Thứ năm, Tháng năm 15, 2025

Vẫn bức xúc tình trạng chậm, hủy chuyến bay

Lê Anh -

Thời gian gần đây nhiều hành khách lại bức xúc, phản ánh tình trạng chậm, hủy chuyến bay. Theo Cục Hàng không Việt Nam, mặc dù đã áp dụng nhiều giải pháp nhưng một số nguyên nhân chủ quan từ các hãng hàng không cũng như từ sân bay vẫn chưa được khắc phục.

Tỷ lệ chậm, hủy đều tăng

img_0153Thời gian gần đây, số chuyến bay bị chậm hoặc hủy chuyến nhiều hơn khiến hành khách bức xúc.

Vào tuần trước, ông Nguyễn Văn Tiệp ngụ ở quận Thủ Đức (TPHCM) đi chặng bay TPHCM – Hà Nội cả hai lượt đều bị chậm chuyến. Ông cho biết ở lượt đi ông chọn hãng giá rẻ là Jetstar Pacific. Chuyến bay theo lịch sẽ cất cánh lúc 9 giờ 45 phút, khi làm thủ tục xong thì hãng thông báo chuyến bay bị chậm đến 10 giờ do máy bay về muộn. Đến 10 giờ hãng lại thông báo chuyển sang giờ bay mới. Đợi mãi đến hơn 11 giờ hãng mới thông báo cho hành khách ra máy bay và đến gần 12 giờ chuyến bay mới cất cánh.

Tưởng chỉ chậm chuyến bay ở lượt đi, nhưng ở lượt về ông Tiệp cũng bị hủy chuyến và chuyển sang chuyến bay mới chậm hơn chuyến bay ông đã đặt một giờ đồng hồ. “ Hôm đó tôi đặt chuyến 20 giờ 15 phút từ Hà Nội đi TPHCM, khi đến sân bay nhân viên nói chuyến bay này không có và chuyển sang chuyến 21 giờ 15 phút. Trong khi hãng không thông báo cho hành khách việc hủy chuyến làm ảnh hưởng đến kế hoạch đi lại của tôi”, ông Tiệp nói.

Không chỉ có hãng giá rẻ chậm giờ mà Vietnam Airlines-hãng xưa nay ít chậm giờ hơn các hãng khác-cũng xảy ra tình trạng tương tự. Hành khách tên Lê Thị Thanh Hải tuần trước có chuyến công tác từ Hà Nội vào TPHCM cũng bức xúc khi bị chậm giờ bay. Bà cho biết lâu nay bà vẫn chọn Vietnam Airlines để tránh chậm, hủy chuyến. Thế nhưng hãng này cũng bị chậm chuyến trong thời gian gần đây khiến hành khách không có sự lựa chọn nào khác.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong 11 tháng của năm 2016, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện 228.000 chuyến bay với 36.844 chuyến bay bị chậm, chiếm 16,1%, tăng 0,6 điểm, và 1.605 chuyến bay bị hủy, chiếm 0,7%, tăng 0,2 điểm so với cùng kỳ năm 2015.

Trong số bốn hãng hàng không của Việt Nam gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet và Vasco thì Jetstar Pacific là hãng có tỷ lệ chậm chuyến cao nhất với 19,5%. Còn tỷ lệ hủy chuyến cao nhất thuộc về Vasco với tỷ lệ 1,4 %.

Nếu so với cùng kỳ 11 tháng của năm 2015 thì Vietnam Airlines là hãng duy nhất có tỷ lệ chậm chuyến tăng. Cụ thể, tỷ lệ chậm chuyến của hãng này tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân từ đâu?

Về nguyên nhân gây ra chậm, hủy chuyến bay, theo phân tích của Cục Hàng không, nguyên nhân chủ quan của hãng hàng không có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 17,1% trong tổng số chuyến bay chậm và gián tiếp gây nên 10,6% chuyến bay chậm của chặng kế tiếp. Tuy nhiên, so với năm 2015, nguyên nhân này đã giảm 2,9 điểm mặc dù số lượng chuyến bay khai thác tăng cao.

Đứng thứ hai là nguyên nhân do trang thiết bị, hạ tầng tại sân bay, chiếm 6% tổng số chuyến bay muộn và tăng 0,7 điểm so cùng kỳ 2015.

Trong nhóm nguyên nhân máy bay về muộn, nguyên nhân hạn chế về điều hành bay tại sân bay xuất phát chiếm tỷ trọng tới 12,7% tổng số chuyến bay chậm, tăng 5 điểm so cùng kỳ 2015. Điều này lý giải nguyên nhân máy bay về muộn là do các máy bay phải chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất vì mật độ cao.

Về tổng thể, nhóm nguyên nhân chủ quan từ các hãng hàng không và sân bay chiếm hơn 40% tổng số chuyến bay chậm, gián tiếp gây nên tình trạng chậm chuyến dây chuyền cho các chuyến bay kế tiếp.

Nếu để ý lịch bay được các hãng niêm yết trên trang bán vé thì có thể thấy ở nhiều giờ “đẹp” lịch bay của các hãng sắp xếp quá dày. Nhân viên của một lại lý bán vé máy bay ở Bình Thạnh, TPHCM cho biết ở đường bay Hà Nội – TPHCM và ngược lại có một số chuyến bay chỉ cách nhau từ 10 đến 15 phút. Đưa lịch bay dày như vậy nên khi chuyến bay trước không đủ khách thì hãng sẽ chuyển sang chuyến bay sau với khoảng cách giờ gần nhau nên hành khách cũng không phản ứng nhiều.

Cục Hàng không nhận định tỷ lệ chậm, hủy chuyến năm 2016 vẫn ở mức cao có nguyên nhân chủ quan từ hãng hàng không. Công tác đảm bảo kỹ thuật máy bay và sự sắp xếp lịch bay của các hãng hàng không chưa được tốt.

Để giảm tình trạng chậm, hủy chuyến, Cục Hàng không sẽ có cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện để các hãng hàng không thay đổi mạng đường bay khai thác nhằm sử dụng các sân bay lân cận làm căn cứ để đậu máy bay, không tập trung quá nhiều máy bay đậu qua đêm tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng thêm nhà ga nội địa tại Tân Sơn Nhất với công suất 10-15 triệu lượt khách/năm. Vừa qua, đã có nhà đầu tư đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho họ được bỏ vốn ra để xây dựng nhà ga này.

Cục Hàng không cũng đang xem xét việc tạm thời không cấp thêm slot (điều phối hạ cất cánh) từ 7 giờ đến 21 giờ tại sân bay Tân Sơn Nhất cho các chuyến bay nội địa do nhà ga nội địa đang quá tải.

Cục Hàng không cũng yêu cầu các hãng hàng không công bố trên các phương tiện thông tin và trên trang web của mình số điện thoại đường dây nóng (hotline) để giải đáp các thắc mắc của hành khách các quy định hiện hành, giải quyết khiếu nại về chất lượng dịch vụ. Đồng thời, bố trí nhân viên thông báo, nói lời xin lỗi hành khách và cung cấp các dịch vụ cần thiết trong trường hợp các chuyến bay bị trễ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Dân dã món bánh canh bột xắt nước cốt dừa miền...

0
(SGTT) – Dù quê tôi là một làng quê nghèo miệt sông Hậu, nhưng có cá tôm đầy ghe, có gạo để làm bánh...

Người ‘thắp lửa’ du lịch Cồn Sơn

0
(SGTT) - Không bảng hiệu rình rang, không quảng bá rầm rộ, Cồn Sơn thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ nằm giữa...

Đầu bếp nước Pháp cởi mở hơn với trí tuệ nhân...

0
(SGTT) - Tại buổi lễ trao sao Michelin thường niên của ngành ẩm thực Pháp mới đây, câu chuyện được bàn tán nhiều không...

Kết nối sông – núi – biển, hướng mới cho du...

0
(SGTT) - An Giang và Kiên Giang có tiềm năng lớn về du lịch nhờ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đa dạng. Trong...

Việt Nam nằm trong top 10 điểm đến được tìm kiếm...

0
(SGTT) - Việt Nam nằm trong top 10 điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất trên Google Destination Insights từ đầu năm 2025 đến...

Thích ứng với dân số già: Việt Nam cần hành động...

0
(KTSG Online) - Việt Nam chỉ còn khoảng 15 năm để chuẩn bị đối phó với già hóa dân số đang diễn ra nhanh...

Kết nối