Trần Thu
Hơn 1.400 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh... đã vay được hơn 40.000 tỉ đồng vốn rẻ nhờ tham gia chương trình kết nối doanh nghiệp-ngân hàng mà TPHCM đã đẩy mạnh trong năm 2014, nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, các hợp tác xã, các hộ kinh doanh đã được ngân hàng tiếp cận và hỗ trợ vốn vay.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, sau hai năm thực hiện, có thể khẳng định chương trình kết nối doanh nghiệp-ngân hàng là một điểm son trong hoạt động tháo gỡ khó khăn về vốn, về lãi vay ngân hàng, năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế của TPHCM.
![Nhiều tiểu thương chợ Bến Thành vay được vốn trong chương trình kết nối doanh nghiệp-ngân hàng. Ảnh:Uyên Viễn](https://www2.thesaigontimes.vn/wp-content/uploadsgtt/2015/01/ben-thanh.jpg)
Tổng số tiền được các ngân hàng ký kết để cho vay trong năm 2014 qua chương trình này là 40.026 tỉ đồng, tăng hơn ba lần so với năm 2013. Chương trình đã hỗ trợ được vốn cho 1.206 doanh nghiệp (tăng 516 doanh nghiệp so với năm 2013), trong đó, có 1.142 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 58 hộ sản xuất kinh doanh và 6 hợp tác xã.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng như các hộ kinh doanh, tiểu thương cũng được vay với lãi suất nhìn chung thấp hơn 1-2 điểm phần trăm so với lãi suất thông thường tại các ngân hàng; lãi suất ngắn hạn cũng chỉ 7%/năm, với trung và dài hạn là 9-10%/năm. Đến nay, chưa có bất kỳ món vay nào của chương trình phải cơ cấu lại kỳ hạn nợ hoặc có nợ quá hạn, ông Minh cho biết.
Năm 2013, chính quyền thành phố giao cho NHNN chi nhánh TPHCM phối hợp với ba đầu mối để tiếp cận và hỗ trợ doanh nghiệp đang cần vốn, nhưng trong năm 2014 chương trình được mở rộng đến tám đầu mối, như ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, liên minh hợp tác xã và hiệp hội các ngành nghề... Do đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, các hợp tác xã, các hộ kinh doanh sản xuất được ngân hàng tiếp cận và hỗ trợ vốn vay. "Những trường hợp không được vay là do không đủ điều kiện", ông Minh nói.
Theo ông Phạm Ngọc Hưng – Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), lợi ích của doanh nghiệp tham gia chương trình này là tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp hơn, thời gian giải quyết hồ sơ nhanh hơn. Ngoài ra, chương trình cũng giúp quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng được tốt hơn, tránh những nhũng nhiễu trong việc cho vay.
Một số doanh nghiệp và một tiểu thương chợ Bến Thành có tham gia chương trình kết nối doanh nghiệp-ngân hàng cũng cho biết, trên thực tế họ vẫn đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng một cách dễ dàng, nhưng tham gia vào chương trình thì họ được hưởng lãi suất thấp hơn.
Cả năm 2014, huy động vốn tại TPHCM ước đạt trên 1,2 triệu tỉ đồng, tăng 10,3% so với năm 2013. Dư nợ tín dụng trên 1 triệu tỉ đồng, tăng 11%, trong đó dư nợ tín dụng tiền đồng tăng 9,89%, ngoại tệ tăng 16,92%. Mặc dù chỉ tăng trưởng 11%, tức không đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% trong năm nay, nhưng các khoản cho vay của các ngân hàng đã tập trung được vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh (chiếm 80% tổng dư nợ).
Dự nợ cho vay trung và dài hạn cũng tăng nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng trung và dài hạn đến cuối năm 2014 là 532.200 tỉ đồng, chiếm 50% tổng dư nợ của TPHCM đến cuối năm 2014, tăng 5% so với năm 2013.