Thứ tư, Tháng mười một 6, 2024

Từ truyện ngắn “Người tình sông Trà Bồng” đến kỹ năng hiểu biết điện ảnh

“Theo như Chuột kể thì cô ả tới bằng trực thăng trên chuyến hàng tiếp tế hàng ngày bay từ Chu Lai. Một ả tóc vàng cao, to xương. Chuột nói cô ả cùng lắm chỉ mười bảy tuổi, mới tốt nghiệp trung học trường Cleveland Heights. Ả có cặp giò dài, cặp mắt xanh dương, nước da giống màu kem dâu. Và rất vui vẻ thân thiện nữa. Nơi bãi đáp trực thăng sáng đó, Mark Fossie cười toe toét quàng tay qua người ả nói, “Nè tụi bây, đây là Mary Anne”. Cô gái có vẻ mệt và lúng túng, nhưng ả mỉm cười”.

Đây là một đoạn trích nằm trong truyện ngắn “Người tình sông Trà Bồng” kể câu chuyện một cô gái bay từ Mỹ sang thăm người yêu của mình ngay tại chiến trường Việt Nam¹. Mặc dù đề tài hơi khô khan nhưng truyện ngắn này khá thú vị và cho phép độc giả cảm nhận những chiều kích khác nhau về trong suy nghĩ và tâm tư của lính Mỹ nói riêng và người Mỹ nói chung đối với chiến tranh Việt Nam.

Càng thú vị hơn khi tác phẩm văn học này cũng được dựng thành phim với nhan đề “A Soldier’s Sweetheart”(2). Và tôi đã sử dụng đoạn trích nói trên cùng một vài cảnh quay của bộ phim trong tiết dạy đầu tiên về truyện ngắn này cho học sinh đang theo học chương trình tú tài quốc tế (IB).

Dạy văn qua phim thật ra không phải là chuyện gì mới bởi tôi đã từng dùng nhiều bộ phim Việt Nam để giúp học sinh tiếp cận tác phẩm văn học như “Chí Phèo” của Nam Cao, “Số Đỏ” của Vũ Trọng Phụng, “Chị Dậu” của Ngô Tất Tố, “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư hay như “Giã từ vũ khí” của Ernest Hemingway, “Bà Bovary” của Gustave Flaubert, “Người tình” của Marguerite Duras… Nhưng sau quá trình dạy và học – tôi muốn nhấn mạnh chữ HỌC dành cho chính bản thân người thầy – tôi nghiệm ra rằng giáo viên không thể chỉ đơn thuần dùng phim để minh họa cho văn học mà còn phải trang bị thêm kiến thức về nghệ thuật điện ảnh.

Trong quyển sách “Để trở thành nhà biên kịch phim truyện”, tác giả là nhà văn, nhà viết kịch và biên kịch điện ảnh Nguyễn Quang Lập cho biết ngôn ngữ điện ảnh khác với ngôn ngữ văn học. Ngôn ngữ văn học chỉ có chữ văn, không ai tính phần trang trí của chữ. Trong khi đó, ngôn ngữ điện ảnh lại được hỗ trợ bởi âm thanh, tiếng động lửa khói, âm nhạc… tạo ra một phương thứ hai của ngôn ngữ điện ảnh.

Theo nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng người Pháp Marcel Martin, hình ảnh trong phim không chỉ có ý nghĩa trực tiếp mà còn hàm ý bổ sung, ẩn dụ, tượng trưng và biểu đạt hiện thực sâu sắc. Mặc dù cũng có những biện pháp tu từ văn học như so sánh hay ẩn dụ, ngôn ngữ điện ảnh có dung lượng biểu đạt lớn hơn nhiều. Ví dụ như phim chỉ cần ba giây để cho thấy một cơn lốc khủng khiếp, trong khi để viết ra được sự khủng khiếp của một cơn lốc bạn sẽ phải viết không dưới 500 từ.

Việc phân tích và đánh giá một bộ phim còn đòi hỏi nhiều chi tiết khác không có trong văn học như diễn viên, ánh sáng, góc quay, màu sắc. Đây có thể là sự lựa chọn có chủ ý của đạo diễn, nhà sản xuất hay biên kịch – cũng như những từ ngữ được tác giả của tác phẩm văn học lựa chọn. Tuy nhiên, văn học và điện ảnh cũng kết hợp những yếu tố giống nhau như cốt truyện, nhân vật, đối thoại, bối cảnh, biểu tượng và có thể được phân tích về mục đích và tác dụng theo cách tương tự.

Với “Người tình sông Trà Bồng” hay các tác phẩm văn học khác, tôi thường gửi đường link phim để học sinh xem một tuần trước tiết học và sau đó chọn một vài cảnh cho các em cùng xem và thảo luận trong lớp. Hầu như tất cả học sinh của tôi từ trước đến nay sau khi xem phim ở nhà hay trong lớp đều chia sẻ rằng mặc dù vất vả, tác phẩm văn học vẫn cho người đọc những trải nghiệm và hiểu biết sâu sắc hơn. Nhưng quan trọng hơn hết là nhờ kết hợp xem phim, các em tỏ ra thích thú với môn học và thể hiện nỗ lực những cụ thể qua phát biểu, trình bày và làm bài luận.

Bốn nội dung cần phân tích trong một bộ phim

Theo nhiều nhà nghiên cứu, phim là công cụ hiệu quả trong giảng dạy và có thể giúp phát triển người học theo những phong cách khác nhau. Với những người học bằng thị giác (visual learner) hay bằng thính giác (auditory learner), năng lực tiếp thu, nắm bắt và lưu giữ thông tin có thể được tăng lên nhờ hình ảnh, lời thoại hay âm nhạc. Việc cùng xem phim và thảo luận có thể làm buổi học thêm sinh động và tạo mối quan hệ gắn bó giữa thầy trò và bạn bè trong lớp với nhau.

Thỉnh thoảng tôi cũng cho các em xem những đoạn phim tài liệu liên quan đến bối cảnh lịch sử văn hóa của một tác phẩm nào đó hay những chia sẻ trên mạng xã hội về cuộc sống cá nhân hay về một vấn đề thời sự có liên quan. Trước khi bắt đầu dạy “I am đàn bà” của Y Ban, tôi dùng video “Mẹ của tớ là Ô sin” là câu chuyện về một người mẹ Việt sang Đài Loan giúp việc nhà(3). Nhiều nữ sinh đã xúc động đến chảy nước mắt khi liên tưởng đến hình ảnh của người thân của mình ở quê nhà, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 đã khởi phát và các em không thể về Việt Nam trong các kỳ nghỉ.

Về mặt xã hội, nhìn chung phim mang đến nhiều ảnh hưởng tích cực. Một bộ phim hay sẽ truyền cảm hứng cho người xem về nhiều mặt như giúp đỡ người khác hay làm điều tốt. Một bộ phim lãng mạn nhắc nhở chúng ta tại sao tình yêu lại quan trọng và hiểu rằng cuộc đời này đáng sống, từ đó hiểu bạn đời hay người thân của mình hơn.

Phim còn tạo ra nhận thức về nhiều khía cạnh của cuộc sống như cải thiện hệ thống giáo dục, tác động tiêu cực của ma túy, rượu và chất gây nghiện. Phim hành động cảnh báo chúng ta về sự nguy hiểm của các hoạt động tội phạm, khủng bố và chiến tranh.

Cái ác trong phim có khi không bị trừng trị có thể làm khán giả tức tối nhưng về nghệ thuật, đây được xem là kết thúc mở với thông điệp cảnh báo rằng cái ác vẫn còn ẩn ở đâu đó và có thể sẽ tái xuất hiện, rằng con người hãy luôn cẩn trọng, đừng chủ quan, đừng tạo cơ hội để cái ác bùng lên. Phim gắn liền với một nền văn hóa cụ thể và phản ánh những gì con người tin tưởng và cách thức tồn tại.

Phim giúp con người thấy những điểm yếu và điểm mạnh của mình và khi niềm tin và suy nghĩ bị thách thức, chúng ta sẽ tự vấn bản thân và đón nhận sự thay đổi. Mặc dù hư cấu nhưng phần lớn các bộ phim đều dựa vào thực tế sinh động của cuộc sống và nhờ nghệ thuật thứ bảy, con người có thể thưởng lãm những bức tranh chân thực và sống động, liên kết người già với người trẻ, nối hiện tại với quá khứ và bắt cầu sang tương lai.

Lẽ đương nhiên, phim cũng có những tác động tiêu cực như khiến con người vô cảm, thờ ơ thậm chí dửng dưng trước sự tồn tại của bạo lực và đau khổ của người khác. Việc khai thác các yếu tố nhạy cảm như khỏa thân, tình dục, ngoại tình để thu hút khán giả có thể chấp nhận được về mặt nghệ thuật hay phản ánh một phần thực tế cuộc sống nhưng điều này cũng dẫn đến nguy cơ “bình thường hóa” những hành vi không lành mạnh và vô đạo đức trong xã hội.

Mặc dù phim không phải là nguyên nhân chính làm phát sinh tệ nạn xã hội như ma túy, băng đảng, tội phạm, cưỡng hiếp nhưng không thể phủ nhận rằng thanh thiếu niên không được gia đình quan tâm chăm sóc có xu hướng phạm tội nếu bị tác động bởi những “ngôi sao” trong các bộ phim mà các em đã “phơi nhiễm”. Tuy nhiên, nhìn vào sơ đồ các tác động của phim ảnh, chúng ta có thể thấy phim có tác động tích cực nhiều hơn tiêu cực và người lớn có nghĩa vụ chọn nội dung phù hợp với đối tượng để tâm hồn thanh thiếu niên không bị vấy bẩn và tránh suy nghĩ lệch lạc.

Thực tiễn dạy và học trong môi trường quốc tế đã giúp tôi nhận thức được tầm quan trọng của kiến thức về điện ảnh không chỉ đối với học sinh, giáo viên và mọi thành viên trong xã hội. Nhưng kiến thức thì phải bắt đầu từ nhà trường và nên chăng kịch nghệ và điện ảnh cần được chính thức dạy song hành cùng môn văn trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.

Nhìn xa hơn, các nhà quản lý văn hóa và giáo dục của ta từ trung ương xuống địa phương cần được trang bị bài bản những kiến thức và kỹ năng hiểu biết điện ảnh (film literacy), tức là mức độ hiểu biết về phim, khả năng tỉnh táo cởi mở và tò mò trong việc lựa chọn phim, năng lực xem một bộ phim với tư duy phản biện và khả năng phân tích nội dung, kỹ thuật quay phim và các khía cạnh kỹ thuật của nó, và khả năng sử dụng ngôn ngữ và tài nguyên kỹ thuật của một bộ phim trong việc tạo ra những âm thanh và hình ảnh có ý nghĩa.

————

(1) Nằm trong tập truyện “Những thứ họ mang” của nhà văn Mỹ Tim O’Brien. Nguyên tác tiếng Anh: “The Things They Carried”. Dịch giả: Trần Tiễn Cao Đăng. Nhà xuất bản Văn học, năm 2011.

(2) https://www.youtube.com watch?v=kZq-RMMsadU

(3) https://www.youtube.com/watch?v=hr2cvBrr-vs

Lê Hữu Huy

 Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Theo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Kỹ xảo điện ảnh với phim trong nước bị ‘chê’, vì...

0
(SGTT) - Kỹ xảo điện ảnh có mặt ở Việt Nam từ khoảng hai thập niên qua, nhưng chỉ được biết đến là làm...

Phim Việt nỗ lực ‘dò tìm’ thị trường quốc tế phù...

0
(SGTT) - Năm 2023, phim Việt đã xuất hiện ở các phòng vé nhiều quốc gia, đây không chỉ là dư địa kế tiếp...

Nhà làm phim ‘chạy nước rút’, phim kinh dị tạo cú...

0
(SGTT) - Tổng doanh thu của ngành công nghiệp phim ảnh Việt Nam đã vượt qua con số 1.100 tỉ, phòng vé năm nay...

Phòng vé năm 2023 ‘lập đỉnh’ doanh thu, nhưng vẫn còn...

0
(SGTT) - Trong năm 2023, phòng vé liên tiếp xuất hiện các dự án đạt trăm tỉ, tuy số lượng phim Việt ra rạp...

Đưa chất điện ảnh vào phim video thu phí, mở ra...

0
(SGTT) - Phim truyện sản xuất theo loạt (series) với chất lượng cao trình chiếu trên các nền tảng VOD (Video On Demand) đang...

Ra quốc tế, phim Việt bước vào đường dài ‘xuất khẩu’...

0
Có nhiều con đường để đưa phim Việt khai thác thị trường nước ngoài. Tuy vậy, để quảng bá nghệ thuật phim ảnh đến...

Kết nối