(SGTT) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung 10 tháng qua, giá trị xuất siêu mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt 15,21 tỉ đô la, tăng 62,2% so cùng kỳ.
- Áp dụng mô hình nông lâm kết hợp hướng đến tiêu chuẩn ‘xanh’ của Châu Âu
- Làm nông nghiệp phát thải thấp, nông dân chờ tiếp cận với tín chỉ carbon
Cụ thể, TTXVN đưa tin, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 51,74 tỉ đô la, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt 36,53 tỉ đô la, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 27,38 tỉ đô la, tăng 25,6% so cùng kỳ; sản phẩm chăn nuôi đạt 423,5 triệu đô la, tăng 2,7%; thủy sản đạt 8,33 tỉ đô la, tăng 12%; lâm sản đạt 14,05 tỉ đô la, tăng 19,9%; muối đạt 4,6 triệu đô la, giảm 0,2%.
Đến nay, ngành nông nghiệp đang có 6 mặt hàng nông lâm thủy sản có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỉ đô la là gỗ và sản phẩm gỗ, hàng rau quả, cà phê, gạo, tôm và cá tra.
Châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam với thị phần chiếm 48,2%. Hai thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 23,5% và 11,5%.
So với cùng kỳ năm trước, ước giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2024 sang khu vực châu Á tăng 17,2%; châu Mỹ tăng 24,7%; châu Âu tăng 34,1%; châu Phi tăng 2% và châu Đại Dương tăng 14,5%.
Về thị trường, Mỹ đang đứng đầu với thị phần 21,6%, tiếp theo là Trung Quốc 21,5% và Nhật Bản 6,5%. Đây là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.