Là quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn của thế giới, nhưng những tháng đầu năm nay Việt Nam vẫn chi hơn 2 tỉ đô la Mỹ để nhập khẩu mặt hàng này.
- Xuất khẩu thủy sản sang EU: tôm tăng mạnh, cá chật vật
- Bên lạc quan, bên dè dặt với xuất khẩu thủy sản
Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi 2,04 tỉ đô la Mỹ để nhập khẩu thuỷ sản, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng tháng 9-2022, kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt gần 200 triệu đô la Mỹ, tăng 44,5% so với cùng kỳ.
Theo đó, 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu thuỷ sản nhiều nhất từ Ấn Độ khi đã chi khoảng 279 triệu đô la Mỹ, tăng 13,08% so với cùng kỳ; Indonesia là thị trường lớn thứ hai, đạt gần 199 triệu đô la Mỹ, tăng 87,8% so với cùng kỳ; Na Uy là thị trường lớn thứ ba với kim ngạch nhập khẩu đạt gần 183 triệu đô la Mỹ, tăng 6,06% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Nga… cũng là những thị trường cung cấp thuỷ sản lớn cho Việt Nam với kim ngạch đều vượt mức 100 triệu đô la Mỹ mỗi thị trường.
Trao đổi với KTSG Online, một doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản (xin không nêu tên) cho rằng, bên cạnh nhập khẩu cho nhu cầu sử dụng trong nước, một số đơn vị cũng nhập khẩu tôm từ Ấn Độ và Indonesia để chế biến xuất khẩu, bởi nguồn nguyên liệu từ các quốc gia này có giá bán khá cạnh tranh.
Trong khi đó, ở khía cạnh xuất khẩu, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đạt trên 8,51 tỉ đô la Mỹ, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm mang về cho Việt Nam gần 3,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 23% so với cùng kỳ; cá tra đạt gần 2 tỉ đô la Mỹ, tăng 82,6%; cua ghẹ và giáp xác khác đạt gần 165 triệu đô la Mỹ, tăng 37,9%; cá ngừ đạt 802 triệu đô la Mỹ, tăng 54,2%…
Như vậy, sau khi cân đối giữa kim ngạch xuất, nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm nay, thì thặng dư thương mại thuỷ sản của Việt Nam vẫn khá lớn, đạt khoảng 6,47 tỉ đô la Mỹ.
Mới đây, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cũng đưa ra dự báo, đến hết tháng 11-2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ chạm mốc mục tiêu 10 tỉ đô la Mỹ, tức về đích sớm hơn kỳ vọng trước đó của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đạt 10 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022.
Trung Chánh
Theo Kinh tế Sài Gòn Online