(SGTT) - Ngoài việc chuẩn bị tăng nguồn cung hàng hóa thiết yếu, các doanh nghiệp phân phối cũng xây dựng nhiều chương trình bán hàng nhằm tránh xảy ra tỉnh trạng khan hàng, sốt giá dịp Tết Nguyên Đán 2021.
- Lâm Đồng cung ứng gần 800.000 tấn rau cho thị trường Tết
- Rượu ngoại không rõ xuất xứ trị giá hơn 7 tỉ đồng chuẩn bị bán ra thị trường Tết
Các doanh nghiệp phân phối chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu với lượng tăng trung bình từ 7-22% so với năm ngoái, cũng như xây dựng chương trình khuyến mại, kế hoạch bán hàng online… nhằm đáp ứng yêu cầu nhanh nhất cho người tiêu dùng.
Theo baochinhphu.vn, với tiêu chí “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, tỷ trọng hàng Việt vẫn chiếm trên 90% lượng hàng hóa dự trữ.
Nhằm đảm bảo nguồn cung thiết yếu trong dịp Tết, từ vài tháng trước các doanh nghiệp bán lẻ lớn đã lên kế hoạch dự trữ và hiện tại hàng hóa đã về đến kho, sẵn sàng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Để kích cầu sức mua của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai hình thức mua sắm trực tuyến qua wesbite, app, fanpage, hotline, thẻ khách hàng thân thiết.
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp cũng đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mại, áp dụng giảm giá hàng Tết sớm, giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và không bị dồn áp lực.
Đặc biệt, để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị cũng sẽ tăng giờ hoạt động thêm 3-4 giờ mỗi ngày, cửa hàng tiện lợi tăng 2-3 giờ. Đồng thời, tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo Tết an toàn cho người dân.
Cũng theo baochinhphu.vn, Tổng cục Quản lý thị trường mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết đến hết ngày 25-2-2021. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra kiểm soát về công tác an toàn thực phẩm, nhóm mặt hàng nông lâm, thuỷ sản, đặc biệt phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm đường phố.
Dung Trần tổng hợp