(SGTTO) - TPHCM hiện có 8.993.082 người thường trú (kể cả người có đăng ký tạm trú trên 6 tháng). So với năm 2009 là 7.162.864 người, dân số thành phố đã tăng 1.830.218 người, trung bình tăng 183.000 người/năm trong 10 năm gần đây.
Kết quả điều tra dân số trên không bao gồm người tạm trú ngắn hạn và vãng lai và là thông tin mà Hiệp hội Bất động sản TPHCM HoREA vừa công bố ngày 15-8.
Theo HoREA, hàng năm, thành phố có thêm khoảng 60.000 cháu sơ sinh và khoảng 50.000 cặp kết hôn mới. Tổng số sinh viên, cao đẳng có hơn 500.000 người. Dân số thành phố Hồ Chí Minh có 8.993.082 người thường trú (kể cả người có đăng ký tạm trú trên 6 tháng). So với dân số năm 2009 có 7.162.864 người, thì dân số thành phố đã tăng 1.830.218 người, trung bình tăng 183.000 người/năm trong 10 năm gần đây.
Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 100.000 người nước ngoài làm việc và thường trú tại thành phố. Trong đó, đông nhất là người Hàn Quốc với khoảng 90.000 người; người Nhật Bản khoảng hơn 8.000 người; người Đức khoảng 1.200 người; người Italia khoảng 570 người... Người nước ngoài cư trú tập trung tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7; phường Thảo Điền, quận 2 và khu trung tâm thành phố. Riêng quận 7 đã đến 20.000 người nước ngoài thường trú.
Hiện đang có xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và chuyển dịch cơ sở sản xuất công nghiệp vào Việt Nam và TPHCM, nên dự báo số lượng người nước ngoài lưu trú dài hạn sẽ tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, do nền kinh tế nước ta có "độ mở" rất lớn, nên có thể sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực của cuộc chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn và cũng không loại trừ khả năng nguồn vốn FDI có thể sụt giảm, dẫn đến giảm sút số lượng người nước ngoài thường trú.
Với số dân như trên, thực trạng nhà ở tại TPHCM như thế nào?
Theo số liệu thống kê năm 2016 của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố có 1.675.810 căn nhà, với tổng diện tích sàn xây dựng 150,55 triệu m2. Trong đó, nhà kiên cố chiếm 37,6% tổng số nhà ở.
Nhà bán kiên cố chiếm đến 60,1% tổng số nhà ở. Đáng lưu ý là loại nhà bán kiên cố phát triển nhiều nhất trong giai đoạn 2000-2009, tăng 478.000 căn, chiếm 85% trong tổng số nhà xây mới, chủ yếu là do người dân tự xây dựng và cũng có phần do thực hiện chủ trương phân lô hộ lẻ trong giai đoạn này. Nhà thiếu kiên cố chiếm 1,9% tổng số nhà ở. Nhà đơn sơ chiếm 0,4% tổng số nhà ở.
Nhà chung cư có 1.440 khối (block) nhà, với 141.062 căn hộ, chiếm 8,4% trong tổng số nhà ở toàn thành phố, với tổng diện tích sàn 10.645.970 m2, diện tích bình quân căn hộ là 75 m2.
Nhu cầu nhà ở tại TPHCM chia thành nhiều đối tượng khác nhau. Người có thu nhập cao và người có thu nhập khá có khả năng tự giải quyết nhu cầu nhà ở của mình và đặt ra các yêu cầu rất cao đối với sản phẩm nhà ở cao cấp, hạng sang trong các khu nhà ở cao cấp, khu nhà ở biệt lập (compound), hoặc nhà ở trung cao cấp, thân thiện môi trường, có đầy đủ tiện ích, dịch vụ và các doanh nghiệp bất động sản phải nỗ lực để đáp ứng các yêu cầu này. Ngoài ra, là nhu cầu nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội
Với người nước ngoài, phần lớn người nước ngoài thuộc khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore có xu hướng thuê nhà; phần lớn người Trung Quốc, Đài Loan có xu hướng mua nhà; Người Hàn Quốc có cả nhu cầu mua hoặc thuê nhà. Người nước ngoài có xu hướng ở cùng nhau trong một tòa nhà hoặc trong cùng khu vực đô thị có nhiều tiện ích, dịch vụ, ví dụ: Người Hàn Quốc sinh sống nhiều ở phường Thảo Điền, quận 2 và khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7.
Khôi Nguyên