(SGTTO) - Các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao sự nhiệt tình đón tiếp của người dân Việt Nam với 58% người được khảo sát cho rằng họ cảm thấy thân thuộc như ở quê nhà chỉ sau vài tháng chuyển đến.
HSBC Expat vừa công bố Bảng Xếp hạng Tổng thể Khảo sát Chuyên gia nước ngoài về nơi sống và làm việc tốt nhất năm 2019. Theo đó, năm nay Việt Nam đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng trên so với thứ 19 của năm 2018. Đứng đầu danh sách là Thụy Sĩ; tiếp đến lần lượt là Singapore, Canada, Tây Ban Nha, New Zealand, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Theo báo cáo này, các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao sự nhiệt tình đón tiếp của người dân Việt Nam với 58% người được khảo sát cho rằng họ cảm thấy thân thuộc như ở quê nhà chỉ sau vài tháng chuyển đến. Điều này đa phần là do các chuyên gia nước ngoài được các cộng đồng người Việt chào đón và khích lệ tham gia vào các sự kiện văn hóa ấn tượng tại địa phương và từ đó tình bằng hữu được hình thành chỉ trong khoảng thời gian ngắn.
Đứng sau Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia, Việt Nam cũng là quốc gia thứ tư được các chuyên gia nước ngoài lựa chọn làm nơi sinh sống và làm việc, với 73% những người được khảo sát cho biết họ đã sinh sống ở nước ngoài ít nhất một lần, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 56%. Khi mới chuyển đến, 40% chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam dự định ở lại dài hơn năm năm nhưng con số này đã tăng lên 60% sau khi họ cảm nhận được những điều mà cuộc sống tại Việt Nam đem lại. Tổng cộng có 57% chuyên gia nước ngoài ở Việt Nam đồng ý chất lượng cuộc sống của họ tại Việt Nam tốt hơn so với nước họ, so với suy nghĩ tương tự về nước sở tại của 65% người nước ngoài trên khắp thế giới.
Trên hết, nhiều chuyên gia nước ngoài cũng nhận thấy môi trường làm việc tại Việt Nam rất thuận lợi. Việt Nam đứng thứ ba sau Thụy Sỹ và Ba Lan trong chỉ số phụ Kỳ vọng cá nhân – chỉ số tổng kết quan điểm của chuyên gia nước ngoài về nền kinh tế thị trường, cơ hội phát triển nghề nghiệp và mức độ ảnh hưởng đối với những người mới chuyển tới sinh sống và làm việc.
Mức lương trung bình hàng năm cho một chuyên gia nước ngoài chuyển đến Việt Nam là 78.750 đô la Mỹ, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu là 75.966 đô la. Trong số những người trả lời khảo sát, 67% đã đồng ý rằng thu nhập khả dụng của họ nhiều hơn khi chuyển đến Việt Nam so với thời gian ở quê nhà do chi phí sinh hoạt tại đây thấp hơn (ví dụ: chỗ ở, học phí, vận chuyển, hóa đơn y tế…), thu nhập tăng thêm và doanh nghiệp của họ chi trả một phần chi phí sinh hoạt. Tổng cộng có 71% chuyên gia nước ngoài cho rằng họ cảm thấy tự tin về nền kinh tế Việt Nam, đồng thời 76% cho rằng cảm thấy yên tâm về tình hình chính trị ổn định.
Các chuyên gia cũng được hưởng các lợi ích vật chất khác khi làm việc tại nước ngoài với 71% chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam nói rằng họ có thể đi du lịch nhiều hơn. Nhiều người còn có thể học các kỹ năng mới (40%), chẳng hạn một môn ngoại ngữ, kỹ năng lặn biển hay nấu ăn, trong khi một số người (37%) dành thời gian tham gia các hoạt động cộng đồng địa phương nhiều hơn.
Ba lý do hàng đầu tại sao người nước ngoài chuyển đến Việt Nam bao gồm: thăng tiến nghề nghiệp (34%), tìm kiếm thử thách mới (29%), và cải thiện chất lượng cuộc sống (26%).
Với tất cả những nguyện vọng này, 39% chuyên gia nước ngoài đồng ý rằng Việt Nam là điểm đến giúp họ đạt được những tiềm năng của bản thân so với quê nhà. Chỉ số này cao hơn so với mức trung bình toàn cầu là 34%. Ngoài ra, nhiều người đến Việt Nam có thể học được nhiều kỹ năng mới tại sở làm (59%); được thăng tiến nhanh hơn do chuyển sang nước ngoài làm việc (30%); chuyển sang làm việc ở một lĩnh vực mới (28%) và ngay cả là phát triển kinh doanh mới (26%).
HSBC Expat khảo sát các chuyên gia trên 18 tuổi sinh sống và làm việc tại một quốc gia khác so với quê nhà. Khảo sát hoàn tất với sự tham gia của 18.059 chuyên gia nước ngoài tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ thông qua trả lời bảng câu hỏi trực tuyến trong tháng 2 và tháng 3 năm 2019. Khảo sát do bộ phận Chuyên gia nước ngoài của Tập đoàn HSBC ủy quyền cho YouGov thực hiện. Để một quốc gia có mặt trong bảng xếp hạng của báo cáo này, yêu cầu đưa ra là quốc gia đó phải có ít nhất 100 chuyên gia nước ngoài tham gia cho ý kiến. Trong báo cáo khảo sát năm nay, có 33 quốc gia đủ điều kiện để vào các bảng xếp hạng.
Đỗ Lan