Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Xác định được giới tính rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô

(SGTTO) - Kết quả xét nghiệm gen vừa công bố bởi các nhà khoa học khẳng định rằng, cá thể rùa cái được bẫy bắt vào tháng 10-2020 là loài giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei, thường gọi là rùa Hoàn Kiếm), loài rùa mai mềm đang gần bên bờ tuyệt chủng, cùng loài với rùa hồ Hoàn Kiếm.

Tại buổi hội thảo tổ chức sáng 18–12 ở Hà Nội, các nhà khoa học đã công bố kết quả xét nghiệm gen để khẳng định cá thể rùa cái được bẫy bắt vào tháng 10-2020 chắc chắn là loài rùa Hoàn Kiếm, hay còn gọi là giải Sin-hoe, tên khoa học là Rafetus swinhoei.

Cụ thể, kết quả phân tích gen đã khẳng định cá thể rùa này 99,99% là rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei). Giám định động vật được thực hiện bởi Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và phân tích gen độc lập của Phòng Tài nguyên Thiên nhiên và Bảo tồn, Viện Tài nguyên môi trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Sự khẳng định này cho thấy, ngoài cá thể giải Sin-hoe đực hiện đang sống tại vườn thú Tô Châu (Trung Quốc), đã có thêm một cá thể rùa cái còn tồn tại.

Máy siêu âm soi được nang trứng của rùa, khẳng định đây là cá thể rùa cái. Ảnh: WCS Việt Nam

Cơ quan chức năng tin rằng vẫn còn có ít nhất một cá thể của loài này ở hồ Đồng Mô và một cá thể nữa ở hồ Xuân Khanh gần đó. Các nhà bảo tồn hy vọng có thể bẫy bắt và xác định giới tính của các cá thể rùa ở cả hai hồ Đồng Mô và Xuân Khanh trong mùa xuân tới.

Trên hết, các nhà bảo tồn hướng tới mục tiêu đảm bảo ít nhất một cá thể đực và một cái thể cái có cơ hội ghép đôi sinh sản, nhằm vực dậy loài này từ bên bờ vực tuyệt chủng.

Ông Timothy McCormack, Giám đốc Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) thuộc Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (IMC), cho biết, ông đã vô cùng vui sướng khi hay tin cá thể rùa Hoàn Kiếm đã được bẫy, bắt thành công vào tháng 10 vừa qua. Sự thành công này rất quan trọng trong việc cung cấp thêm các dữ liệu bổ sung về loài rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô. Bước tiếp theo sẽ là bẫy, bắt cá thể rùa ở hồ Xuân Khanh.

“Khi biết giới tính của cá thể rùa ở Xuân Khanh, chúng ta sẽ có lựa chọn tối ưu để thực hiện công tác nhân giống bảo tồn tại Việt Nam và đưa loài thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng. Đó sẽ là một phép màu và tôi hy vọng điều đó sẽ thành hiện thực”, ông Timothy McCormack chia sẻ.

Rùa Hoàn Kiếm nặng 86kg, chiều dài mai 99,5cm, chiều rộng mai là 74,5cm. Ảnh: WCS Việt Nam

Ông Andrew Walde, Giám đốc điều hành của Tổ chức Turtle Survival Alliance (TSA), chuyên gia kỹ thuật của dự án, cho rằng, đây là tin tốt nhất đối với hoạt động bảo tồn rùa toàn thế giới trong năm nay và cũng là cơ hội cho nỗ lực bảo tồn rùa của một thập kỷ qua.

Trước đó, từ đầu năm 2019, với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức IMC và WCS (Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã - Wildlife Conservation Society), Chi cục Thủy sản Hà Nội đã thực hiện nhiều cuộc họp tham vấn và đánh giá nhằm xây dựng các phương pháp kỹ thuật, tiến hành thêm các cuộc khảo sát khu vực hồ và lựa chọn vị trí đặt bẫy.

Tuy nhiên, kế hoạch bị trì hoãn do Covid-19, nhóm thú y và các chuyên gia quốc tế không thể đến Việt Nam do những hạn chế đi lại.

Thả rùa Hoàn Kiếm trở lại tự nhiên. Ảnh: ATP_IMC

Đến tháng 9-2020, nhóm thực địa bao gồm ngư dân địa phương, cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Nội, tổ chức IMC và tổ chức WCS dành nhiều tuần để thả lưới, khoanh vùng khu vực bẫy bắt, đảm bảo quan sát được rùa trong khu vực 90ha được ngăn bằng lưới, thay vì 1.400ha diện tích toàn bộ hồ Đồng Mô.

Vào ngày 22–10-2020, cá thể rùa được nhìn thấy bên cạnh hàng rào lưới và nhóm thực hiện đã nhanh trí quây bắt và được đưa vào bể nuôi tạm thời trên một đảo nhỏ tại hồ.

Chỉ trong vòng vài giờ, đội ngũ thú y từ WCS, ATP/IMC, và bác sĩ thú y quốc tế từ trung tâm cứu hộ gấu Four Paws Viet đã có mặt, với thiết bị siêu âm để thu mẫu và xác định giới tính cá thể này.

Cận cảnh đầu và vân của rùa Hoàn Kiếm. Ảnh: WCS Việt Nam

Cá thể rùa sau đó được kiểm tra sức khỏe, được siêu âm, gắp chip, các loại mẫu đã được thu thập để xác định loài phục vụ cho kế hoạch bảo tồn trong tương lai, và được cân đo với trọng lượng là 86kg và dài 1m. Cá thể cái này hoàn toàn khỏe mạnh và đã được thả lại xuống hồ vào cùng ngày.

Sau khi xác định giới tính cá thể rùa Hoàn Kiếm thứ nhất trên hồ Đồng Mô, các chuyên gia sẽ tiếp tục bẫy bắt để tìm kiếm cá thể rùa thứ 2 tại đây bằng các phương pháp bẫy bắt khác nhau.

Theo nhận định, với thời tiết và nhiệt độ giảm, không thích hợp cho việc bẫy bắt rùa từ tháng 12 đến tháng 3, các chuyên gia hy vọng có thể bẫy bắt và khẳng định cá thể thứ hai tại hồ vào mùa xuân năm 2021, khi mực nước hồ ở mức thấp nhất.

Khoảnh khắc rùa Hoàn Kiếm trước khi được thả trở lại hồ Đồng Mô. Ảnh: ATP_IMC.

Nếu có thể xác nhận thêm một cá thể đực của loài rùa quý hiếm nhất thế giới này tại hồ Đồng Mô, việc đưa chúng về cùng một khu vực bán hoang dã hoặc nuôi bảo tồn có thể mở ra cơ hội lớn để hồi phục quần thể của loài rùa này ở Việt Nam.

Trước đó, từ năm 2008 đến nay, đã có nhiều nỗ lực nhằm ghép đôi sinh sản hai cá thể giải Sin-hoe ở Vườn thú Tô Châu, Trung Quốc. Nhưng sau đó, cá thể cái cuối cùng được biết đến vào thời điểm đó, đã chết vào ngày 13-4-2019 trong quá trình hồi phục sau gây mê khi thụ tinh nhân tạo.Khi cá thể cái chết, niềm hy vọng dồn sang khả năng có tồn tại các cá thể khác ở hai hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh của Việt Nam. 

Nam Bình

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bắt đầu mùa ra biển làm ‘bà đỡ’ cho những mẹ...

0
(SGTT) - Vào hè, nhiều bãi biển trên cả nước lại chào đón những cá thể rùa lên đẻ trứng, đây cũng là thời...

Giao rùa biển quý hiếm từ thông tin của báo SGTT...

0
(SGTT) - Ngày 19-5, Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang cho biết, cơ quan này vừa tiếp nhận và bàn giao 1 cá...

Người dân tự nguyện giao nộp cá thể rùa biển 7kg...

0
(SGTT) - Trong quá trình mua hải sản ở Tiền Giang, một đàn ông phát hiện cá thể rùa biển nên mua lại. Người...

Mua bán 5 trứng rùa biển, phạt 24 tháng tù và...

0
(SGTT) - Tòa án Nhân dân huyện Côn Đảo vừa xét xử 2 đối tượng mua trứng rùa biển, một đối tượng cung cấp...

Chung tay ngăn chặn mua bán chim hoang dã

0
(SGTT) - Ngày 19-4, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế...

Cò về rồi sẽ lại ra đi?

0
(SGTT) - Đã lâu lắm, tính ra cũng gần mười năm tôi mới được thấy cò về làng ở quê nhà Hà Tĩnh nhiều...

Kết nối