(SGTT) – Vài năm qua, ngành trang sức và đá quý Thái Lan tập trung xây dựng các tiêu chuẩn, thông qua nhiều chứng nhận khuyến khích doanh nghiệp trong ngành hướng đến sự bền vững.
- Gần 2.500 gian hàng trang sức và đá quý tham gia triển lãm lần thứ 70 tại Thái Lan
- Những bộ sưu tập trang sức hiện đại và cổ xưa ở hội chợ trang sức Thái Lan
Hội chợ Trang sức và Đá quý Bangkok Thái Lan lần thứ 70 vừa mới diễn ra tuần thứ 2 của tháng 9 đã thu hút hơn 40.000 du khách tham gia với sự xuất hiện của gần 2.500 gian hàng từ 20 quốc gia trên thế giới kinh doanh trong lĩnh vực này.
Ngành trang sức Thái Lan trên đà bền vững
Được biết, ngành công nghiệp trang sức và đá quý ở Thái Lan có hơn 800.000 nhân công làm việc trong chuỗi. Hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ làm ăn nhiều năm qua tại Thái Lan, nơi được coi là trung tâm giao dịch thương mại lớn về các loại đá quý, đặc biệt là đá màu.
Theo bà Nisabudh Virabutr, đại diện Cục Xúc tiến và Thương mại Quốc tế Thái Lan (DITP), thị trường trang sức và đá quý ở Thái Lan có thế mạnh xuất khẩu, liên tục lọt top những ngành đóng góp lớn về giá trị kinh tế, xuất khẩu cho đất nước.
Trong năm 2023, giá trị xuất khẩu ngành hàng này ước đạt hơn 8,8 tỉ đô la Mỹ. Chỉ trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành ước đạt hơn 5,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Trong đó, top 5 thị trường xuất khẩu chính của Thái Lan trong năm 2024 là Hồng Kông (25%), Hoa Kỳ (20,5%), Đức (5,7%), Ấn Độ (5%), Anh (4,4%).
“Thế mạnh từ mảng gia công sản xuất, nhận đơn đặt hàng cùng với nhiều kỹ thuật cắt, chế tác đá quý của chúng tôi góp phần thúc đẩy xuất khẩu, tạo động lực phát triển nền kinh tế Thái Lan”, bà Nisabudh Virabutr nói.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Xúc tiến và Thương mại Quốc tế Thái Lan cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tính bền vững trong ngành sản xuất trang sức và đá quý, với những nỗ lực đảm bảo trách nhiệm với môi trường và xã hội được phối hợp thực hiện từ chính phủ đến doanh nghiệp.
Ông Hemu Singh Jain, chủ doanh nghiệp PetchseegThai, cho biết công ty ông đã tham gia thị trường gần mười năm, tuy nhiên những năm gần đây, đội ngũ công ty đã bắt đầu có hành động thể hiện việc cam kết trách nhiệm của mình với các phương pháp sản xuất tự nhiên để thu hút nhiều đối tượng khách hàng.
Cụ thể, doanh nghiệp tập trung vào sử dụng vàng, bạc tái chế, tránh vàng và kim cương khai thác trong tự nhiên. Quá trình sáng tạo thành phẩm cũng không sử dụng mài giũa, cắt gọt tạo hình đá quý mà giữ nguyên hình dáng tự nhiên của vật phẩm. Đồng thời, đơn vị cũng cắt giảm những hoạt động tạo phát thải, không thân thiện với môi trường.
Ông Sumed Prasongpongchai, đại diện Viện Trang sức và Đá quý Thái Lan (GIT), nhìn nhận năm 2024, trong khi khách hàng châu Á vẫn thích kim cương tự nhiên vì giá trị đầu tư của chúng, thì người tiêu dùng ở châu Âu đã bắt đầu có xu hướng chuyển dịch sang ưa chuộng kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Chia sẻ với SGTT, ông Sumed Prasongpongchai nhấn mạnh tầm quan trọng của tính bền vững về môi trường trong ngành bao gồm quản lý nguồn cung ứng tài nguyên có trách nhiệm và các tiêu chuẩn đạo đức liên quan. Cụ thể, Viện Trang sức và Đá quý Thái Lan đang phát triển các tiêu chuẩn bền vững áp dụng cho quá trình sản xuất và phòng thí nghiệm của doanh nghiệp, hướng đến giảm thiểu lượng khí thải carbon và thúc đẩy tái chế nguyên vật liệu.
Theo ông Sumed Prasongpongchai, chính phủ có vai trò thiết lập các tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu quốc tế và hỗ trợ các đơn vị thông qua các tổ chức như RJC (chứng nhận của Hội đồng Trang sức có trách nhiệm). Qua đó, doanh nghiệp có sự tin tưởng vào ngành trang sức mỹ nghệ toàn cầu, đảm bảo công ty trong ngành luôn tuân thủ tiêu chuẩn kinh doanh có trách nhiệm, ông nói thêm.
Xu hướng xanh cũng nhen nhóm ở doanh nghiệp trang sức Việt
Không chỉ ở Thái Lan, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất trang sức của Việt Nam cũng đã bắt tay vào việc chuyển đổi xanh trong quá trình sản xuất của mình.
Từ báo cáo phát triển bền vững mới nhất PNJ công bố, năm 2023, PNJ cho biết tập trung chiến lược kiểm kê khí nhà kính ở 2 khía cạnh. Cụ thể công ty đã duy trì kiểm kê khí nhà kính tại 2 nhà máy ở TPHCM và Long An, mở rộng kiểm kê phát thải nhà kính đến 100% đơn vị từ trụ sở chính, văn phòng các chi nhánh và hệ thống cửa hàng khắp cả nước.
Số liệu cho thấy tổng lượng phát thải đã giảm 827,08 tấn CO²/năm, từ 3.831,77 tấn CO² năm 2022 xuống 3.009,92 tấn CO² năm 2023. Tính trung bình lượng phát thải nhà kính/1000 sản phẩm giảm từ 1,01 tấn CO² xuống còn 0,98 tấn CO², tương đương 3,4% (không bao gồm lượng khí nhà kính phát sinh do quá trình cải tiến mô hình sản xuất, R&D, đào tạo).
Với đặc thù của ngành kim hoàn, có nhiều nguyên vật liệu thuộc nhóm không thể tái tạo nhưng có tiềm năng tái sử dụng như vàng, bạc. “Chúng tôi biết tài nguyên là hữu hạn, đơn vị đang tích cực tái sử dụng nguồn nguyên vật liệu này bằng chính sách thu hồi sản phẩm nhằm tăng tỷ lệ tái chế sản phẩm, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn”, PNJ cho biết trong báo cáo phát triển bền vững của mình.
Hiện tại, nguyên vật liệu có thể tái tạo chiếm trên 80%, vật liệu không thể tái tạo chiếm 18%. Năm 2023, hơn 9% nguyên vật liệu không thể tái tạo đã được đơn vị này tái sử dụng, tập trung chủ yếu ở nguyên liệu vàng với tỷ lệ 100% sản phẩm vàng thu hồi được tái chế. Trong năm 2024, PNJ tiếp tục duy trì chính sách thu hồi sản phẩm và tái sử dụng nguồn nguyên vật liệu không thể tái tạo trong sản xuất.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tích cực chuyển đổi năng lượng xanh, tiết kiệm, giảm tiêu thụ năng lượng, đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải…
Tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) cũng đã khởi công nhà máy chế tác nữ trang trị giá 150 triệu đô la Mỹ tại Bình Dương. Nhà máy này cam kết sẽ dùng 100% nguồn năng lượng tái tạo để vận hành và sản xuất, tạo ra tiêu chuẩn mới trong ngành trang sức toàn cầu về dấu chân carbon, tái chế và giảm khí thải CO²...