(SGTT) - Thác Nậm Lúc nằm ở bản Nậm Lúc 2, xã Phăng Sô Lin, cách trung tâm huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, khoảng 40km. Gần đây, dòng thác này thu hút du khách tìm đến bởi vẻ đẹp còn hoang sơ, những tầng thác nối tiếp nhau tựa "dải lụa" giữa đại ngàn.
- Tác Tình, dòng thác hoang sơ giữa núi rừng Lai Châu
- Quảng Bình: Tiếp tục khai thác tạm thời điểm du lịch Chà Rào – Chà Cùng
- Khám phá 21 thác nước đẹp nhất thế giới
Thác Nậm Lúc đổ xuống từ mạch ngầm của con suối Hải Hồ, xã Tả Ngảo, chạy qua nhiều dãy núi đến địa phận bản Nậm Lúc 2, xã Phăng Sô Lin. Khi chảy qua bản Nậm Lúc 2, do sự nghiêng, dốc của bề mặt khối đá và sự bào mòn của dòng chảy, cùng sự đứt gãy, sụt lún cục bộ của khu vực địa chất, đã tạo thành thác Nậm Lúc hiện tại.
Thác Nậm Lúc được bao bọc bởi hệ thống rừng nguyên sinh với nhiều thảm thực vật phong phú, đa dạng tạo nên bức tranh thiên nhiên xanh mát.
Dòng thác cao trên 140m và được chia làm ba tầng nối tiếp nhau. Đứng trên tầng thác dài nhất khoảng 50m, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một nhánh thác khác trải rộng, dàn đều trông như một “dải lụa mềm” trắng xóa, nổi bật giữa đại ngàn.
Thời điểm đẹp nhất để chinh phục Nậm Lúc là vào những ngày nắng đẹp, du khách có thể đi dọc theo con suối đến cuối nguồn dẫn lên thác. Hơn nữa, với những người yêu thích thể thao mạo hiểm, có thể leo núi kết hợp đi bộ băng qua cánh rừng nguyên sinh, men theo những vách núi sừng sững để đến với ngọn thác này.
Cách thành phố Lai Châu khoảng 60km về phía Tây Bắc, theo đường quốc lộ 4D, Sìn Hồ là huyện vùng cao nằm giữa tỉnh Lai Châu, có huyện lỵ là thị trấn Sìn Hồ. Bên cạnh thác Nậm Lúc, khi đến Sìn Hồ, du khách nên dành thời gian khám phá những điểm đến nổi bật khác như núi Đá Ô, động Ông Tiên, đồi chè cổ...
Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức cơm lam, thịt trâu gác bếp, rượu ngô… và mua những sản phẩm đặc trưng như thổ cẩm, gạo nếp nương, mật ong rừng, sâm Lai Châu…