BS. Trần Phủ Mạnh Siêu (Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, TPHCM)
Hàng ngày, xem ti vi, đọc báo, lướt web, thấy và nghe giới thiệu rất nhiều thực phẩm chức năng bổ sung vitamin, khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ, cho thanh niên, cho người lớn tuổi... Trong vô số sản phẩm đủ loại, dù đã “đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng”, hiếm ai hiểu hết và kiểm chứng được việc sử dụng có ích cho sức khỏe của mình hay không?
Nên tìm hiểu kỹ
Vitamin và khoáng chất là những chất giúp cơ thể hoạt động tốt. Đây là những chất chúng ta đưa vào cơ thể hàng ngày thông qua thức ăn, các loại trái cây. Tuy nhiên, trong những loại thức ăn hoặc trái cây khác nhau có chứa hàm lượng các vitamin và khoáng chất khác nhau.
Vitamin là chất hữu cơ được sản xuất bởi thực vật hoặc động vật, được chia thành hai nhóm: nhóm vitamin tan trong dầu và nhóm vitamin tan trong nước. Nhóm vitamin tan trong dầu gồm vitamin A, D, E, K, chúng hòa tan trong mỡ và được lưu giữ trong cơ thể như gan. Nhóm vitamin tan trong nước gồm vitamin C và các vitamin nhóm B: B6, B12, niacin, riboflavin, folate, chúng cần phải hòa tan trong nước trước khi được cơ thể hấp thu. Hàng ngày, khi cơ thể sử dụng không hết, các vitamin này được thải ra ngoài qua nước tiểu, do đó chúng ta cần phải cung cấp vitamin nhóm này hàng ngày.
Khoáng chất là những nguyên tố vô cơ, có nguồn gốc từ đất, nước, được thực vật hấp thu trực tiếp từ thiên nhiên, động vật bổ sung khoáng chất bằng cách ăn thực vật hoặc uống nước có chứa muối khoáng… Các khoáng chất bao gồm can-xi, ka-li, clo, ma-giê, đồng, i-ốt, sắt, selen, kẽm… Hàng ngày cơ thể chúng ta cần một lượng lớn canxi để khỏe mạnh và phát triển thể chất. Các chất khoáng còn lại thì cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ mỗi ngày.
Vai trò của vitamin, khoáng chất
Vitamin và khoáng chất đóng vai trò thúc đẩy hệ miễn dịch, hỗ trợ cho cơ thể tăng trưởng và phát triển, giúp các tế bào và các cơ quan thực hiện trọn vẹn vai trò của mình.
Ví dụ, cà rốt cung cấp chất carotene, được cơ thể chuyển hóa thành vitamin A, giúp bảo vệ mắt, thúc đẩy hệ miễn dịch mạnh mẽ, giúp làn da khỏe mạnh, giúp ích cho sự tăng trưởng và phát triển của tế bào. Vitamin K giúp cho quá trình đông máu. Vitamin C giúp hình thành collagen, giúp da đàn hồi khỏe mạnh, giúp cho xương, răng chắc khỏe và tăng sức bền của thành mạch máu. Vitamin D giúp cơ thể hấp thu tốt can-xi để tạo xương vững chắc. Vitamin E là chất chống ô xy hóa, bảo vệ tế bào không bị phá hủy. Vitamin B12 giúp tạo hồng cầu, duy trì sự ổn định chức năng của tế bào thần kinh trung ương. Vitamin B6 giúp các tế bào thần kinh não bộ hoạt động tốt. Vitamin B1 cần cho sự hoạt động của các cơ tim, và hệ thần kinh trung ương…
Can-xi là khoáng chất rất cần cho cơ thể hàng ngày với một hàm lượng tương đối cao, cho hoạt động tạo xương, duy trì sự vững chắc của xương. Các khoáng chất còn lại chỉ cần một hàm lượng nhỏ hàng ngày cho cơ thể hoạt động: sắt cần cho quá trình tạo máu và vận chuyển ô xy trong cơ thể. Ma-giê cần cho quá trình hoạt động của cơ, hệ thần kinh trung ương. Phốt pho cần cho quá trình tạo xương và răng. Kali cần cho hoạt động của cơ tim, duy trì thăng bằng nước điện giải. Kẽm cần cho sự lành vết thương, tăng cường hệ miễn dịch…
Nhu cầu về vitamin, khoáng chất
Chúng ta cần phải hiểu rõ được liều lượng vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể, nếu vượt quá hàm lượng cần thiết, có thể bị ngộ độc, bị tác dụng phụ.
* Nhu cầu về vitamin:
- Vitamin A: cần 700-900 microgam hàng ngày. Nếu vượt quá hàm lượng cần thiết, vitamin A sẽ tích lũy trong cơ thể gây nhức đầu, phá hủy tế bào gan.
- Vitamin C: nhu cầu hàng ngày vào khoảng 700-1.000 mg. Nếu sử dụng quá nhiều, có thể gây tiêu chảy, co cứng dạ dày.
- Vitamin D: nhu cầu cơ thể cần từ 15 microgam hàng ngày.
- Vitamin E: nhu cầu cơ thể cần 15 mg hàng ngày.
- Các vitamin nhóm B: B12: 2,4 microgam hàng ngày, vitamin B6: 1,3 mg, vitamin B1: 1,2 mg, vitamin B3: 14 mg, B2: 1,3 mg, Flolate (B9): 400 microgam.
* Nhu cầu về khoáng chất:
- Can-xi: 1.300 mg/ngày, quá nhiều canxi có thể gây sỏi thận.
- Sắt: 11 mg/ngày, dùng quá nhiều sắt sẽ tích tụ gây độc gan.
- Ma-giê: 410 mg/ngày.
- Phốt pho: 1.250 mg/ngày.
- Kali: 4.700 mg/ngày, nếu dùng quá nhiều sẽ gây rối loạn điện giải, rối loạn nhịp tim…
- Kẽm: 11 mg/ngày, nếu vượt quá lượng cần thiết sẽ gây co cứng cơ, buồn nôn.
Như vậy, khi sử dụng quá nhiều vitamin hoặc khoáng chất đều gây ngộ độc, tổn thương gan, thận, thần kinh, rối loạn đông máu…
Hiện nay, các sản phẩm thương mại được, quảng cáo và bày bán rất nhiều, gây cho người tiêu dùng ảo tưởng rằng mình bị thiếu hụt trầm trọng các vi chất, khoáng chất, đồng thời do sự quảng cáo quá sự thật về tác dụng thần kỳ của các loại thực phẩm này, làm cho người tiêu dùng phải mua và uống quá mức cần thiết, gây ngộ độc. Do đó, cho dù là thực phẩm chức năng, cũng phải cần có tư vấn của thầy thuốc về dinh dưỡng, người tiêu dùng không nên tự tìm hiểu trên mạng hoặc tin vào các quảng cáo rồi chuốc họa vào thân.