(SGTT) - Lăng Hoàng Gia nằm cách trung tâm thành phố Gò Công khoảng 2km, được xây dựng vào năm 1826, gồm lăng mộ và đền thờ ông Phạm Đăng Hưng – thân sinh thái hậu Từ Dụ (hay Từ Dũ - vợ vua Thiệu Trị), ông ngoại của vua Tự Đức.
- Cây bồ đề buông rễ ‘ôm’ ngôi đình trăm tuổi ở Tiền Giang
- Về Tiền Giang ngắm bình minh trên biển Tân Thành
- Xếp hạng 3 di tích quốc gia đặc biệt tại Hòa Bình, Bạc Liêu và Tiền Giang
Theo Trang thông tin Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang, vào cuối thế kỷ thứ XVI ông Phạm Đăng Long - cha ông Phạm Đăng Hưng - theo cha vào vùng Gò Công, là người giỏi Nho học, tinh thông phong thủy, địa lý của Lão học, đi nhiều nơi tìm thế đất tốt để định cư, mong con cháu phát tích.
Lúc ông đến Gò Rùa (Sơn Qui), thấy thế đất rất đẹp nhưng toàn vùng Gò Công lúc bấy giờ không có chỗ nào đào được giếng có nước ngọt. Sau đó ông phát hiện ra mạch nước ngầm ở Gò Sơn Qui, nên quy tập mồ mả ba đời về đây và xây nhà ở gò đất này.
Ông Phạm Đăng Hưng là con thứ ba của ông Phạm Đăng Long. Ông là người thông minh, văn võ song toàn. Năm 1784, lúc 20 tuổi, ông thi đỗ Tam trường, được triều đình bổ làm Lễ sinh ở Phủ, sau đó được thăng Lại bộ Tham tri.
Đến năm 1824 được sắc phong Lễ bộ Thượng thư, năm 1825 ông được giao phó giữ kinh thành Huế. Mùa hạ năm 1825, Phạm Đăng Hưng thọ bệnh và mất, linh cửu được đưa về quê hương. Năm 1849, ông được vua Tự Đức truy phong Tước Đức Quốc công.
Lăng Hoàng Gia được xây dựng bởi con trai trưởng của Phạm Đăng Hưng, ông Phạm Đăng Tá, trên khu đất rộng 3.000 m², ngay trên nền nhà cũ của dòng họ Phạm Đăng. Các nghệ nhân từ Huế cùng với các nghệ nhân địa phương đã cùng nhau xây dựng công trình này, mang đậm phong cách kiến trúc cung đình.
Mộ của Phạm Đăng Hưng được xây dựng trên một gò đất cao, có hình dáng giống như mai rùa. Mộ có kiểu dáng bát giác, vừa giống chiếc nón lá, vừa giống búp sen. Bình phong phía sau mộ có hình bán nguyệt, chạm khắc hình rồng và kỳ lân, biểu trưng cho điềm lành và sự vinh quang của gia tộc. Xung quanh mộ còn có các phù điêu trang trí như búp sen, cá hóa long, mang ý nghĩa tốt lành.
Lăng được trùng tu và mở rộng nhiều lần, đặc biệt là vào năm 1849, khi vua Tự Đức truy phong Phạm Đăng Hưng và cho xây dựng thêm các hạng mục như tam cấp, cổng tam quan và ban thần vị.
Vào năm 1888, vua Thành Thái cho trùng tu lăng, và sau đó, vào năm 1921, dưới thời vua Khải Định, lăng tiếp tục được tu sửa. Năm 1998, ngôi nhà thờ trong lăng cũng được đại trùng tu, trả lại nhiều nét kiến trúc đặc trưng của hoàng tộc. Đến năm 1992, Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, công nhận Lăng Hoàng Gia là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.