(SGTT) - Qua bàn tay điêu luyện của anh Lê Trí, sinh năm 1983, ổ bánh kem đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật đầy kỳ công và đẹp mắt. Để làm được điều này là nhờ vào niềm đam mê và những năm tháng anh kiên trì học hỏi và rèn luyện tay nghề.
Trước đây, anh Lê Trí làm nghề thợ bạc, một nghề đòi hỏi khiếu thẩm mỹ, tính cần mẫn và sự tỉ mỉ. Anh tâm sự rằng mình thích vẽ tranh, điêu khắc hay những công việc mang tính nghệ thuật. Năm 2014, một người anh của anh Trí mở tiệm bánh kem, thấy anh Trí khéo tay nên mời về làm ở khâu trang trí bánh. Không ngờ đó lại là cơ duyên đưa anh đến với nghề làm bánh và theo đuổi cái nghề cũng lắm công phu này được 14 năm. Hiện tại, anh đang làm vị trí tổ trưởng tổ kem của ABC Bakery được 7 năm.
Có đam mê thì sẽ kiên trì
Người làm nghề trang trí bánh cũng giống như người họa sĩ hay thợ điêu khắc, cần có năng khiếu và gu thẩm mỹ mới có thể tiến xa trong nghề. Ngoài ra, sự siêng năng, kiên trì luyện tập tay nghề sẽ làm nên một người thợ trang trí giỏi. Theo anh Trí, hội đủ những tố chất này vẫn chưa đủ.
Anh Trí cho biết: “Để theo nghề này cần phải có niềm đam mê nữa. Nhớ lần đầu tôi làm chiếc bánh kem, tuy bánh không đẹp nhưng tôi rất vui sướng, cầm ngay chiếc bánh đầu tiên chạy về nhà ăn. Chính vì thích nên tôi mới chịu khó tự mày mò học hỏi, rèn luyện tay nghề".
Sau đó, anh tham gia lớp học về trang trí thú nổi, nhưng chỉ học kiến thức cơ bản để biết cách làm, chủ yếu anh tự nghiên cứu. Quan sát 12 con giáp, anh hình dung ra hình dáng của chúng, từ đó xây dựng ý tưởng để tạo hình thú. Nhiều khi không cần có người hướng dẫn, anh vẫn có thể tự làm được.
Bất cứ ai mới vào nghề cũng sẽ làm những chiếc bánh đầu tiên không đẹp, thậm chí thất bại là chuyện thường. Chính niềm đam mê đã giúp anh Trí không nản lòng, nếu làm không được thì cố gắng làm lại đến khi được mới thôi. Nhưng điều quan trọng là trong lòng anh lúc nào cũng thấy vui vì được làm công việc mà mình thích.
Ngoài công việc tại tiệm bánh ABC Bakery, anh Trí còn nhận làm bánh kem tại nhà từ khâu nướng bánh cho đến trang trí bánh. Tiệm bánh riêng không chỉ giúp tăng thêm thu nhập mà còn thỏa niềm đam mê của anh.
Để trở thành thợ giỏi, cần luyện tay nghề nhiều năm
Để học nghề trang trí bánh, đầu tiên người học phải theo các lớp cơ bản như chà láng, vẽ vỏ sò, bắt hoa, bơm thú mini, kế tiếp là học làm thú nổi rồi mới học qua lớp nâng cao. Để học cách làm cơ bản, theo anh Trí, có thể hướng dẫn trong vài ngày. Nhưng lúc này, người học vẫn chưa làm được ngay mà phải thực hành một thời gian.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng quá trình luyện tay nghề trang trí bánh khá vất vả và kéo dài ít nhất 2-3 năm mới có thể ra nghề. Nếu chỉ cần làm những mẫu bánh đơn giản như phết kem lên bánh bông lan, chà láng bề mặt, bắt hoa đơn giản, sắp đặt trái cây, chocolate, đồ trang trí... thì chỉ cần ba tháng là có thể ra nghề. Nhưng để trở thành người thợ trang trí bánh giỏi, có thể làm những mẫu phức tạp, đầy sáng tạo thì thời gian được tính bằng năm.
Với anh Trí, khoảng thời gian anh theo những người đi trước học kinh nghiệm là đáng nhớ nhất. Anh quan niệm rằng: “Không có gì quý giá bằng những gì bạn học được từ những người đã làm trong nghề lâu năm. Bạn có thể học kiến thức ở trường nhưng bạn nên luyện tay nghề ở môi trường thực tế. Những năm tháng tôi phụ việc ở các tiệm bánh lớn như Kinh Đô, Đức Phát, Hỷ Lâm Môn, Brodard đã khiến tôi tiến bộ và giỏi nghề rất nhanh chóng. Hãy bỏ thời gian, công sức hơn là chỉ bỏ tiền để học”.
Mỗi tiệm bánh có công thức riêng và phong cách trang trí khác nhau, người mới vô làm phải học lại từ đầu. Cho dù tay nghề cao cũng phải bắt đầu từ vị trí thấp để làm quen với cách làm, bảng màu và khẩu vị của khách hàng ở mỗi tiệm. Anh Trí chia sẻ: “Khi tôi vào làm ở Kinh Đô Bakery, tay nghề của tôi đã vững rồi nhưng tôi vẫn làm phụ việc, đó là nguyên tắc nghề nghiệp. Làm một thời gian, nếu người mới chứng tỏ được khả năng sẽ được cất nhắc lên vị trí cao hơn”.
Anh Trí cũng truyền nghề cho những người mới học việc. Anh kể: “Nghề này không phải ai cũng học và làm được. Có người học ròng rã sáu tháng trời mà vẫn không làm được như tôi hướng dẫn. Vì khả năng của người đó có giới hạn nên chỉ dừng lại ở đó thôi. Nếu bạn siêng năng luyện tập trong vài năm, bạn cũng có thể trở thành thợ trang trí ở những khâu đơn giản. Nhưng để học nâng cao, năng khiếu rốt cuộc vẫn là yếu tố cần thiết”.
Nghề cũng lắm công phu
Khi ra nghề, người thợ trang trí vẫn phải luôn học hỏi, cập nhật những xu hướng mới để nghĩ ra những mẫu bánh phù hợp thị hiếu của khách hàng. Theo anh Trí, xu hướng mới của năm nay là trang trí bằng hoa giấy gạo, có thể ăn được, thay cho xu hướng trước đây là hoa bằng chocolate. Từ một miếng giấy mỏng được làm bằng bột gạo, người thợ cắt ra thành từng chi tiết nhỏ và xếp lại thành hình hoa. Bánh kem đính hoa giấy gạo với hình dáng bắt mắt và nhiều màu tươi tắn hiện đang được thực khách ưa chuộng.
Cách trang trí bánh kem hiện nay khá kỳ công từ vẽ tranh trên bánh, nặn con thú, đồ vật, cây cỏ hoa lá đến tạo hình thú, hình nhân vật hoạt hình phức tạp. Xu hướng sử dung đồ trang trí bằng nhựa vẫn rất phổ biến, theo anh Trí, có khoảng 80% tiệm bánh dùng xu hướng này. Riêng anh, phần lớn bánh do anh thiết kế đều dùng kem, chocolate, kẹo đường, trái cây, hoa giấy gạo, chỉ khi khách hàng yêu cầu anh mới trang trí bằng đồ nhựa.
Không chỉ chú trọng hình thức của bánh, người thợ cũng phải theo dõi khẩu vị của khách thích ngọt hay ít ngọt để điều chỉnh vị kem cho phù hợp.
Ở mức độ khó nhất là tạo hình thú, người thợ cần có kỹ thuật cao, trí tưởng tượng phong phú và óc sáng tạo để biến ý tưởng của khách thành hiện thực. Muốn làm được như vậy, người thợ phải nắm vững kiến thức căn bản để biết bắt đầu từ bước nào, hiểu rõ về kem để tạo hình dễ dàng hơn.
Ý tưởng cho chủ đề của bánh sẽ tùy theo mùa và các lễ hội như lễ tình nhân, 8-3, Giáng Sinh, năm mới. Nhộn nhịp nhất có lẽ là dịp Giáng sinh với rất nhiều mẫu bánh độc đáo, đẹp mắt được trình làng cho ngày lễ này. Với chủ đề năm mới, khách đang chuộng bánh kem có hình trâu bơm, trâu nổi, đồng tiền... Ngay cả những chủ đề khó như bao đựng tiền xu, ông Phúc Lộc Thọ, bánh kem khổng lồ... anh Trí có thể thực hiện dễ dàng.
Ngoài ra, dựa vào sở thích, giới tính, tuổi tác của khách, người thợ cũng sẽ thiết kế những mẫu bánh phù hợp. Anh Trí cho biết: “Người thợ phải nắm rõ nhu cầu, thị hiếu của khách hàng như phần lớn khách thích màu kem trắng ngà hay màu nâu chocolate, người trẻ thích tông màu hồng tươi trẻ hay những màu tươi, người trung niên thích màu xanh dương, tím, còn người lớn tuổi thích màu vàng…”.
Luôn sáng tạo những ý tưởng mới khiến anh Trí không hề thấy nghề này đơn điệu chút nào. Mỗi ngày, anh Trí đều cho ra đời những mẫu bánh mới. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc trong nghề của anh.
Quỳnh Châu