Nguyễn Đước -
Kết quả khảo sát mới đây của cơ quan chức năng đối với hàng trăm doanh nghiệp của tỉnh Đồng Nai cho thấy, bữa ăn giữa ca dành cho người lao động ở nơi này là “dưới chuẩn”, tức dưới 15.000 đồng – đồng nghĩa với sự kém chất lượng. Không chỉ ở tỉnh Đồng Nai mà ở một số tỉnh, thành lớn như TPHCM hiện nay, bữa ăn giữa ca của công nhân tại nhiều doanh nghiệp cũng ở mức dưới 15.000 đồng.
Một điều chắc chắn rằng, khi có những bữa ăn giữa ca dưới chuẩn như vậy, công nhân lao động, đặc biệt là công nhân xây dựng hay người làm việc nặng nhọc ngoài trời, không làm việc một cách tỉnh táo đến cuối ngày và ngày qua ngày sẽ không thể tái tạo sức lao động. Trên thực tế, có nhiều trường hợp công nhân lao động do bữa ăn giữa ca quá kém, thiếu nhiều dưỡng chất, rau xanh… đã bị ngất xỉu hoặc để xảy ra tai nạn lao động khi đang làm việc.
Với bất cứ một doanh nghiệp nào quan tâm đến chất lượng bữa ăn giữa ca của công nhân lao động, như ở doanh nghiệp của tôi trong nhiều năm nay, công nhân có bữa ăn giữa ca là gần 30.000 đồng. Tôi nghĩ rằng nếu được ăn no và đủ chất, bản thân người lao động làm việc có hiệu quả, thường mang lại năng suất lao động cao hơn cho doanh nghiệp. Họ cũng cảm thấy mình được chăm sóc tử tế và gắn bó hơn với doanh nghiệp. Điều đáng buồn là vẫn còn có không ít các chủ doanh nghiệp thiếu tâm đã cố tình “cắt xén” bữa ăn giữa ca của người lao động xuống đến mức… “dưới chuẩn” nhằm tiết giảm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Pháp luật hiện hành chưa có bất kỳ một quy định nào về giá tiền hoặc yêu cầu cụ thể về chất lượng bữa ăn giữa ca đối với người lao động hoặc có các biện pháp chế tài nghiêm minh nếu doanh nghiệp cố tình vi phạm quy định về chất lượng bữa ăn này. Đến nay, chỉ có sự thỏa thuận hoặc thương lượng giữa người lao động hoặc đại diện cho tập thể người lao động là công đoàn với người sử dụng lao động (doanh nghiệp) về bữa ăn giữa ca đạt chuẩn hoặc đạt mức tối thiểu. Điều này tạo ra khe hở để nhiều doanh nghiệp cố tình quy định bữa ăn dưới chuẩn hoặc chất lượng bữa ăn giữa ca quá kém.
Mặc dù tại Điều 2, Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18-10-2013 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định mức bồi dưỡng bằng hiện vật, được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng theo bốn mức: mức 1: 10.000 đồng, mức 2: 15.000 đồng, mức 3: 20.000 đồng, mức 4: 25.000 đồng và nghiêm cấm người sử dụng lao động trong doanh nghiệp trả bằng tiền, thế nhưng hầu hết công nhân lao động không được hưởng đủ mức bồi dưỡng này. Doanh nghiệp đã rộng tay “cắt xén” một phần là do các cơ quan chức năng thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Thiết nghĩ, công đoàn trong doanh nghiệp – là tổ chức đại diện quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho tập thể người lao động trong doanh nghiệp – khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012, nên kiến nghị để bổ sung và đưa quy định bữa ăn giữa ca trong doanh nghiệp vào điều luật, để theo đó doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình cùng với đó là các biện pháp chế tài nếu doanh nghiệp cố tình vi phạm.