NGUYỄN HUY -
Năm ngoái sân khấu Idecaf thành công bất ngờ trên đất Mỹ với vở Hợp đồng mãnh thú, năm nay, sân khấu tiếp tục sang Mỹ với vở Dạ cổ hoài lang và vẫn thu hút được đông đảo khán giả yêu mến kịch nghệ. Thành công của sân khấu kịch nói tư nhân hàng đầu Việt Nam trên đất Mỹ khiến nhiều người trong giới dự báo xu hướng phát triển mạnh kịch “Made in Viet Nam” tại hải ngoại. Tuy nhiên, ở góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ mới là cánh én báo hiệu mùa xuân, còn mùa xuân có đến thực sự hay không thì còn phải chờ xem.
Khai mở thị trường
Dạ cổ hoài lang của Idecaf thành công trong năm nay trên đất Mỹ. Ảnh do Idecaf cung cấp
Sau thành công của Dạ cổ hoài lang (tác giả Thanh Hoàng, đạo diễn Vũ Minh) cùng ê kíp nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, Lương Thế Thành, Tường Vy, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Idecaf đã chuẩn bị cho vở Tía ơi má dzìa tiếp tục phục vụ cộng đồng kiều bào tại Mỹ vào tháng 11-2016. Kế hoạch này cho thấy nhu cầu thưởng thức kịch nghệ của người Việt hải ngoại không hề nhỏ. Tuy nhiên, đoàn kịch nghệ trong nước được chào đón nồng nhiệt tại đây và diễn đi diễn lại đến giờ hình như chỉ mỗi mình Idecaf. Thực ra từ nhiều năm trước bà bầu Hồng Vân cũng mang kịch sang diễn tại Mỹ, nhưng vì nhiều lý do khách quan chị và ê kíp của mình không còn trở lại đây trong tư cách nghệ sĩ của đoàn kịch Hồng Vân.
Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, người xem kịch nói ở hải ngoại khi xem kịch dài thì chỉ thích các vở diễn có chiều sâu nội dung, nhấn mạnh đến tình quê, tình gia đình. Điều này được minh chứng qua vở Dạ cổ hoài lang kể về hai ông lão người Việt Nam cảm thấy cô đơn, lạc lõng vì cú sốc văn hóa khi sang Mỹ sinh sống. Kiểu kịch ma, kịch hài không có thông điệp giáo dục hay thiếu ý nghĩa nhân văn rất khó bán vé. Đây là lý do mà không phải đơn vị kịch nói nào từ trong nước có thể được bầu sô hải ngoại chào mời. Điều này cho thấy, sự thành công ban đầu của Idecaf tại đất Mỹ là một trường hợp hiếm hoi chứ không phải “dễ ăn” như nhiều người đang nghĩ. Do đó, Idecaf tới giờ vẫn là một cánh chim lẻ loi khai mở con đường để mang kịch nói trong nước sang phục vụ công chúng hải ngoại.
Trong tình hình kịch nói trong nước đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Cụ thể tại Idecaf chỉ mỗi vở Tấm Cám là cháy vé (khán giả xếp hàng chờ mua vé), các vở còn lại đều bán vé ì ạch. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nhiều lần khẳng định vài năm trở lại đây thể loại kịch người lớn của Idecaf phải liên tục bù lỗ. Nguồn tiền nuôi dưỡng kịch người lớn đến từ múa rối nước, rối cạn và chương trình kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa. Để tìm giải pháp cho kịch người lớn, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đang quan tâm đến thị trường hải ngoại. Điểm lợi cho những chuyến lưu diễn này là sử dụng lại các kịch bản cũ đã thành công trong nước. Nói một cách nào đó sân khấu không tốn thêm tiền kịch bản, cảnh trí, mà có nguồn thu rất đáng kể để tiếp tục duy trì hoạt động.
Cánh chim lẻ loi
Nghệ sĩ Minh Luân, ngôi sao phim truyền hình hiện nay đang là một trong số ít nghệ sĩ được khán giả người Việt ở hải ngoại yêu thích.
Thực ra tại đất Mỹ, theo tìm hiểu của người viết qua các nghệ sĩ, trước khi có sự hiện diện của Idecaf, đã có sự tồn tại của ban kịch Thúy Uyển và ban kịch Túy Hồng. Hai ban kịch này thông thường khoảng ba tháng mới trình diễn một lần. Nguồn diễn viên ngoài những gương mặt nghệ sĩ gạo cội thì phần lớn là các diễn viên ngôi sao đến từ Việt Nam như Minh Luân, Lương Thế Thành, Hòa Hiệp.
Thực tế vì sự cách trở về địa lý và giới hạn thời gian (thị thực cho nghệ sĩ thuộc loại ngắn hạn) nên việc ráp nối nghệ sĩ hải ngoại và trong nước gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, các đoàn kịch nghệ hải ngoại vẫn có khán giả nhưng không tạo được tiếng vang mạnh như Idecaf, bởi vì, chất lượng nghệ sĩ tại chỗ chưa đủ làm khán giả bị mê hoặc như kiểu Thành Lộc hay Hữu Châu. Hay nói cách khác chất lượng kịch nói của các đoàn kịch hải ngoại chưa đủ mạnh để thúc đẩy sự ham thích từ cộng đồng công chúng.
Minh Luân là một trong số những ngôi sao trẻ trong nước thường lưu diễn kịch tại Mỹ và một số nước khác cho biết: “Khán giả người Việt ở hải ngoại rất yêu kịch nói nhưng hoạt động kịch nghệ ở Mỹ và các nước có người Việt sinh sống không mạnh, trung bình 3-4 tháng mới diễn vài suất. Theo cảm nhận của tôi đa phần khán giả Việt kiều thích xem phim truyền hình Việt Nam nên các ngôi sao phim truyền hình sang lưu diễn dễ được đón nhận hơn. Còn nghệ sĩ kịch nói dù rất tài năng nhưng khán giả ít có dịp biết đến cũng rất khó được tiếp nhận”.
Một số người am hiểu cho rằng khán giả yêu kịch nghệ tại hải ngoại đòi hỏi cao từ nghệ sĩ trong nước ở một số điểm như sau: nghệ sĩ phải tài năng kiểu Thành Lộc, Hữu Châu; nếu không phải là “phù thủy kịch nói” thì phải là những ngôi sao phim truyền hình được yêu thích; nội dung vở diễn phải là vở tâm lý xã hội có chiều sâu nội tâm chứ không phải kiểu tấu hài chọc lét, hoặc thể loại hù ma nhát quỷ.
Xét cho cùng, trong bối cảnh hiện tại, khó có sân khấu nào trong nước có thể đáp ứng được các tiêu chí nói trên. Vì vậy, nói đến việc khai mở thị trường kịch nói trong cộng đồng người Việt hải ngoại, Idecaf vẫn còn là cánh chim lẻ loi báo hiệu mùa xuân. Khi nào mùa xuân tới thì tiếp tục chờ.