(SGTTO) - Đình thần Long Điền ẩn mình trong rừng cây cổ thụ hơn trăm tuổi vừa uy nghi về huyền bí xen lẫn nét ma mị.
Đền thần Long Điền tọa lạc tại thị trấn Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là khu di tích cấp tỉnh. Theo các tài liệu, Đình thần Long Điền xây cất cùng thời với Chùa Long Bàn. Trên cột xiên của đình có khắc dòng chữ Hán được phát hiện khi sửa chữa có ghi “Thiệu Trị ngũ niên tạo” (Xây dựng năm thứ 5 vua Thiệu Trị - 1845).
Hơn 150 năm qua, Đình thần Long Điền đã nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Trong đó, có hai lần trùng tu quy mô nhất là vào năm 1900 do hư hỏng nặng. Lúc này, đình được làm lại hoàn toàn mới với chất liệu gạch, đá, xi măng, mái lợp ngói. Lần đại trùng tu thứ hai là vào năm 1958 do đình bị tàn phá bởi chiến tranh vào năm 1945.
Đình được xây theo kiến trúc đình chùa của người Việt xưa. Công trình đình thần gồm cổng, tấm bình phong, tòa võ ca, tòa Chánh điện, nhà hậu, ngoài ra còn có đền thờ Tiên sư, nhà bếp và miếu thờ Thần Nông. Tại tòa Chánh điện ở bàn thờ trung tâm là nơi thờ Thành Hoàng hai bên là bàn thờ Tả ban và Hữu ban.
Trong đình Long Điền còn lưu giữ nhiều bàn thờ, bao lam, cửa võng, hoành phi, câu đối… được chạm khắc, sơn son thếp vàng hết sức công phu, bởi các bàn tay nghệ nhân hết sức khéo léo tài hoa. Bằng phương pháp chạm lộng, chạm thủng trên chất liệu gỗ nhưng các nghệ nhận đã tạo nên những hình ảnh điêu khắc hết sức sống động: Lưỡng Long Chầu Nguyệt, Mai, Lan, Cúc, Trúc, dây nho…
Hàng năm Đình thần Long Điền tổ chức lễ hội Kỳ Yên vào ngày (16, 17, 18 tháng 2 âm lịch) với các lễ chính: Thỉnh sanh, Túc yết, Đàn cả, Tiền hiền, Hậu hiền…
Hiện, cả công trình ẩn mình giữa màu xanh của rừng cây cổ thụ có hơn trăm tuổi. Do đình được xây dựng trên gò đất cao hình mu rùa, nên từ cổng đình, bạn có thể nhìn thấy hình ảnh đồng lúa tươi xanh, vườn cây ăn trái, làng quê trù phú, thanh bình.
Hãy cùng ngắm loạt ảnh của Đình thần Long Điền:
Lâm Uyên
Ảnh: Tinh Huynh