(SGTT) - Là một trong tám ngành của thành phố được lựa chọn để phát triển công nghiệp văn hóa trong mười năm tới, ngành nghệ thuật biểu diễn đang tìm giải pháp để vừa giữ gìn vừa phát huy những giá trị văn hóa đậm bản sắc dân tộc.
- 8-3 đi xem triển lãm ảnh “Chân dung phụ nữ”
- TPHCM: nhiều sân khấu kịch hoạt động trở lại với đa dạng các vở diễn
Theo TTXVN, các loại hình ca nhạc, kịch nói, cải lương, hài kịch, múa, múa rối là những yếu tố trọng tâm mà TPHCM hướng đến phát triển để trở thành trung tâm của ngành nghệ thuật biểu diễn của cả nước. Tuy nhiên, các bộ môn trong ngành này vẫn còn những điểm khó khăn cần phải cải thiện.
Cụ thể, về lĩnh vực ca nhạc nhẹ đã có những sự phát triển đáng ghi nhận, theo hướng chuyên nghiệp hơn. Với lĩnh vực kịch nói, hiện đang có dấu hiệu chững lại bởi nhiều khó khăn, thách thức. Loại hình nghệ thuật "cây đa cây đề" trong ngành nghệ thuật biểu diễn là cải lương cũng có dấu hiệu chững lại vì không còn nhiều tác giả sáng tác, nghệ sĩ chưa thể dựng các vở diễn mới mang hơi thở cuộc sống hiện đại.
Đối với rạp hát, sân khấu kịch, ca nhạc thì phần cơ sở hạ tầng và trang thiết bị có phần xuống cấp, nội dung hoạt động chưa được đầu tư, quảng bá tốt. Các nhà hát, địa điểm biểu diễn còn thiếu về quỹ đất cũng như kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của biểu diễn nghệ thuật.
Chia sẻ về vấn đề này trên TTXVN, ông Trần Văn Phương cho rằng nguyên nhân là do các sản phẩm tăng tính thị hiếu và giải trí, giảm tính nghệ thuật; thị trường phát triển nhanh nên cũng sớm tàn; việc quản lý sự phát triển nghệ thuật biểu diễn chưa chặt chẽ; giá trị nghệ thuật thiếu tính bền vững và xu hướng nghệ thuật truyền thống dần bị mai một.
Để thúc đẩy phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng thành phố cần chú trọng quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nguồn nhân lực; gắn đào tạo chính quy với đào tạo ngắn hạn; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cho các trường, viện; phát triển lực lượng lý luận phê bình nghệ thuật biểu diễn có trình độ, chuyên môn cao.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TPHCM, cho rằng thành phố đang thiếu những chương trình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa, do vậy cần chú trọng yếu tố này để tạo diện mạo riêng cho thành phố.
Về quảng bá và hợp tác quốc tế, cần chú trọng lồng ghép chương trình hoạt động biểu diễn nghệ thuật gắn với các sự kiện ngoại giao, giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế; tăng cường giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật có giá trị ra thế giới và ngược lại... Có như thế, ngành nghệ thuật biểu diễn của thành phố mới tạo được nhiều sản phẩm chất lượng nghệ thuật cao đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân nói chung và du khách quốc tế nói riêng.
Xem kết quả
Phúc An tổng hợp