(SGTT) - Nhiều chuyên gia cho rằng, nhu cầu di chuyển từ các nước Mỹ Latinh sang Mỹ đã tăng lên trong năm 2021, một trong những nguyên nhân được cho là để tiêm vắc-xin.
- Bộ ngoại giao: Người dân nên suy tính kỹ về tour đi Mỹ tiêm vắc-xin
- Vụ Lữ hành không ủng hộ tour sang Mỹ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19
- Làm tour sang Mỹ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 có khả thi?
Theo báo Vietnamplus, nhu cầu di chuyển từ các nước Mỹ Latinh sang Mỹ để tiêm vắc-xin đã tăng lên trong năm 2021.
Thứ trưởng Bộ Y tế công cộng Peru Gustavo Rosell mới đây cho biết, ước tính đã có 70.000 người Peru ra nước ngoài để tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Các chuyến bay từ thủ đô Lima đến Mỹ đã được đặt kín đến tháng 6, và số người đi từ Peru sang Mỹ đã tăng gấp bốn lần, từ 10.000 người trong tháng 2 lên 40.780 người vào tháng 4.
Ông Jose Ricardo Botelho, Giám đốc điều hành Hiệp hội Vận tải hàng không Mỹ Latinh và Caribe cũng cho biết, sự gia tăng mạnh trong số chuyển đi từ khu vực này sang Mỹ có thể có liên quan đến hình thức “du lịch vắc-xin”.
Theo ông Botelho, trong năm 2019, khoảng 77% các chuyến đi đến Bắc Mỹ là từ bên ngoài khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Tuy nhiên, đến tháng 3-2021, con số này đã tăng lên 87%. Một sự gia tăng mà theo ông là có quan hệ mật thiết với số khách du lịch đến Mỹ để tiêm vắc-xin.
Nhu cầu di chuyển đến Mỹ từ các nước đang tăng. Vì thế, giá vé máy bay cũng tăng lên. Theo ông Ricardo Acosta, Chủ tịch Hiệp hội các công ty du lịch và lữ hành Peru, giá trung bình cho một vé hạng tiết kiệm từ Lima đến Miami vào thời điểm này mọi năm khoảng 500-700 đô la Mỹ. Nhưng những ngày này, giá vé cho chặng này thấp nhất là 1.200 đô la và có thể lên đến 4.500 đô la.
Khu vực Mỹ Latinh đang thiếu trầm trọng vắc-xin ngừa Covid-19. Bà Carissa Etienne, Giám đốc tổ chức y tế liên Mỹ cho biết, dù hơn 400 triệu liều vắc-xin đã được đăng ký trên khắp châu Mỹ, nhưng phần lớn vẫn tập trung ở Mỹ.
Tính đến ngày 21-5, các nước Mỹ Latinh và Caribe đã nhận hơn 12 triệu liều vắc-xin thông qua cơ chế Tiếp cận toàn cầu với vắc-xin ngừa Covid-19. Tuy nhiên chương trình này đang bị trì hoãn bởi sự chậm trễ trong hoạt động vận chuyển vắc-xin.
Cả Mexico và Peru đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Mexico đã ghi nhận gần 2,4 triệu ca nhiễm Covid-19, theo sau là Peru với hơn 1,93 triệu ca. Trong khi đó, theo CNN, Mexico mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho hơn 9% dân số. Con số này đối với Peru chỉ hơn 3% dân số hoàn thành tiêm chủng.
Theo bà Etienne, “du lịch vắc-xin” không phải là giải pháp. Đó là biểu hiện cho thấy tình trạng phân phối không đồng đều vắc-xin ở châu Mỹ.
Điều này cũng được ông Ernesto Ortiz, quản lý cấp cao của Viện y tế toàn cầu (Đại học Duke University), đơn vị theo dõi hoạt động phân phối vắc-xin trên toàn thế giới khẳng định.
Theo ông Ortiz, hình thức du lịch để tiêm vắc-xin đang diễn ra phổ biến và sẽ tiếp tục gia tăng nếu tình trạng phân phối vắc-xin vẫn diễn ra bất bình đẳng.
Nguyễn Nam tổng hợp