(SGTT) - Nước tương từ đậu nành là loại gia vị và nước sốt phổ biến nhưng không phù hợp với những người có chế độ ăn giảm muối, tránh gluten và đậu nành. Do đó, mọi người có thể thay thế bằng nước tương dừa hữu cơ ít mặn, có vị ngọt tự nhiên và giàu chất dinh dưỡng.
- Ngũ cốc nguyên cám và lúa mì nguyên cám, thức nào lành mạnh hơn?
- Tìm hiểu công dụng các loại hạt dinh dưỡng, ngũ cốc nhập ngoại
- Sáu tiêu chuẩn của một ly sinh tố lành mạnh cho người đang giảm cân
Gần đây, trên kệ gia vị của các cửa hàng bán thực phẩm nhập khẩu tại Việt Nam hay trên các trang thương mại điện tử bày bán một loại gia vị có tên khá lạ là nước tương dừa hữu cơ. Nhưng loại gia vị này lại quen thuộc với các đầu bếp theo phong cách bếp Âu và đặc biệt với những người ưa chuộng thực phẩm hữu cơ (organic). Giá bán của nước tương dừa hữu cơ khá cao so với nước tương đậu nành. Một chai nước tương dừa hàng nhập khẩu (dung tích 30ml) có giá bán khoảng 250.000 đồng đến gần 300.000 đồng.
Dinh dưỡng của nước tương dừa
Nước tương dừa có màu sắc và độ đặc như nước tương đậu nành nhưng được làm từ nhựa hoa dừa qua quá trình lên men, thêm chút muối biển tự nhiên nên có vị mặn đặc trưng và cả ngọt nhẹ. Đặc biệt, nước tương dừa không có chất phụ gia như nước tương đậu nành. Chai nước tương dừa thành phẩm gồm mật hoa dừa hữu cơ, giấm táo hữu cơ, nước cất, muối biển.
Bà Cynthia Sass, chuyên gia dinh dưỡng và chế độ ăn thiên về thực vật, cho biết trên tạp chí The Healthy là sự khác biệt về dinh dưỡng giữa nước tương dừa và nước tương đậu nành là natri (muối). Nước tương đậu nành có lượng muối nhiều gần gấp đôi so với nước tương dừa, ở mức 260mg natri mỗi muỗng cà phê, tương đương 11% giới hạn muối hằng ngày được khuyên dùng.
Nếu bạn sử dụng nước tương thường xuyên hoặc quen nêm một muỗng nước tương vô món ăn thì lượng muối nạp vào cơ thể sẽ cao gấp ba lần. Do đó, nước tương dừa thích hợp cho những người muốn giảm lượng muối trong khẩu phần ăn.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học về thực phẩm và dinh dưỡng năm 2020 ở Mỹ, ngoài ưu điểm ít mặn, nước tương dừa có vị ngọt tự nhiên và là nguồn cung cấp các khoáng chất như magiê, kali, kẽm và sắt và chất chống oxy hóa.
Ngoài ra, nước tương dừa không chứa gluten, một chất có trong lúa mì, lúa mạch và có hại cho những người mắc bệnh celiac (bệnh đường ruột do mẫn cảm với thành phần gluten) và thích hợp cho những người dị ứng đậu nành.
Cách sử dụng nước tương dừa
Bếp trưởng Trần Quang Thịnh (TPHCM) tư vấn rằng cách sử dụng nước tương dừa cũng giống như nước tương đậu nành, thường được dùng để ướp thịt, pha sốt hoặc làm món xào. Tuy nhiên, một số người sẽ không thích mùi dừa nên cân nhắc trước khi nấu ăn.
Do nước tương dừa mang đến hương vị ngọt thịt và vị mặn đặc trưng, các đầu bếp thường dùng nước tương dừa phổ biến cho các món xào, teriyaki (phương pháp nấu ăn của Nhật Bản) và ướp. Bạn có thể sử dụng gia vị này để thay thế cho những loại nước sốt có nguồn gốc từ đậu nành trong nấu ăn như làm nước chấm, gia vị cho món xào, cơm, súp… Đặc biệt, sử dụng nó như một loại gia vị để rắc lên bất cứ món gì, từ sushi thuần chay đến rau luộc hoặc món cơm gạo lứt.
Người nấu ăn có thể sử dụng nước tương dừa thay cho nước tương theo tỷ lệ 1:1 trong hầu hết các công thức nấu ăn. Sau khi mở chai, hãy bảo quản nước tương trong tủ lạnh. Vì nước tương dừa vẫn có chứa natri nên khi sử dụng cũng cần lưu ý, đặc biệt những người cử mặn.
Xem kết quả
Quỳnh Châu - Tâm Anh