Trước đại dịch Covid-19, vợ Tân sinh đứa thứ hai. Anh đi thi bằng lái xe hơi và chật vật ba lần mới có được mảnh bằng trong tay. Cả nhà kéo nhau ra showroom mua ngay một chiếc Mazda 3. Chạy được vài tháng, chưa kịp quen đường sá Sài Gòn thì thành phố bước vào các đợt giãn cách. Chiếc xe hơi còn mới cáu phải nằm trùm mền.
- Ở nhà mùa dịch: Sống trọn mọi khoảnh khắc
- Ở nhà mùa dịch: Các siêu nhí khuấy động mạng xã hội mùa dịch
Rồi hồ bơi, phòng gym, lớp yoga đóng cửa. Ngồi nhà lâu, Tân thấy “cuồng chân” và bức bối. Thằng con anh thì có nguy cơ béo phì và quậy phá do ức chế tâm lý. Hai cha con đưa nhau ra tiệm xe đạp, sắm ngay hai chiếc xe hạng trung.
Những vòng xe thời giãn cách
Những ngày đầu, cha con Tân tập dậy sớm đạp lòng vòng trong khu phố, ở phạm vi 5 ki lô mét. Những ngày sau đó, khi thằng nhỏ quen dậy sớm, hai cha con đạp xe ra xa hơn, mở ra những tuyến đường mới. Bây giờ, những sáng cuối tuần, hai cha con Tân đã đạp được hơn 30 ki lô mét.
Một hôm nọ, hai con ngựa sắt chạy từ Sài Gòn xuống Cần Giờ. Tân thấy sức khỏe tinh thần và thể chất của hai cha con anh được cải thiện nhiều từ khi có hai chiếc xe đạp. Hai cha con cũng gần gũi nhau hơn trong niềm say mê du ngoạn, chinh phục các con đường mới mỗi ngày.
Trên đường phố Sài Gòn vào các buổi sáng sớm, người ta có thể bắt gặp nhiều hình ảnh giống cha con Tân. Cũng có thể gặp những nhóm người rủ rê nhau tập luyện bộ môn xe đạp để chống lại sự nhàm chán và mệt mỏi của giãn cách do dịch bệnh...
Dễ nhận ra tại các khu chung cư trong thời đại dịch, trong khi những hàng xe hơi nằm “đắp mền” hàng dài thì khu vực để xe đạp ngày càng xuất hiện nhiều xe mới, đủ kích cỡ, thương hiệu. Những chiếc rẻ có giá 3-5 triệu đồng, chiếc tầm trung khoảng 6-15 triệu đồng, hàng cao cấp thì 20-30 triệu đồng, cả cả những chiếc giá 60-80 triệu đồng.
Sắm xe đạp vừa làm phương tiện đi lại và luyện tập sức khỏe, vừa hướng tới lối sống xanh hiện đại nên nhiều người mua đã không quá do dự về giá cả trước những chiếc xe vừa ý. Các kiểu mẫu xe đạp hiện đại ngày càng phong phú và hướng tới hỗ trợ người dùng.
Ngoài xe kiểu truyền thống, nhiều hãng sản xuất đã tích hợp bộ trợ lực điện hoặc thiết kế dạng xếp phù hợp với không gian sống nhỏ hẹp, có thể cho vào thùng xe hơi để đi dã ngoại...
Dạo quanh Sài Gòn, tại các showroom xe đạp lớn như Toàn Thắng Cycles, 107 Bicycle Martin hay Xedap.vn, người ta thấy có nhiều khách ra vô xem ngắm, chọn mẫu. Trong đại dịch, các nhân viên cửa hàng xe đạp vẫn liên tục nhận và xử lý đơn hàng.
Sự điều chỉnh lối sống
Giữa lúc nhiều ngành kinh doanh phải điêu đứng vì dịch bệnh thì ngành kinh doanh xe đạp lại tăng. Ghi nhận này đúng ở nhiều nơi, cả ở thị trường các nước phát triển hơn Việt Nam.
Tại Tây Ban Nha, cứ sau một đợt phong tỏa thì hàng ngàn người đổ xô tới các cửa hàng xe đạp để chọn cho mình một chiếc xe đạp - phương tiện di chuyển bấy lâu bị bỏ quên. Một trong những lý do là tàu điện hay xe buýt dễ gây nhiễm virus. Xe đạp đáp ứng tốt nhất sự an toàn, lại đỡ tốn tiền xăng.
Vài tháng trước đây, tờ Le Figaro có một ước tính rằng thị trường xe đạp tại Pháp năm 2020 đạt 2,7 tỉ euro. Nhưng quy mô kinh tế từ xu hướng dịch chuyển tiêu dùng qua xe đạp mang lại cho nước này khoảng 30 tỉ euro, bởi người đi xe đạp sử dụng nhiều phụ kiện trang phục, giày, ba lô, đèn chiếu sáng...
Và trước xu hướng sử dụng xe đạp tăng cao trong đại dịch, châu Âu đã công bố kế hoạch hỗ trợ 20 tỉ euro cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ di chuyển bằng xe đạp.
Tại Mỹ, doanh số xe đạp tháng 3-2020 tăng 39% so với cùng kỳ năm 2019 khiến một chuyên gia trong ngành kinh doanh này cho rằng người Mỹ sau khi sốt giấy vệ sinh thì chuyển qua sốt... xe đạp.
Tại Việt Nam, mới đây, Vietnamnet đưa ra ước tính thị trường xe đạp đạt 2-3 triệu chiếc/năm và đang có xu hướng tăng mạnh. Bài hát Xe đạp ơi của Ngọc Lễ với giai điệu xoay vòng hoài niệm, ngày nào là thông điệp tiễn những con ngựa sắt đi về quá khứ, thì nay, khi đời sống chậm lại bất ngờ bởi tác động của đại dịch, bởi con người nhìn thấy sự vô nghĩa của chứng cuồng tốc độ trong một thế giới bất định, đội quân ngựa sắt đang quay trở lại huy hoàng ở các đô thị lớn. Xe đạp như một biểu tượng của nhịp chuẩn trong lối sống mới, cách thích ứng mới.
Những buổi sáng trên các tuyến đường lớn và thoáng đãng ở Sài Gòn cũng như Hà Nội, người đi xe đạp thể dục ngày càng đông. Nhân viên văn phòng cũng chọn xe đạp đến chỗ làm, bởi ngoài chuyện giúp cơ thể vận động do môi trường công sở ít có cơ hội vận động, thì đạp xe còn giúp giảm stress, làm cho tinh thần phấn chấn, tích cực lên. Gần đây, lợi ích của xe đạp đối với người sử dụng và môi trường cũng được báo chí và các hội yêu xe đạp phân tích, càng làm cho phương tiện di chuyển tưởng đã bị đẩy lùi về quá khứ này quay trở lại như một trào lưu mới, một lối sống văn minh.
Rõ ràng, chiếc xe đạp đáp ứng tốt nhiều nhu cầu của thị dân trong đời sống đại dịch, đi cùng với những thay đổi về lối sống, văn hóa. Xe đạp dĩ nhiên không thể thay thế các phương tiện di chuyển khác khi đời sống trở về hoàn cảnh trước dịch bệnh, nhưng xét trên khía cạnh hữu ích cho sức khỏe thể chất, tinh thần và môi trường sống, sự trở lại của xe đạp chắc chắn không dừng lại ở tính “phong trào” nhất thời.
Nguyễn An Nam
Theo Kinh tế Sài Gòn