(SGTT) - Theo các chuyên gia y tế, rút ngắn thời gian cách ly sẽ góp phần gia tăng hiệu quả chăm sóc, điều trị F0, đặc biệt là giảm quá tải khu cách ly trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 của TPHCM còn cao.
TPHCM là địa phương đầu tiên kiến nghị thí điểm rút ngắn thời gian cách ly tập trung từ 14 ngày xuống còn 7 ngày với người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng, đã tiêm 2 mũi vắc xin và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7.
Theo Tuổi trẻ Online, dựa trên số liệu cập nhật trên Cổng thông tin Covid-19 TPHCM, thời gian gần đây mỗi ngày số ca mắc của TPHCM thường trên 1.000. Đáng chú ý số ca nhập viện luôn cao hơn số ca xuất viện, thậm chí số ca nặng, tử vong có tăng. Nếu diễn biến ca mắc tiếp tục tăng sẽ gây khó khăn về nhân lực, vật lực để chăm sóc, cách ly và điều trị.
Theo thống kê của Sở Y tế, TPHCM hiện có hơn 70.000 F0, trong đó gần 13.000 người phải điều trị tại bệnh viện, hơn 51.000 người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ được chăm sóc điều trị tại nhà hoặc các khu cách ly tập trung.
Ngoài ra còn có hơn 5.300 F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà đang phải cách ly và điều trị 14 ngày tại các khu cách ly tập trung theo quy định của Bộ Y tế.
Theo Sở Y tế, thời gian cách ly kéo dài cùng với số ca mắc mới gia tăng mỗi ngày như hiện nay có nguy cơ các khu cách ly tập trung và các bệnh viện tầng thấp sẽ lặp lại tình trạng quá tải.
TPHCM chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi
Ngày 21-11, tin từ Sở Y tế TPHCM, cho biết từ ngày mai (22-11), TPHCM sẽ bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Thời gian tiêm dự kiến diễn ra đến hết ngày 28-11, thông tin trên báo Thanh niên.
Ngày 21-11, cả nước có 9.889 ca mắc Covid-19, số tử vong giảm nhiều so với hôm qua
Theo bản tin dịch Covid-19 của Bộ Y tế, tính từ 16:00 ngày 20-11 đến 16:00 ngày 21-11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 đã ghi nhận 9.889 ca nhiễm mới, trong đó 7 ca nhập cảnh và 9.882 ca ghi nhận trong nước.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là TPHCM tăng 219 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 171 ca và Cần Thơ tăng 140 ca. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 9.616 ca/ngày.
Về số bệnh nhân tử vong, trong ngày 21-11, cả nước ghi nhận 76 ca tử vong tại Bình Dương (15), Long An (8), An Giang (7), Đồng Nai (7), Tiền Giang (6), Cần Thơ (6), Tây Ninh (5), Kiên Giang (5), Sóc Trăng (4), Bạc Liêu (4), Bình Thuận (3), Đồng Tháp (2), Vĩnh Long (2), Quảng Ngãi (1) và Cà Mau (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 97 ca.
Vào Đồng Tháp, app toàn quốc PC-Covid cũng vô hiệu
Nhiều ngày qua, người dân vào địa bàn tỉnh Đồng Tháp phản ánh với Tuổi Trẻ Online gặp nhiều trở ngại tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 của tỉnh này. Cụ thể, nhiều người dân ngụ tỉnh Vĩnh Long khi đi lại trên tuyến quốc lộ 54 để qua Đồng Tháp thì bị chặn tại chốt kiểm soát dịch ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung.
Tại chốt, người dân bị từ chối quét mã khai báo y tế trên Sổ sức khỏe điện tử và cả ứng dụng PC-Covid. Thay vào đó, cán bộ trực chốt đề nghị người dân phải tải, cài lại ứng dụng VNEID và khai báo y tế, lịch trình di chuyển ngay tại chỗ rồi mới giải quyết các bước tiếp theo để được qua chốt.
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng các phần mềm ứng dụng còn nhiều lỗi, các tỉnh sử dụng phần mềm khác nhau. Lỗi này do phần cập nhật dữ liệu, thông tin từ nguồn không chính xác, đầy đủ nên khi sử dụng phần mềm thích ứng ở Đồng Tháp thì dữ liệu không khớp.
“Dù ứng dụng PC-Covid được Bộ Y tế khuyên dùng nhưng hiện nay một số người vẫn chưa được cập nhật dữ liệu vắc xin đồng bộ. Vì vậy, người dân vào Đồng Tháp sử dụng phần mềm nào cũng được, chứ không nhất định phải sử dụng một phần mềm cố định của Đồng Tháp.
App nào cũng sử dụng được hết, nếu cung cấp đầy đủ dữ liệu. Còn thiếu thông tin thì bổ sung thôi chứ không nhất thiết phải sử dụng 1 app", ông Bửu giải thích.
5 địa phương nào tiêm thấp nhất?
Cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, tính đến 14:00 ngày 21-11, cả nước đã tiêm được gần 108 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 ( trong ngày 20-11, trên cả nước đã tiêm được hơn 1,3 triệu liều).
Tuy nhiên, 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin dưới 70% dân số từ 18 tuổi trở lên là Thanh Hóa (53,6%), Sơn La (56,8%), Nghệ An (61,1%), Nam Định (64,4%) và Quảng Bình (68,4%). Bộ Y tế đã tiếp tục phân bổ vắc-xin cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng.
Bình Thuận: Dịch Covid-19 lan rộng, người dân không được ra, vào vùng đỏ
Theo công văn do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong ký, tại vùng đỏ, người dân ở tất cả các vùng không được ra/vào, trừ trường hợp đặc biệt, VTC News đưa tin.
Theo đó, thành phố yêu cầu người dân chỉ ra ngoài khi có việc thật sự cần thiết và phải có chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin hoặc có giấy chứng nhận đã điều trị khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng hoặc có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72h…
Người dân không đi ra đường từ 19:00 hôm trước đến 5:00 sáng hôm sau trừ những trường hợp đặc biệt. Tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.
Đối với nhà hàng, quán ăn, quán nước chỉ được bán trực tuyến, giao hàng tận nhà. Các địa phương tổ chức lại chợ truyền thống, chợ dã chiến, siêu thị và khu mua sắm; hạn chế số người vào chợ, siêu thị và khu mua sắm cùng một lúc, chỉ cho người trong phường/ xã/ thị trấn được đi chợ, siêu thị và khu mua sắm trên địa bàn.
Minh Thảo tổng hợp
Sài Gòn Tiếp Thị phát động chương trình “Chèo SUP sau giãn cách”. Chương trình sẽ là nơi đăng tải những câu chuyện, kinh nghiệm của bản thân, người thân hoặc bạn bè về những khó khăn và thuận lợi trong quá trình làm quen, tham gia môn chèo SUP, giới thiệu các cung chèo SUP ở TPHCM và các tỉnh, thành phố khác trên mọi miền đất nước.Để tham gia chương trình, bạn đọc gửi thông tin trực tiếp đến tòa soạn tổ chức qua email admin@sgtiepthi.vn, ghi rõ chủ đề: “Chèo SUP sau giãn cách”_ tên tác phẩm hoặc truy cập vào facebook Sài Gòn Fit và Sáng kiến Điểm đến an toàn để đăng tải thông tin, hình ảnh, video clip do bản thân hoặc đồng nghiệp thực hiện.