(SGTT) – Trong chuyến thăm quê nội gần đây, tôi được người bà con dẫn đi tham quan nhiều nơi. Và rồi “duyên ẩm thực” của mình trỗi dậy khi thưởng thức bánh đúc tại khu chợ Sa Nam, Nghệ An. Khá thú vị khi bánh không chỉ ngon miệng mà nó còn được người dân trìu mến đưa vào thơ ca.
- Ăn bánh giày Nùng chợ phiên Bắc Hà
- Về An Thuận xem làng nghề làm bánh cốm, truyền đến nay qua 13 thế hệ
- Ngọt ngào cháo cá dìa bông biển Sơn Trà
Trò chuyện cùng các tiểu thương ở chợ mới hay, nơi đây có nhiều thức quà đặc sản nổi tiếng như bún lá, kẹo lạc, bánh kê nhưng bánh đúc thì được nhắc đến đầu tiên. Bà Trần Thị Hồng (51 tuổi, trú khối Vạn An, thị trấn Nam Đàn), cho hay gia đình bố mẹ của bà ở xóm Bắc Sơn, xã Vân Diên (cũ) đã có 5 đời làm nghề nấu bánh đúc bán ở chợ Sa Nam. Riêng bà, từ thời thơ ấu đã biết xay bột nấu bánh, lớn lên thì mang nghề này về nhà chồng và gắn bó suốt mấy chục năm qua.
Dẫu nghề chưa có thu nhập cao, công đoạn làm bánh khá vất vả nhưng bà và khoảng 5 hộ dân khác vẫn gắn bó với nghề làm bánh đúc để mưu sinh và gìn giữ một nghề truyền thống lâu đời do ông cha để lại.
Cụ thể, để làm bánh đúc, người nấu phải trải qua một quy trình như làm khuôn, xay bột, nấu bột, khuấy bột, đúc bánh. Ngày xưa, để đúc bánh người ta đổ dung dịch bánh vào những chiếc mẹt hay chén ăn cơm. Sau này, họ lại dùng mo cau cắt nhỏ, khoanh tròn, tạo thành khuôn để đúc bánh. Hay có người cắt ống nhựa làm khuôn thay thế mo cau. Theo đó, chiếc khuôn bằng ống nhựa có lót lá chuối sẽ cho ra những chiếc bánh đúc đều nhau, màu sắc hài hòa.
"Sa Nam trên bến dưới đò
Bánh đúc ba dãy thịt bò mê thiên"
Chị Hồ Thị Liễu (37 tuổi, trú khối Nam Bắc Sơn, thị trấn Nam Đàn), chia sẻ gia đình nhà chồng của chị đã có 3 đời làm nghề này. Bánh đúc Sa Nam làm từ bột gạo Khang Dân và nước vôi trong. Sau khi nấu sôi nước vôi pha loãng thì đổ dung dịch bột gạo vào, đun đều lửa, quấy liên tục và đều tay để bánh không bị cháy.
Khi bánh chín, nhấc ngay nồi xuống bếp và múc bánh vào khuôn khi đang nóng. Gia đình chị Liễu mỗi ngày nấu khoảng 25 - 30kg gạo. Mỗi kí gạo có thể nấu được 20 - 25 chiếc bánh và bán ở chợ Sa Nam với giá 20.000 đồng/10 cái.
Để mẻ bánh ngon, bà Hồng cho rằng người thợ cần phải có kinh nghiệm, kỹ thuật pha chế cũng như hãm lửa, nhất là lượng nước vôi sao cho phù hợp với mỗi nồi bánh. Một mẻ bánh đúc ngon phải đảm bảo các yêu cầu như bánh đông săn chắc, màu trắng sáng, có độ giòn và mùi thơm đặc trưng. Ngày nay, bà con làm nghề bánh đúc quanh chợ Sa Nam không nhiều như trước, nhưng một số gia đình ở đây dẫu vất vả vẫn gắn bó với nghề truyền thống của mình.
Ông Lữ Đức Hòa (68 tuổi, trú tại thị trấn Nam Đàn), người am hiểu về văn hóa ẩm thực vùng miền, cho hay người dân nơi đây thường truyền tụng câu ca: "Bánh đúc, bánh độ chưa chộ đã sèm" để nói về cái ngon, cái đặc biệt của bánh đúc Sa Nam.
Bánh đúc Sa Nam từng là đặc sản, mang bản sắc ẩm thực vùng miền, thưởng thức kèm với tương Nam Đàn, chấm mắm tôm, hay dùng với hến xào, riêu cua… đều để lại hương vị khó quên.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều thức quà ngon, bánh lạ nhưng bánh đúc Sa Nam vẫn có một vị trí nhất định trong bản đồ ẩm thực Nghệ An nói riêng và ẩm thực vùng miền Việt Nam nói chung.
Tiên Sa