(SGTT) - Tôi đến làng cốm An Thuận (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, TP Huế) vào một ngày đầu Thu khi nắng vàng trải dài trên ruộng đồng, làng mạc của một miền quê gần kinh thành Huế. Làng An Thuận nép mình bên dòng sông Bồ thơ mộng với những hàng cau, khóm chuối, bụi bờ và đâu đây hương cốm thoang thoảng trong gió chiều bay xa.
- Bản đồ ẩm thực: Bánh căn dưới con mắt người đam mê dịch chuyển
- Bản đồ ẩm thực: Dân dã bánh bèo đất võ Bình Định
- Bản đồ ẩm thực: Bánh rế, chút quà tâm tình của người dân xứ biển Phan Thiết
Trên con đường dẫn vào làng, du khách cười nói lao xao với mấy o “xứ Huế” đang thong dong gánh cốm “hai lu”. Qua trao đổi với anh Nguyễn Duy Thành (51 tuổi, trú xóm 8, làng An Thuận), một hộ làm cốm, mới hay nghề cốm nơi đây bắt nguồn từ Bắc Ninh, do một người dân nơi đó mang đến đây và lan truyền đến giờ. Tính luôn hiện nay là làng nghề đang duy trì đến thế hệ thứ 13.
Từ xa xưa, làng nghề duy trì khoảng 100 hộ làm, nhưng đến nay chỉ còn 5 hộ làm cốm và tập trung vào dịp tết. Sản phẩm cốm An Thuận đặc sắc bởi gồm nhiều loại cốm dẹp, cốm bắp, cốm bột báng... bán khắp các khu chợ ở Huế và đi tới những vùng miền lân cận.
Trò chuyện cùng chị Nguyễn Thị Hồng Lý (47 tuổi, trú tại xóm 8 An Thuận), cũng làm nghề cốm được biết, nghề này công đoạn làm hoàn toàn là thủ công và mất đến vài hôm. Chính vì thế, sản phẩm làm ra không có chứa chất bảo quản, ăn tốt cho sức khỏe.
Cụ thể, quy trình làm cốm gồm luộc lúa nếp, ủ trong nước nóng 3 ngày rồi đem rửa sạch. Tiếp đến, trạo trong chảo nóng đến khi hạt lúa nếp khô và dẻo thì cho vào cối giã cho dẹp. Dẹp hay dẹt cũng là cách gọi chung của hạt lúa sau giã thành hạt dẹp lép.
Chưa hết, hạt lúa lúc này tiếp tục đem sàng cho sạch vỏ trấu. Dùng chảo rang cốm dẹp thành hạt nghe nổ giòn tan. Lúc này, làm thêm các gia vị ăn kèm như đậu phộng, mè, gừng... đổ ra khuôn, đóng thành thành phẩm bằng bao bì, nhãn mác.
Anh Duy Thành nêu trên cho hay, mỗi ngày gia đình anh sản xuất ra được 200 gói cốm, giá bán mỗi gói là 30.000 đồng. Bình quân thu nhập mỗi lao động rơi vào khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ngày.
Trả lời thắc mắc của người viết vì sao cốm An Thuận được ưa chuộng, anh Thành cho rằng miếng cốm phải chắc, giòn, vị ngọt dịu mà vẫn béo bùi. Đặc biệt, vị gừng tươi phải lan tỏa trong khoang miệng khi thưởng thức.
Vừa qua, cốm dẹp An Thuận được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị ngành chức năng công nhận bánh cốm dẹp là đặc sản của làng nghề và đề nghị xét làng An Thuận là “làng nghề truyền thống”. Qua đó, giữ gìn và phát huy thương hiệu bánh cốm dẹp - đặc sản xứ Huế đang có nguy cơ bị mai một.
Bản đồ ẩm thực Việt Nam là chuyên mục mà Sài Gòn Tiếp Thị mong muốn truyền tải đến những du khách trong và ngoài nước các món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực vùng miền do đầu bếp và người sành ăn địa phương giới thiệu. Thông qua đó, mọi người vừa thăm thú danh lam thắng cảnh vừa thưởng thức những món ăn ngon, khó quên. Mọi hình ảnh món ăn đặc trưng của các địa phương do bạn sở hữu có thể gửi về cộng tác với Sài Gòn Tiếp Thị tại địa chỉ e-mail: ducduy@thesaigontimes.vn
Tiên Sa