Brussels đề xuất cấp ‘hộ chiếu xanh kỹ thuật số’ (Digital Green Pass) hay còn gọi là ‘hộ chiếu vắc-xin Covid-19’ cho những người dân trong khu vực đã được tiêm chủng vắc-xin Covid-19 hoặc đã được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 với kết quả âm tính để giúp hồi sinh ngành du lịch đang bị tàn phá của khu vực và rộng hơn nữa là nền kinh tế.
- Tấm "hộ chiếu" vắc-xin Covid-19 liệu đã an toàn?
- Chính phủ ra nghị quyết xác định đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin miễn phí
Hôm 2-3, Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), cho biết hộ chiếu xanh kỹ thuật sẽ cung cấp bằng chứng về việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19, kết quả xét nghiệm của những người chưa được tiêm vắc-xin Covid-19 và thông tin về sự hồi phục của chủ hộ chiếu nếu họ đã mắc bệnh trước đó.
“Hộ chiếu xanh kỹ thuật số sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của người châu Âu. Mục đích là dần dần cho phép họ di chuyển an toàn ở EU hoặc nước ngoài vì mục đích công việc hoặc du lịch”, Ursula von der Leyen viết trên Twitter.
Cứu vãn ngành du lịch
Ngành du lịch hoan nghênh đề xuất cấp giấy chứng nhận tiêm vắc-xin Covid-19 trên toàn châu Âu vì họ xem đó là giải pháp để xây dựng lại niềm tin trước mùa kinh doanh quan trọng của doanh nghiệp du lịch những tháng hè sắp tới. Song các lãnh đạo ngành du lịch cho rằng việc xét nghiệm thường xuyên và nhanh chóng là cách hiệu quả hơn và ngay lập tức để cho phép ngành này tái khởi động hoạt động kinh doanh.
Fritz Joussen, Giám đốc điều hành TUI (Đức), hãng điều hành tour lớn nhất châu Âu, cho biết: “Với kế hoạch cấp với giấy thông hành thống nhất toàn EU, các nhà chính trị giờ đây có thể tạo nền tảng quan trọng cho hoạt động du lịch mùa hè”. Nhưng ông nói thêm rằng việc xét nghiệm vẫn là yếu tố quan trọng hàng thứ hai cho những kỳ nghỉ an toàn giữa lúc một số lượng lớn người dân châu Âu vẫn còn phải chờ để được tiêm vắc-xin Covid-19.
Marco Corradino, Giám đốc điều hành hãng du lịch trực tuyến Lastminute.com, lo ngại hệ thống hạ tầng cần thiết cho hộ chiếu xanh kỹ thuật số không sẵn sàng triển khai kịp thời vào mùa hè. Ông nói: “Nó sẽ không thể hoạt động ở cấp độ EU vì nó quá phức tạp và sẽ chưa thể áp dụng vào tháng Sáu” .
Ông gợi ý rằng các thỏa thuận song phương, chẳng hạn như thỏa thuận giữa Hy Lạp và Israel hồi tháng trước để cho phép các công dân đã tiêm vắc-xin Covid-19 của họ đi du lịch đến mỗi bên mà không cần giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, có nhiều tiềm năng hơn.
Lo ngại phân biệt đối xử với người chưa được tiêm vắc-xin
Bà Ursula von der Leyen cho biết quy trình cấp hộ chiếu xanh kỹ thuật số sẽ được vạch ra trong tháng này. Thông báo của bà được đưa ra sau cuộc thảo luận căng thẳng trong một cuộc họp trực tuyến hồi tuần trước. Các nước có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch như Hy Lạp vận động cấp hộ chiếu vắc-xin để cứu vãn mùa kinh doanh du lịch cao điểm trong những tháng mùa hè sắp tới.
Trong khi đó, những nước khác, đứng đầu là Pháp, bày tỏ lo ngại dạng hộ chiếu này sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử giữa những người được tiêm vắc-xin và những người chưa được tiêm vắc-xin ở châu Âu cũng như xâm phạm dữ liệu cá nhân.
Phát biểu sau cuộc họp, Thủ tướng Đức Angela Merkel, nói: “Trong tương lai, chắc chắn sẽ hữu ích nếu có một hộ chiếu như vậy nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ những người có hộ chiếu vắc-xin mới có thể đi lại”.
Nhìn chung, các nỗ lực tiêm chủng vắc-xin Covid-19 ở EU khởi động chậm chạp. Cho đến nay, chỉ 5% dân số EU nhận được ít nhất một liều tiêm vắc-xin Covid-19.
Ngoại trưởng Bỉ, Sophie Wilmès, nói rằng dù hộ chiếu xanh kỹ thuật số được tiêu chuẩn hóa của châu Âu nhằm thu thập các chi tiết được bà Ursula von der Leyen đề xuất là một ý tưởng tốt, nhưng quyết định gọi nó là ‘hộ chiếu’" là điều khó hiểu.
Bà viết trên Twitter: “Bỉ chắc chắn không gắn việc được tiêm vắc-xin Covid-19 với quyền tự do đi lại khắp châu Âu. Tôn trọng nguyên tắc không phân biệt đối xử là điều quan trọng hơn bao giờ hết vì tiêm vắc-xin Covid-19 không phải là quy định bắt buộc và việc tiếp cận vắc-xin cũng chưa được phổ biến”.
Những người hoài nghi hộ chiếu vắc-xin cho rằng sẽ không công bằng nếu hạn chế quyền đi lại của mọi người chỉ đơn giản là vì họ vẫn đang chờ đến lượt tiêm vắc-xin Covid-19. Mục tiêu của EU là tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cho 70% trong số 446 triệu người dân của khu vực này vào tháng Chín, có nghĩa là nhiều người có khả năng sẽ trải qua mùa hè mà chưa được tiêm vắc-xin .
Gloria Guevara, Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), cho biết điều quan trọng là không phân biệt đối xử với các nước nghèo hơn và du khách trẻ tuổi, hoặc những người không chọn tiêm vắc-xin Covid-19 hoặc chưa đến lượt tiêm.
Bà nhấn mạnh: “Du lịch trong tương lai là sự kết hợp của các biện pháp như xét nghiệm toàn diện, đeo khẩu trang, nâng cao quy trình giữa gìn vệ sinh và bảo vệ sức khỏe cũng như hộ chiếu vắc-xin kỹ thuật số cho các hành trình cụ thể”.
Christian Wigand, người phát ngôn EC, nói: “Chúng tôi sẽ xem xét đưa vào hộ chiếu các hạng mục thông tin khác để tránh phân biệt đối xử chẳng hạn kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và các xác nhận về tiến trình hồi phục của người từng nhiễm virus này”.
Khánh Lan
Theo TBKTSG Online, Financial Times, NY Times