho y bác sĩ và người bị cách ly y tế” đã có cuộc trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị.
Tiến sĩ cho biết đối với người đã có tiền sử bệnh trầm cảm, khi gặp một biến cố lớn, rất dễ bị tái phát bệnh nếu không được xử lý đúng cách. Vì vậy, những người bệnh này nên được theo dõi, quan sát kỹ lưỡng để có các biện pháp kịp thời.
Đây là câu trả lời của Tiến sĩ Vân Thanh trong chương trình "Thắc mắc mùa dịch" cho trường hợp của một bạn đọc. Bạn chia sẻ:
“Mẹ tôi năm nay đã 50 tuổi rồi, bà thuộc kiểu người truyền thống. Hằng ngày, ngoài việc buôn bán ra, bà không có thú vui gì cho riêng mình. Vì là khu đặc thù có F0, nên hiện tại, chợ chỗ tôi vẫn chưa được mở lại. Lâu ngày, mẹ hình thành tâm lý chán nản, cáu gắt, thậm chí, bà suốt ngày đòi cắt tóc để đỡ buồn. Vì đã từng có bệnh trầm cảm trước đây nên tôi rất sợ bệnh tình của mẹ sẽ tái phát lại”.
Đối với trường hợp này, Tiến sĩ Vân Thanh đưa ra giải pháp rằng, người nhà cần phải nâng đỡ sức bật tinh thần cho người bệnh. Cụ thể, theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, người bệnh cần năm yếu tố.
Đầu tiên là duy trì sự kết nối, gần gũi nhất là những kết nối với người thân trong gia đình, hoặc xa hơn là họ hàng đặc biệt là những người họ hàng thân thiết. Cũng có thể để người bệnh kết nối với những tiểu thương thân tình, gần gũi trong chợ. Đương nhiên, trong thời điểm dịch bệnh như hiện tại, người nhà có thể kết nối bằng điện thoại, hoặc gọi video call, điều đó cũng hỗ trợ được phần nào tâm lý của người bệnh.
Thứ 2, người bệnh cần tăng cường sức khỏe về mặt thể chất, cụ thể hướng dẫn bệnh nhân tập thể dục, ăn uống lành mạnh, hoặc cơ bản nhất là phải để cho họ ngủ đủ giấc, để họ có năng lượng.
Thứ 3, người bệnh cần tìm được mục đích, giá trị sống cho bản thân. Ngoài những sở thích cá nhân, người nhà cần theo dõi người bệnh thường xuyên quan tâm vấn đề gì, sau đó, khuyến khích họ thực thực hiện những điều khiến họ vui, thoải mái.
Thứ 4, họ cần giữ được những suy nghĩ lành mạnh, tích cực, người nhà có thể giúp bệnh nhân nhớ lại những kỷ niệm đẹp, những việc làm mà người khác đã giúp họ, để họ lạc quan hơn.
Cuối cùng, họ cần những người giúp đỡ từ phía gia đình, chuyên gia, hoặc những người xung quanh. Mọi người cần cùng nhau chung tay, hỗ trợ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, đó có thể là lời hỏi thăm, quan tâm, tư vấn để tâm lý người bệnh trở nên tốt hơn.
Phùng My