(SGTT) – Với sự phát triển của y học hiện đại, bệnh ung thư ngày càng có nhiều phương pháp, công nghệ tăng khả năng hồi phục cho bệnh nhân. Theo các chuyên gia, khái niệm chữa ung thư hiện nay không chỉ dừng lại ở chuyện hết bệnh. Nền y học thế giới đang hướng đến điều trị toàn diện với mục tiêu giúp người bệnh sớm quay lại cuộc sống thường ngày. Và Đông y cũng có vai trò nhất định đưa bệnh nhân trở lại nhịp sống đó.
- Phòng chống Covid-19 bằng Y học cổ truyền
- Bản tin 360 độ sống khỏe: Báo động trầm cảm tuổi học đường, cách giải tỏa áp lực bủa vây học trò
Điều trị ung thư là hành trình dài, việc chữa trị cần được can thiệp kịp thời, càng sớm càng tốt để không bỏ lỡ thời điểm “vàng” giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống, giảm tỷ lệ tái phát tại chỗ, di căn xa và cải thiện chất lượng sống rõ rệt. Trong y học hiện đại, theo PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện phẫu thuật tiêu hóa, bệnh viện Trung ương Quân đội 108, điều trị ung thư hiện nay là điều trị đa mô thức, có nghĩa là phải kết hợp nhiều phương thức điều trị với nhau.
Các phương pháp đang được áp dụng nhiều là phẫu thuật cắt bỏ triệt căn khối u, hóa trị, xạ trị và các liệu pháp miễn dịch. Việc phối hợp các phương pháp này như thế nào, tùy theo từng loại ung thư và trong mỗi loại ung thư, lại còn tùy thuộc vào giai đoạn bệnh.
PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn cho biết để xây dựng kế hoạch điều trị chính xác, bác sĩ phải chẩn đoán chuẩn xác cơ quan bị ung thư, loại tế bào, mức độ biệt hóa, đặc biệt là xác định đúng giai đoạn bệnh. “Trên cơ sở đó mới xây dựng được các bước cụ thể trong điều trị đa mô thức. Người bệnh nên phẫu thuật trước hay hóa trị hoặc hóa xạ trị trước đều cần có các cơ sở dữ liệu chính xác về bệnh mới quyết định được”, ông nói.
Thực tế, các phương pháp điều trị ung thư đều không tránh khỏi tác dụng phụ như các loại hóa chất và xạ trị dễ làm cơ thể bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, nôn ói, rụng tóc… mặc dù các loại thuốc, công nghệ máy móc hiện đại đã giúp xác định mục tiêu chính xác hơn, giảm được liều xạ và cũng hạn chế tổn thương cơ quan lân cận. Đặc biệt áp dụng phẫu thuật nội soi đã hạn chế tỷ lệ tai biến, biến chứng, giảm bớt mức độ sang chấn và mức độ đau, giúp cơ thể nhanh bình phục. Tuy vậy, việc kết hợp với các phương thức, lĩnh vực khác trong đó có y học cổ truyền sẽ giúp cho quá trình đưa bệnh nhân về vạch đích hiệu quả hơn.
TS.BS Nguyễn Ngô Lê Minh Anh, giảng viên bộ môn Nội khoa Đông y - Khoa y học cổ truyền, Đại học Y dược TPHCM, cho biết hiện nay việc kết hợp y học cổ truyền trong điều trị ung thư tại bệnh viện khá phổ biến. Người bệnh nên điều trị bằng các phương pháp từ y học hiện đại để khống chế bệnh trước; sau đó họ sẽ kết hợp thêm với Đông y để nâng cao thể trạng, tăng cường hệ miễn dịch, giảm tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị.
Nhìn nhận vai trò của Đông y song hành cùng Tây y trong cuộc chiến với ung thư, bác sĩ Minh Anh cho hay báo cáo thường niên các nước trên thế giới và Việt Nam chỉ ra hiệu quả kết hợp y học cổ truyền và các phương pháp điều trị ung thư tốt hơn so với chữa trị đơn độc các phương pháp hóa, xạ trị... Theo nghiên cứu báo cáo của Viện Y dược học dân tộc TPHCM, khi kết hợp với các liệu pháp trị liệu y học cổ truyền thì 92,3% bệnh nhân thấy hết mệt mỏi, 90% hết táo bón, 85% có cảm giác thèm ăn, bớt đắng miệng, ăn ngon hơn và mau tiêu; 87% ngủ tốt, giảm suy nhược thần kinh; 84% bớt cảm giác đau, đa số tăng cân...
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cũng đồng tình, với ung thư, chủ yếu vẫn là sử dụng các biện pháp của y học hiện đại, tuy nhiên các phương pháp y học cổ truyền cũng có thể góp phần vào nâng cao thể trạng và sức đề kháng của bệnh nhân, hạn chế tác dụng không mong muốn của các phương pháp điều trị hiện đại.
Bên cạnh đó, một số bệnh nhân đến bệnh viện ở giai đoạn muộn, không còn khả năng điều trị triệt căn. Mục tiêu chữa trị lúc này chỉ là hạn chế các biến chứng do bệnh ung thư gây ra, điều trị giảm nhẹ, giảm đau, nâng cao thể trạng, cải thiện tinh thần và dinh dưỡng. Lúc này, các sự can thiệp từ Đông y cũng có thể giúp bệnh nhân.
Tuy nhiên, trong thời buổi thông tin bùng nổ, trên mạng xã hội có rất nhiều bên mạo danh, lan truyền hình ảnh không đúng về phương thức chữa trị ung thư bằng bài thuốc dân gian, gia truyền truyền miệng. Với lời quảng cáo sẽ chữa khỏi bằng thuốc Nam tại các cơ sở không được cấp phép quản lý, nhiều bệnh nhân tin tưởng, không thăm khám tại bệnh viện làm lỡ mất cơ hội tốt khiến tình trạng ung thư thêm nặng.
“Việc kết hợp Đông - Tây y trong điều trị ung thư là một chủ trương đúng. Tuy nhiên chúng ta không lạm dụng điều trị Đông y mà bỏ qua các phương pháp Tây y chính thống mà hiện nay cả thế giới đang áp dụng”, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn nhận định.
TS.BS Nguyễn Trương Đức Hoàng, giảng viên bộ môn ung thư Đại học Y Dược TPHCM, cũng đồng tình rằng chữa ung thư là một cuộc chiến kéo dài với mục tiêu đưa bệnh nhân quay trở lại cuộc sống thường ngày. Không chỉ kết hợp với y học cổ truyền, bất kỳ lĩnh vực nào đem lại lợi ích cho bệnh nhân đều được bác sĩ cân nhắc lựa chọn. Tuy vậy, cái khó vẫn là làm sao cho truyền thông về Đông y hiện đại ngày càng được phổ biến để bệnh nhân hiểu y học cổ truyền là gì, sẽ giúp ích được những gì trong quá trình chữa bệnh. Đồng thời, ta tránh làm xấu Đông y trong mắt mọi người bằng những thông tin lệch lạc, xuất hiện nhan nhản ví dụ những bài thuốc Nam, thầy lang… không rõ nguồn gốc, cơ sở khoa học.
Để hiểu rõ hơn về sự kết hợp, vai trò của y học cổ truyền ở thời điểm hiện tại khi hỗ trợ điều trị toàn diện ung thư, mời quý vị đón xem video phỏng vấn TS.BS Nguyễn Ngô Lê Minh Anh dưới đây.
An Phú - Video: Minh Khoa