(SGTTO) - Chọn mô hình du lịch nông nghiệp tại một cánh rừng ngập mặn ở miền Tây là con đường kinh doanh không hề dễ dàng với hai vợ chồng anh Bùi Quốc Dương nhưng họ đã biến giấc mơ ấy thành hiện thực.
Năm 2017, chàng trai Bùi Quốc Dương (sinh năm 1991, quê Kiên Giang) cùng vợ là chị Lưu Kiều Diễm (sinh năm 1992, quê Hậu Giang) về cánh rừng ngập mặn ở Bạc Liêu để khởi nghiệp với mô hình nuôi trồng và kinh doanh thủy hải sản sạch, kết hợp du lịch nông nghiệp.
Với số vốn ít ỏi từ số tiền tiết kiệm và cả vay mượn, ủng hộ của bạn bè, hai vợ chồng tự tìm nơi thuê đất, dựng nhà, làm đường đi, sửa chữa bờ ao.
Trải qua hai năm đầy khó khăn và thử thách với bao lần thử nghiệm rồi thất bại, hai vợ chồng vẫn không chùn bước mà tiếp tục đổi mới cách nuôi trồng thủy sản và sáng tạo mô hình du lịch trải nghiệm.
Năm 2019, cái tên “Nông trại tôm khỏe” được ra đời tại ấp 13, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Những lợi thế có sẵn từ nông trại như môi trường tự nhiên của rừng ngập mặn, hải sản dồi dào đã tạo điều kiện cho mô hình du lịch nông nghiệp tại đây phát triển. Hiện tại, mỗi tháng nông trại đón trung bình 400 khách đến để trải nghiệm.
Sài Gòn Tiếp Thị đã có buổi trò chuyện với anh Bùi Quốc Dương về bí quyết xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm nông trại tại rừng ngập mặn thành công.
Sài Gòn Tiếp Thị: Tại sao anh lại chọn rừng ngập mặn Bạc Liêu là nơi khởi nghiệp?
- Anh Bùi Quốc Dương: Vì nơi đây phù hợp để tôi thử nghiệm mô hình nuôi trồng thủy sản và du lịch nông nghiệp. Đây là định hướng tôi đã xác định từ khi còn là sinh viên đại học. Hiện nay tài nguyên rừng đang suy giảm rất nhanh trên khắp đất nước, dẫn đến khí hậu ngày càng khắc nghiệt, mưa lũ và hạn hán càng trầm trọng hàng năm khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. Nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của rừng và làm thế nào để tái tạo lại rừng đã mất là nỗi trăn trở của tôi trong nhiều năm qua.
Rừng ngập mặn có vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái, là rào cản làm giảm ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, giảm xói lở, bảo vệ đất, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, cải tạo rừng ngập mặn là việc làm rất cần thiết.
Còn lý do tại sao tôi chọn Bạc Liêu là nơi lập nghiệp vì nơi đây có những lợi thế để tôi phát triển mô hình du lịch sinh thái như có rừng ngập mặn, có các điểm du lịch trọng điểm của khu vực như điện gió, ngôi chùa nổi tiếng Quan Âm Phật đài (hay còn gọi chùa Mẹ Nam Hải). Đặc biệt nơi đây có nguồn hải sản tươi ngon tại chỗ để phục vụ du khách.
Trong giai đoạn đầu, hai vợ chồng anh gặp những khó khăn và trở ngại như thế nào?
- Khó khăn đầu tiên là nguồn vốn. Khởi nghiệp từ con số không nên việc đầu tiên là lên ý tưởng và kêu gọi góp vốn đầu tư.
Tiếp theo, việc sản xuất thủy sản cứ liên tục gặp khó khăn do kinh nghiệm của tôi không nhiều và cũng chưa hiểu được điều kiện thổ nhưỡng vùng đất, môi trường nước xung quanh bị ô nhiễm nặng.
Nuôi thủy sản trong điều kiện nguồn nước tự nhiên xung quanh ô nhiễm nặng do xả thải từ các khu nuôi thủy sản thâm canh là việc rất khó. Tình hình ô nhiễm dễ làm tôm bị nhiễm bệnh. Đến đầu năm 2020 tôi đã quyết định chuyển đến một vị trí khác cũng ở Bạc Liêu thích hợp với mô hình du lịch nông nghiệp hơn để lấy ngắn nuôi dài.
Nuôi trồng thủy sản hiện nay rất cần kiến thức chứ không đơn giản như trước kia. Nhận thấy những kiến thức ở trường không bao giờ đủ để giúp một người nuôi thủy sản thành công nên tôi đã tham khảo rất nhiều nguồn kiến thức từ sách báo, Internet cũng như tự quan sát trong tự nhiên để ứng dụng vào thực tế sản xuất.
Nông trại đã đi từ việc chỉ tập trung sản xuất thử, cung cấp hải sản qua kênh bán hàng trực tuyến đến kết hợp thêm dịch vụ du lịch trải nghiệm để có nguồn thu trang trải chi phí thử nghiệm các mô hình nuôi trồng mới.
Hiện nay, tình hình khách đến Nông trại tôm khỏe ra sao? Khách sẽ được trải nghiệm những hoạt động gì?
- Khách tham quan đầu tiên là bạn bè quen biết qua mạng xã hội tìm đến nông trại chơi, dần dần chúng tôi đón nhiều đoàn khách hơn. Hiện tại mỗi tháng nông trại đón trung bình 400 khách đến trải nghiệm. Con số này tuy chưa lớn nhưng hầu hết du khách đều rất ấn tượng với những hoạt động trải nghiệm tại đây và giới thiệu cho bạn bè của họ đến chơi. Khách tham quan có các bạn trẻ và cả người trung niên đến từ Sài Gòn và các tỉnh lân cận.
Khi đến nông trại, mỗi nhóm sẽ được phát một chiếc bè để dạo một vòng trong rừng ngập mặn. Chỗ nào mát thì dừng lại để nghỉ ngơi, ngắm cảnh đẹp tự nhiên, ăn uống, vui chơi.
Ngoài ra du khách còn có thể chọn trải nghiệm bơi xuồng, câu cá hay mò bắt tôm dưới ao, sau đó cùng hai vợ chồng tôi chế biến các món ăn tại chỗ. Để tránh nhàm chán cho du khách khi lưu trú, chúng tôi đang thử nghiệm mô hình đi bẫy cua vào buổi tối và bắt ba khía để làm đa dạng sản phẩm du lịch về đêm.
Du khách rất thích những nơi chụp ảnh do tôi thiết kế như xích đu, giường gỗ, ghế tổ chim ngay ở trong rừng.
Thời gian sắp tới tôi sẽ kết hợp cả khâu nuôi thủy sản bằng quy trình mới tự nghiên cứu để tạo thêm những sản phẩm độc đáo riêng như tôm sú khổng lồ, cua cốm… mang đến nhiều trải nghiệm hơn cho du khách mỗi khi đến với nông trại.
Theo anh, việc phát triển du lịch nông nghiệp có đồng nghĩa với bảo tồn môi trường thiên nhiên?
- Du lịch hiện nay đang đi theo hướng du lịch xanh, bảo vệ môi trường và tôi cũng theo xu hướng này. Định hướng của tôi là tạo một nơi trải nghiệm với nhiều cây xanh để mọi người yêu thiên nhiên hơn và hiểu được lợi ích của việc bảo vệ rừng đồng thời khuyến khích bà con nông dân cùng bảo vệ và trồng thêm rừng. Những sản phẩm chất lượng cao từ rừng sẽ phục vụ những bữa ăn chất lượng cao cho người dân và du khách.
Tôi gọi nông trại là Tôm Khỏe với mong muốn thúc đẩy những quy trình nuôi trồng thủy sản sạch từ đó bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, kết hợp bảo tồn tài nguyên rừng ngập mặn cho cộng đồng.
Do nông trại nằm trong khu vực rừng phòng hộ nên việc giữ gìn rừng là nhiệm vụ bắt buộc. Những chỗ ít cây thỉnh thoảng tôi phải trồng lại để đảm bảo tỉ lệ che phủ rừng theo quy định. Ngoài ra, tôi cũng đang thử nghiệm một số cách xử lý nước sinh học như trồng trồng cỏ trên tấm mút xốp được thả trôi để lọc tạp chất trong nước hay nuôi tảo để hấp thu các chất thải độc hại. Điều đó giúp cho tôm sinh trưởng khỏe mạnh và đạt năng suất cao.
Anh có lời khuyên nào cho những người trẻ đang muốn lập nghiệp theo mô hình giống như anh?-Để lập nghiệp thành công với mô hình du lịch nông nghiệp, trước tiên bạn phải là người yêu thiên nhiên, muốn chia sẻ những điều tốt đẹp đến với mọi người sau đó mới tính đến chuyện bạn cần những kỹ năng, kiến thức nào. Không con đường nào là dễ dàng. Hãy xác định đam mê và tình yêu của mình đặt ở đâu rồi hãy bắt đầu để khi gặp khó khăn bạn đủ động lực để vượt qua chứ không có công thức nào ở đây cả.
Xem clip Nông trại tôm sạch được quay bằng flycam - Clip: Phan Thanh Cường
Quỳnh Châu ghi