Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Vượt qua áp lực tâm lý khi thay đổi môi trường sống

(SGTT) - Với thực tế toàn cầu hoá như hiện nay, việc chuyển đến sinh sống ở một quốc gia khác là điều diễn ra hết sức bình thường, đặc biệt ở những quốc gia mà văn hóa khác xa với đất nước nơi mình sinh ra. Cũng từ những thay đổi môi trường sống này mà rất nhiều người gặp các vấn đề về tâm lý, nếu không vượt qua được sẽ dễ dẫn tới áp lực, thậm chí là trầm cảm.

Nhà tâm thần học Kubler Ross chỉ ra rằng trước một thay đổi gì đó, con người sẽ phải trải qua năm giai đoạn của đường cong thay đổi. Đó là chối bỏ, phẫn nộ, thoả thuận, chán nản, và chấp nhận/hoà hợp.

Hiểu về mô hình này sẽ giúp chúng ta vượt qua các giai đoạn khó khăn, thúc đẩy quá trình thích nghi và giảm thiểu mất mát trong quá trình thay đổi. Đồng thời, với các cặp đôi yêu xa, khi về chung nhà thì bạn đời cần hiểu rõ tâm lý này để cùng hỗ trợ nhau vượt qua để không ảnh hưởng đến tình yêu và hạnh phúc gia đình.

Ảnh: The Minds Journal

Chối bỏ

Một sự thay đổi mạnh mẽ và đột ngột có thể dẫn đến trạng thái sốc và sự phản đối quyết liệt ở một người. Khi bắt đầu một cuốc sống mới, chúng ta thường có những suy nghĩ chối bỏ sự thật và luôn trấn an mình bằng những điều tích cực như việc chúng ta sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn, đây chỉ là tạm thời, chúng ta rồi sẽ có lại bạn bè, gia đình, công việc như trước đây…

Chối bỏ sự thật là dấu hiệu cho thấy chúng ta chấp nhận với thực tế đang xảy ra và giảm bớt những mất mát khi thay đổi.

Lúc này, điều bạn đời có thể làm là trò chuyện cùng họ, phân tích cho họ những gì đang diễn ra và đưa ra một kế hoạch tương lai nhằm trấn an, hỗ trợ và luôn ở bên họ.

Phẫn nộ

Lúc này trong cuộc sống, bạn có xu hướng giận dữ cũng như đổ lỗi cho mình hay bất kỳ ai khác vì những điều này. Chúng ta cảm nhận rằng bất kỳ điều gì xảy ra đều là bất công với mình.

Ảnh: Freepik

Bạn luôn tự trách mình sao phải bỏ lại tất cả mọi thứ mình đã gầy dựng, để đến một nơi khác vì tình yêu và gia đình, rằng bạn đã hy sinh rất nhiều. Bạn luôn tự dằn vặt là cuộc sống của bạn trước đây có đầy đủ và bây giờ bạn không còn gì hết.

Có quá nhiều thay đổi, cho nên khó chịu là điều dễ hiểu và tức giận cho phép chúng ta khơi nguồn cảm xúc chân thật nhất của mình. Để hỗ trợ ở giai đoạn này, bạn đời hãy kiên nhẫn lắng nghe và thấu hiểu.

Đồng thời, hãy giúp họ quên đi những mất mát họ đang trải qua bằng những bù đắp về sự quan tâm, các hoạt động giải trí tích cực.

Thoả hiệp

Khi hai giai đoạn phía trên không có sự đồng hành của bạn đời, thì những cảm xúc của họ dần trở nên phức tạp hơn và tâm trạng tuột dốc không phanh và khiến bản thân sẽ lựa chọn thoả hiệp với những thay đổi.

Ở giai đoạn này, trong tâm trí sẽ bắt đầu với những câu “nếu như”, “giá mà”… Chẳng hạn như, “giá mà mình có được công việc như trước kia”, “nếu như mình có gia đình và bạn bè ở đây”, “giá mà mình được làm những điều mình thích như khi ở đất nước mình”…

Thoả hiệp sẽ đam lại giải pháp bền vững và sự bình thản để đến gần với sự biến đổi. Lúc này, chúng ta hy vọng và trông chờ một kết quả tốt đẹp nảy mầm.

Chán nản

Khi chấp nhận mọi nỗ lực chống lại thay đổi đều vô ích hoặc những cố gắng quay trở lại cuộc sống như trước kia đã thất bại, chúng ta trở nên chán nản và tuyệt vọng. Chúng ta có thể rơi vào trạng thái cô lập, đánh mất hy vọng và chỉ muốn từ bỏ.

Ảnh: Freepik

Ở những khoảnh khắc này, chúng ta bỏ mặc cho nỗi buồn lớn lên từng ngày và không muốn chia sẻ cho bất kỳ ai. Khi đó, chúng ta thấy mình không còn là mình của trước kia, mình đã đánh mất bản thân, mình muốn từ bỏ để quay trở lại cuộc sống trước kia.

Chấp nhận và hoà hợp

Chấp nhận chính là giai đoạn cuối khi chúng ta vượt qua được quá trình này. Cá nhân sẽ nhận ra rằng thay đổi là không thể tránh khỏi và bắt đầu sống tiếp với những thay đổi đó chứ không đầu hàng trước nó. Đây là con đường duy nhất để tiến lên phía trước và khám phá những cơ hội mới.

Bạn sẽ nhận ra rằng, sự thay đổi môi trường sống là tất yếu khi bạn kết hôn và chuyển đến sống cùng bạn đời. Dẫu môi trường khác nhau, văn hoá khác nhau thì cần chấp nhận và học hỏi để hoà hợp. Chỉ có thoát khỏi sự tiếc nuối của cuộc sống trước kia thì bạn mới vững chãi bước tiếp cuộc sống hiện tại.

Đạt đến giai đoạn này cũng là một món quà quý giá cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, mỗi người có một nỗi buồn khác nhau khi thay đổi cuộc sống và có thể trải qua hoặc không trải qua từng giai đoạn hoặc trải qua từng giai đoạn không theo thứ tự.

Ảnh: Freepik

Ngoài ra, không có khoảng thời gian cụ thể nào được đề xuất cho bất kỳ giai đoạn nào trong số này. Một người nào đó có thể trải qua các giai đoạn khá nhanh, chẳng hạn như trong vài tuần, trong khi một người khác có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm để chuyển giai đoạn chấp nhận.

Và quan trọng, một trong những cách để hoà nhập văn hoá ở một môi trường mới giống như những thử thách khác trong cuộc sống, quá trình thay đổi cũng đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực có chủ đích, kiên nhẫn của chúng ta và sự đồng hành, thấu hiểu của bạn đời.

Thùy Trang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bản tin 360 độ sống khỏe: Báo động trầm cảm tuổi...

0
(SGTT) - Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân của trầm cảm tuổi học đường có thể do cuộc sống gia đình, mâu...

Nghiên cứu sinh 9X và hành trình tư vấn tâm sinh...

0
(SGTT) - Gần bốn năm làm việc say mê và cống hiến trong lĩnh vực tư vấn tâm sinh lý, Đào Lê Tâm An...

Kết nối