(SGTT) - Sự thành công của tựa game Black Myth: Wukong (Trung Quốc) đã khẳng định thêm lần nữa rằng các giá trị văn hóa truyền thống của một quốc gia không chỉ là một kho tàng ẩn mình trong thế giới hiện đại mà còn là chất liệu quý giá để tạo nên sản phẩm chất lượng cao thời thượng. Chú trọng duy tu, phát triển văn hóa mà không gắn liền với giá trị kinh tế thì sẽ xa rời thực tiễn và không bền vững.
- Gameshow nội ngoại sôi nổi hút khán giả qua sóng truyền hình
- Sôi động gameshow, chương trình truyền hình kết hợp quảng bá du lịch
Sự thành công nhờ “ôn cố tri tân” của Wukong cũng gợi cho Việt Nam nhiều kinh nghiệm, bài học trong chuyện tạo ra những sản phẩm mang giá trị văn hóa và kinh tế.
Ra mắt vào ngày 20-8-2024, tựa game Black Myth: Wukong (Hắc thần thoại: Ngộ Không) là một trò chơi nhập vai hành động do Studio Game Science đến từ Trung Quốc phát hành và đã tạo được tiếng vang không chỉ trong cộng đồng game mà cả công chúng trên toàn thế giới. Trò chơi lấy cảm hứng chủ đạo từ tiểu thuyết có từ hơn 400 năm trước là Tây Du Ký, một trong tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc.
Trong trò chơi này, người chơi theo chân nhân vật chính là một chú khỉ có hình dạng giống người có phép thần thông, dựa trên nhân vật Tôn Ngộ Không trong tiểu thuyết để thực hiện các thử thách và hoàn thành nhiệm vụ được đặt ra.
Bàn về Tây Du Ký, đây là một tác phẩm văn học nổi tiếng và có sức ảnh hưởng của tác giả Ngô Thừa Ân vào những năm 1590 về câu chuyện của một nhà sư thời vua Đường Thái Tông là Huyền Trang (Đường Tam Tạng) đồng hành với các đồ đệ của mình gồm Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh và Bạch Long Mã trải qua bao gian nan trắc trở với 81 kiếp nạn, vượt ngàn dặm xa xôi để đến xứ sở của Phật Tổ mang kinh Phật về truyền bá cho phương Đông. Đối với thế hệ 8X, 9X ở Việt Nam, có thể nói tác phẩm Tây Du Ký gần gũi hơn qua những tập phim truyền hình với nhân vật Tôn Ngộ Không do diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng thủ vai.
Sự hòa quyện giữa chất liệu văn hóa truyền thống và công nghệ
Dựa trên cốt truyện của tiểu thuyết Tây Du Ký, game Black Myth: Wukong đã phác họa lại hình ảnh Tôn Ngộ Không, đưa người chơi nhập vai vào nhân vật để diệt trừ yêu ma. Đáng chú ý, tiếng vang của game và sự ủng hộ của người chơi nằm ở việc nhà phát triển game đã thuần thục sử dụng các chất liệu văn hóa truyền thống, hình ảnh các di tích văn hóa với cốt truyện của Tây Du Ký, cùng công nghệ hiện đại để tạo nên một sản phẩm game “ôn cố tri tân” một cách sáng tạo và đầy thú vị. Cũng theo Yang Qi, Giám đốc nghệ thuật tại Game Science, đã mô tả trò chơi này là một “sự tôn vinh văn hóa”.
Khía cạnh hình ảnh là một trong những tính năng nổi bật nhất của Black Myth: Wukong. Kiến trúc của trò chơi được lấy cảm hứng từ văn hóa Phật giáo và được thể hiện qua các công trình nghệ thuật chạm khắc đá truyền thống của Trung Quốc. Bối cảnh của các màn đấu giữa nhân vật game và các yêu quái dựa trên những địa điểm có thật ở Trung Quốc, nhiều địa điểm trong số này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới như Quần thể hang động Vân Cương là một kiệt tác điêu khắc nghệ thuật về Phật Giáo cổ đại nổi tiếng của Trung Quốc từ tận thế kỷ thứ 5. Theo Yang Qi, để có thể tái tạo các ngôi đền cổ từ tác phẩm gốc một cách chân thật, nhóm phát triển game đã đi khắp Trung Quốc để tạo ra kho lưu trữ kỹ thuật số về kiến trúc cổ đại để phục vụ cho quá trình phác họa các công trình kiến trúc trong game.
Không chỉ nhấn mạnh vào yếu tố thị giác, trò chơi còn chú trọng đến các yếu tố văn hóa khác như võ cổ truyền của Trung Quốc thể hiện qua những chiêu thức đánh quái vật hay yêu ma của nhân vật Tôn Ngộ Không hay việc trong game có những đoạn hoạt hình tĩnh vật về những câu chuyện dân gian, huyền thoại khác nhau từ các truyền thống văn hóa và vùng miền được lưu truyền suốt hàng trăm năm lịch sử để thể hiện màu sắc đa dạng của Trung Quốc thời xưa.
Ngay trong ngày đầu ra mắt, trò chơi có đến 2,2 triệu người chơi cùng một lúc, trong hai tuần đầu đã bán ra 18 triệu bản, trở thành trò chơi bán chạy nhất tính đến thời điểm hiện tại và thu về doanh thu hơn 1 tỉ đô la Mỹ trong chưa đầy một tháng phát hành. Sự đột phá về doanh số của Wukong không chỉ thể hiện sự thành công trong việc phát triển trò chơi với các tình tiết diễn biến, sự dẫn dắt đối với người chơi qua các cấp độ mà còn là một ví dụ điển hình về sức mạnh ảnh hưởng văn hóa của nó đối với người chơi ở những khu vực khác nhau từ nhiều nền văn hóa trên thế giới. Nói không ngoa khi cho rằng trò chơi này chính là một phương thức hữu hiệu để mang văn hóa vào thế giới trực tuyến, nơi có sức lan tỏa đặc biệt sâu rộng trong thời đại Internet và từ đó tạo liên kết cho người chơi từ khắp mọi nơi đến thế giới thực.
Lĩnh vực giải trí, đặc biệt là trò chơi điện tử, là một công cụ mạnh mẽ trong truyền bá văn hóa vì nó thu hút đa dạng người chơi ở cấp độ cá nhân. Bằng cách tạo ra nội dung vừa mang tính giải trí vừa phong phú về mặt văn hóa, một trò chơi có thể tác động một cách tinh tế đến nhận thức của người chơi và kích thích sự tò mò của những người chưa biết đến nền văn hóa nhất định nào đó.
Sự nhanh nhạy đáng ngưỡng mộ của cấp quản lý địa phương
Vì Wukong sử dụng rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Sơn Tây đã nắm bắt lấy thời cơ này và phát hành một loạt video quảng cáo, giới thiệu nhiều địa điểm trong trò chơi, bao gồm chùa Vạn Phật, đền Ngọc Hoàng và chùa Treo giúp cho lượt tìm kiếm về du lịch Sơn Tây vào ngày trò chơi ra mắt tăng gấp đôi.
Không nói đâu xa, chính Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã tận dụng thành công việc xuất khẩu văn hóa của mình qua việc sử dụng anime và manga, Hàn Quốc tận dụng K-pop và phim truyền hình để thúc đẩy ảnh hưởng văn hóa của mình để thu hút khách du lịch, thu về hàng tỉ đô la doanh thu hàng năm. Sự thành công của một sản phẩm như Wukong có thể được coi là thương hiệu văn hóa chiến lược nhằm khai thác thị trường toàn cầu bằng các sản phẩm chất lượng cao, có ý nghĩa văn hóa, xây dựng hình ảnh của mình trong thị trường quốc tế một cách mạnh mẽ.
Cách Wukong được tạo ra không chỉ thể hiện mối quan tâm đến văn hóa của Trung Quốc mà còn để nâng cao hình ảnh của Trung Quốc thông qua việc kết hợp sử dụng công nghệ tiên tiến với văn hóa quốc gia. Việc tựa game này dựa trên tiểu thuyết Tây Du Ký vốn có tên tiếng Anh là Journey to the West, nghĩa là “hành trình về phương Tây” còn có thể mang hàm nghĩa là sự mở đầu của ngành game Trung Quốc với tham vọng vươn ra thị trường quốc tế, vốn đã bị các nước phương Tây thống trị từ lâu.
Thấu hiểu thị trường sâu sắc
Bí quyết thành công của nhà phát triển Black Myth: Wukong chính là sự thấu hiểu sâu sắc thị trường, nhu cầu của người chơi game và kết hợp với những giá trị văn hóa truyền thống giàu đẹp để tạo nên một sản phẩm độc đáo, có tâm và có tầm. Các giá trị văn hóa truyền thống của một quốc gia là một kho tàng ẩn mình trong thế giới hiện đại, từ Black Myth: Wukong cho thấy chúng không chỉ có giá trị tinh thần mà còn là chất liệu quý giá để tạo nên sản phẩm chất lượng cao trong thời đại mới.
Điều này không chỉ áp dụng trong ngành game mà còn là những kiến thức truyền thống trong muôn vàn những lĩnh vực khác như y học, nghệ thuật hay những nghề truyền thống đang dần thất truyền để tạo nên nét đẹp “kim cổ giao duyên”, làm giàu cho đất nước.
Suy cho cùng, nếu chỉ chú trọng duy tu, phát triển văn hóa mà không gắn liền với giá trị kinh tế thì sẽ xa rời thực tiễn và không bền vững. Việt Nam có thể rút được nhiều kinh nghiệm, bài học từ thành công của Wukong về vấn đề đẩy mạnh phát triển văn hóa. Đặc biệt khi gần đây Thủ tưởng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-Ttg ngày 29-8-2024 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, nhấn mạnh việc đẩy mạnh tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang giá trị văn hóa và kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân, góp phần phát triển đất nước.
Tuy nhiên, Black Myth: Wukong là một tựa game được sản xuất với kinh phí rất cao, tốn nhiều công sức và thời gian cũng như có sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ, do vậy sẽ không thực tế khi so sánh ngành công nghiệp trò chơi còn thiếu định hướng của Việt Nam với Trung Quốc trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, đây là một hướng đi tiềm năng, chính vì vậy, chúng ta cần có một cái nhìn thoáng hơn về ngành game từ phía chính phủ và các doanh nghiệp ở Việt Nam để ngày càng phát triển ngành công nghiệp giá trị tỉ đô la này.
(*) IP Paralegal, Hogan Lovells International LLP