Mấy tháng nay, báo chí và mạng xã hội lùm xùm chuyện từ thiện của các ngôi sao. Và hình như, hai chữ “từ thiện” bị lạm dụng. Việc làm từ thiện bị hiểu là việc có những chủ đích phía đằng sau, không phải từ bản thiện của con người. Có người làm từ thiện vì sợ Chúa, sợ Phật hay vì kiếp sau, vì muốn tích đức cho con cháu hoặc để trả nghiệp. Còn có người nhằm PR hình ảnh hoặc nhiều ý đồ khác nữa...
Quả thật hành động từ thiện, có khi nhìn bên ngoài thì giống nhau nhưng mục đích thì một trời một vực và không phải ai cũng nhìn thấu. Nhưng dù với mục đích gì, người cho đi thường được nhận lại tình cảm, lòng biết ơn và cả những thứ không thể mua bằng tiền. “Tiếng lành đồn xa”, tự thân việc nhân nghĩa, nếu thật lòng, đã có sức lan tỏa mạnh mẽ mà không cần khua chiêng gõ trống.
“Từ thiện” là từ Hán Việt (慈善), được ghép bởi hai từ: “từ” là thương yêu và “thiện” là tốt lành, nghĩa là làm việc tốt xuất phát từ lòng yêu thương người khác, từ lòng tự nguyện và bất vụ lợi.
Nhưng có những đơn vị, cá nhân nhân danh từ thiện để quảng cáo, để đánh bóng hình ảnh. Người bình thường làm việc gì cũng phải rõ ràng, ví như khi đứng ra nhận tiền bạc, quà tặng từ khắp nơi ủng hộ việc thiện thì cần minh bạch. Việc sao kê và báo cáo thu chi là chuyện đương nhiên phải làm, cũng là để lưu giữ bằng chứng cho mình, không phải chờ đến lúc dư luận lên tiếng đòi hỏi thì mới lật đật trưng ra, rồi lấp liếm, chống chế, thậm chí còn thách thức.
Dư luận có quyền thắc mắc, nên nếu tâm ngay lòng thẳng thì sẵn sàng lắng nghe và chứng minh, hà cớ gì phải đôi co, ngụy biện. Khi bị săm soi và đòi công khai thu chi, có nghệ sĩ còn la làng dọa rằng “nếu nghệ sĩ không làm từ thiện nữa thì lấy ai cứu đồng bào miền Trung”. Dư luận bây giờ không dễ bị... xỏ mũi. Giờ ai còn nói “dân ngu khu đen”? Không đâu, dân tình ngày nay không còn ngu dù khu chưa trắng!
Cứ nhìn hành vi thì biết nhân cách. Cá nhân tôi thì không chịu nổi kiểu tặng vật phẩm mà sơn, khắc chình ình tên họ người tặng, thậm chí với đủ các chức danh, học hàm, học vị, địa chỉ, số điện thoại... Đó chính là hành vi đổi quảng cáo. Chưa kể nếu là tiền của mạnh thường quân còn tên tuổi ghi ơn kia là của người đi trao thì đó là hành vi gian dối, chiếm đoạt uy tín.
Những thói khoe khoang kệch cỡm đó có mặt khắp nơi trên đất nước này qua các tặng phẩm (nhiều nhất là các ghế đá) đặt ở các đền thờ, nhà lưu niệm..., cho đến các cơ sở tôn giáo. Gần đây còn rộ chuyện mai rùa bị khắc chữ, khắc tên nhà tài trợ phóng sinh. Liệu điều đó có vi phạm luật bảo vệ động vật hoang dã? Thế giới nghĩ sao về những hành vi quái dị này? Ngay những căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa mang danh của “đại đoàn kết” hay “nghĩa tình đồng đội” mà cũng gắn cái “biển báo” ngay ở cửa ra vào, cứ như sợ người nhận vô ơn mà quên béng.
Nét lố bịch này còn ra tận quần đảo xa xôi. Ngôi chùa duy nhất trên đảo có cái bảng công đức to tướng của đại gia tài trợ. Còn đến chùa lớn thì thấy cả một khu vườn, không rõ ai là tác giả, nhưng họ tập trung những khối đá to, đẹp, nằm bên cây bồ đề rủ bóng, nhiều vị quan chức được khắc tên trên một khối đá. Trộm nghĩ ngộ lỡ có vị nào bị kỷ luật hay đi tù thì phải đi đục tên? Hay cứ theo ý tưởng đó thì các vị về sau liệu có còn chỗ để vào khu vườn này?
Chẳng rõ những thói tật này bắt đầu từ đâu nhưng cần có một cuộc chiến quyết liệt chống lại thói phô trương, hình thức, làm việc gì cũng thích kể lể, mượn danh, mạo danh.
Ở một diễn biến khác trong thực tế xã hội hiện nay, hàng trăm nhóm thiện nguyện hào nghĩa đang ngày đêm lăn xả chống dịch, như một loại “oxy cuộc sống” giúp người dân vượt qua giai đoạn ngặt nghèo. Trong đó cũng có người nổi tiếng, có người dư dả, nhưng phần lớn thì thuộc diện “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Họ tình nguyện làm từ thiện đúng nghĩa, vô vị lợi, chứ không làm để tự sướng, khoe khoang, hay để “câu view”.
Nói cho cùng kể công không phải là cái tội, nhưng đừng nhân danh từ thiện. Còn những ai ăn chặn tiền từ thiện thì phải bị xử phạt tội chiếm đoạt tài sản, thậm chí cần áp khung hình phạt nặng vì những tác hại trên diện rộng, thậm chí là hậu quả nghiêm trọng gây ra bởi sự ảnh hưởng của “người nổi tiếng”, “người của công chúng”.
Của cho không bằng cách cho và thời điểm cho. Từ thiện cốt ở chữ “TÂM”.
Nguyễn Vũ Mộc Thiêng
Theo KTSG