Hoàng Nhung
Phát triển tuyến y tế cơ sở là một trong những mục tiêu ngành y tế đặt ra nhiều năm nay nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Thế nhưng, có một thực tế là đội ngũ bác sĩ ở các tuyến cơ sở đang ngày càng teo tóp, nhiều trung tâm y tế dự phòng tìm không ra bác sĩ.
Trong hai ngày 24 và 25-3 vừa qua, tại thành phố Huế đã diễn ra hội nghị quốc tế về việc tăng cường y tế cơ sở nhằm chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng tới bao phủ trên diện rộng việc chăm sóc sức khỏe toàn dân. Bộ Y tế cho biết, hiện cả nước có khoảng 11.000 trạm y tế xã và có đến 97% tổ dân phố và thôn xóm có nhân viên y tế. Nếu hoạt động tốt, mạng lưới này sẽ đảm bảo được 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tại tuyến cơ sở.
Vấn đề mà ngành này đang gặp phải là nhiều bác sĩ lại không mặn mà với việc ở lại tuyến dưới để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Các bác sĩ lần lượt ra đi, dẫn đến cảnh khan hiếm bác sĩ ở tuyến y tế phường/xã. Thực ra, ngành y tế đã nhìn thấy vấn đề này cả chục năm nay, đã quy hoạch đào tạo ra hàng trăm sinh viên ở trường đại học để xây dựng đội ngũ bác sĩ y tế dự phòng. Thế nhưng, số lượng đào tạo vẫn không bù đắp nổi số lượng ra đi khỏi trạm y tế, thậm chí nhiều sinh viên học xong không muốn làm bác sĩ y tế dự phòng mà chuyển sang ngành khác.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho biết hiện trung tâm có khoảng 150 nhân viên, trong số đó chỉ còn lại 17 bác sĩ. Ông đang lo không biết số bác sĩ này sẽ còn gắn bó với trung tâm được bao lâu nữa, hay rồi cũng sẽ ra đi như những đồng nghiệp khác. Trung tâm đã vậy, ở các quận, huyện còn thiếu bác sĩ trầm trọng hơn. Cụ thể, quận Tân Bình có đến 6/15 trạm y tế phường không có bác sĩ; còn tại quận 11 con số này lên đến 11/16 phường. Người có trình độ chuyên môn cao nhất ở các trạm y tế này là y sĩ hoặc nữ hộ sinh.
Một trong những nguyên nhân chính khiến bác sĩ chê y tế dự phòng là do thu nhập khá thấp. Tại Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, người có thu nhập cao nhất là 13 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 3,5 triệu đồng/tháng. Còn tại các trạm y tế phường/xã, thu nhập của một bác sĩ mới ra trường khoảng 5,5 triệu đồng.
Lương thấp hơn nhiều so với các đồng nghiệp ở tuyến trên, nhân viên y tế phường phải đảm đương rất nhiều công việc, từ chương trình tiêm chủng mở rộng, khám và tuyên truyền sức khỏe bà mẹ, trẻ em đến phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu sắt, hen suyễn, HIV/AIDS, lao, tiểu đường, huyết áp. Đó là chưa kể đến các chương trình phòng chống sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, sởi, sốt rét... Quanh năm, y tế dự phòng địa phương thực hiện tổng cộng khoảng 29 chương trình. Trong khi đó, việc đầu tư cho y tế dự phòng chỉ bằng 1/4 đầu tư cho chữa bệnh, theo thống kê của Bộ Y tế.
Một số người trong ngành so sánh thiệt-hơn, cho rằng một bác sĩ học sáu năm ra trường và thực tập thêm 18 tháng, nếu về trạm y tế thì thu nhập chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng, trong khi phải bỏ kinh phí học tập cả trăm triệu đồng. Hơn nữa, khi về trạm y tế, các bác sĩ không có nhiều việc để làm, thiếu cơ hội học hỏi để nâng cao chuyên môn như các bác sĩ làm ở những bệnh viện lớn. Thêm vào đó, cơ sở vật chất thiếu thốn khiến người bệnh không có niềm tin vào bác sĩ. Do đó, rất ít sinh viên nộp hồ sơ làm ở trạm y tế, hoặc có nộp hồ sơ vào làm việc một thời gian rồi cũng xin đi học hàm thụ hay xin chuyển công tác đến các phòng khám tư, bệnh viện tư.
Hiện nay, mặc dù Nhà nước đã cho bác sĩ ở trạm y tế khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, nhưng khi người dân đến phường khám bảo hiểm y tế, nhiều bác sĩ lắc đầu, đóng dấu chuyển bệnh nhân lên bệnh viện quận vì cơ sở vật chất không đủ thuốc men và đôi khi không đúng chuyên môn.
Bác sĩ Nguyễn Trung hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Gò Vấp, cho biết trung tâm y tế dự phòng làm quá nhiều nhiệm vụ trong khi nhân lực thì hạn chế, kinh phí đầu tư cho các chương trình còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu của cộng đồng. Cán bộ có chuyên môn về y tế dự phòng còn ít nên công tác dự phòng bệnh mới chỉ giải quyết phần ngọn, chưa thể giải quyết triệt để.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh y tế cơ sở là cần thiết để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, để chia sẻ công việc và thu nhập của bác sĩ tuyến dưới. Song, thực hiện được vấn đề này không đơn giản, không thể làm trong một sớm một chiều. Việc này đòi hỏi Nhà nước phải tạo cơ chế cho y tế phường/xã làm việc, tạo niềm tin cho người bệnh bằng cách thêm nhiều danh mục thuốc bảo hiểm cho bệnh nhân, đầu tư cơ sở vật chất với trang thiết bị hiện đại hơn và tạo điều kiện cho bác sĩ nâng cao tay nghề.