(SGTT) - Dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ô nhiễm, được cư dân gọi là "kênh nước đen" năm nào, nay đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn du khách mỗi khi tới TPHCM.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 10 km, chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, đổ ra sông Sài Gòn. Ít ai biết rằng, để tổ chức được tour du lịch trên con kênh là cả quá trình khá gian nan.
Chuyện về một dòng kênh…
Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, rạch Thị Nghè nằm trên đoạn sông Bình Trị (thuộc tổng Bình Trị xưa) cùng với rạch Bến Nghé tạo nên một vòng cung bao quanh thành phố Sài Gòn như một tuyến phòng thủ trước khi đổ vào sông Sài Gòn.
Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng từng là kênh đẹp bậc nhất của Sài Gòn xưa: “… Coi ngoài rạch Bà Nghè, dòng trắng hây hây tờ quyến trải/ Ngó lên giồng Ông Tố, cây xanh nghịt nghịt lá chàm rai…”. Bài Phú cổ Gia Định do Vương Hồng Sển sưu tầm, chép lại trong sách Tập thành, đã miêu tả vẻ đẹp thoáng đãng, trong xanh của con kênh này như thế.
Thời ấy, dòng Bình Trị xanh ngắt. Vùng Thị Nghè xưa có ruộng tịch điền, có đàn Xã tắc, có miếu thờ Thần Nông, đàn Tiên Nông (nay là khu vực Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè), có Văn Thánh miếu thờ Khổng Tử, trường tỉnh Gia Định (nay là khu vực Văn Thánh), có các cơ sở công nghiệp vang danh một thời như hãng chén (nay là Công ty Sứ Thiên Thanh), hãng dầu Phú Mỹ, hãng ô tô buýt (nay là trường Phú Mỹ, gần cầu Ngô Tất Tố), có nhà in đầu tiên ở Sài Gòn...
Theo Bách khoa toàn thư (tiếng Việt), từ giữa thập niên 60, rạch Thị Nghè, cùng với rạch Bến Nghé - Tàu Hủ, bắt đầu bị nhà dân lấn chiếm. Sau năm 1975, việc cải tạo môi trường nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng bị lãng quên và dòng kênh trở nên ô nhiễm nặng.
Trong ký ức tuổi thơ của nhiều người Sài Gòn, hình ảnh kênh Nhiêu Lộc luôn là “đen ngòm, hôi thối, toàn những khu nhà ổ chuột…”. Có lẽ, hình ảnh “dòng sông quê em trong xanh, uốn khúc....” chỉ xuất hiện trong bài văn tả cảnh của mấy cô cậu học sinh tiểu học thời bấy giờ tưởng tượng!
Thế nhưng từ năm 2003 đến nay, vượt qua rất nhiều trở ngại, công trình thế kỷ cải tạo môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cơ bản được hoàn thành. Cả một hệ thống đường hầm thoát nước thải dài 9 km, rộng 3,2 mét và cao 3 mét được xây dựng bên dưới, ngay chính giữa con kênh dẫn đến nhà máy xử lý nước thải Ba Son và có nhiều đường hầm xương cá nhỏ nối với các cống hai bên bờ.
Giờ đây, dòng kênh đã xanh trở lại. Đàn cá đã tung tăng bơi lội. Hai bên bờ, cây xanh toả bóng mát. Nhịp sống Sài Gòn, nhất là ẩm thực đường phố đã rộn rã hai bên bờ kênh. Chúng ta có quyền mơ về các lễ hội trên kênh như đua thuyền, thả hoa đăng vào một ngày không xa!
Thành tour du lịch độc đáo
Tháng 9-2015, tour du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có tổng chiều dài 4,5 km, nằm lọt trong lòng thành phố, đi qua địa bàn các quận 1, 3, Bình Thạnh và Phú Nhuận đã chính thức được Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn (Saigon Boat) đầu tư và khai thác.
Thưởng ngoạn tour này, thuyền sẽ đưa du khách đi chầm chậm để có dịp chiêm ngưỡng một phần vẻ đẹp của thành phố với 9 cây cầu bắc qua dòng kênh. Hành trình trải nghiệm đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc không chỉ mang lại cho du khách cảm giác thư thái, nhẹ nhàng với không gian thoáng đãng mà còn giúp cho những ai muốn nghiên cứu về loại hình tour mới “go green tourism” (loại hình du lịch tìm về những nơi từng ô nhiễm được trả lại giá trị xanh ban đầu vốn có hay rác thải được tái chế thành vật hữu ích phục vụ du lịch - PV).
Trải nghiệm tour, chúng ta cũng sẽ có cơ hội được học lịch sử trực quan chính từ các cây cầu bắc ngang dòng kênh với các câu chuyện về thành Gia Định - Thị Nghè xưa hay đơn giản là lơ đãng ngắm nhìn đèn Sài Gòn “ngọn xanh ngọn đỏ” và cảnh sinh hoạt tấp nập của người dân hai bên bờ kênh.
Ít ai biết được rằng, tổ chức tour trên con kênh là cả quá trình khá gian nan. Để kinh doanh được dưới nước cần rất nhiều giấy phép như giấy chứng nhận đảm bảo an toàn môi trường, môi sinh…. Người lái đò cũng phải qua đào tạo rất kỹ lưỡng. Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Saigon Boat cho biết, hiện nay công ty có các loại thuyền phục vụ cho nhóm 4 người, 10 người, 20 người và 49 người.
“Tùy theo nhu cầu của khách để chúng tôi sắp xếp du thuyền hợp lý”, ông nói. Khách du ngoạn trên thuyền sẽ được nghe các nghệ sĩ ca tài tử, thổi harmonica/kéo đàn violin, biểu diễn xiếc… hay thưởng thức những bản nhạc trữ tình, ăn nhẹ và ngắm nhà cao tầng, các khu cao ốc, trung tâm hiện đại của TPHCM…
Trước khi dịch bệnh Covid-19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam, tour Vọng Nguyệt đưa du khách ngóng trăng, thưởng trà, ngắm các vũ nữ Apsara múa khúc Nghê Thường dâng thần linh, trò chuyện cùng chị Hằng đang soi bóng xuống dòng kênh đen một thời của Sài Gòn hay ngắm hoàng hôn trên kênh Nhiêu Lộc, nghe nhạc violin, xem ảo thuật và thả hoa đăng mong cầu bình an… đã thu hút một lượng lớn du khách trong nước.
Thuyền cứ lướt nhẹ trên mặt nước lung linh chở theo ước mơ và hoài vọng của một thành phố trẻ, sống động từng ngày!
Phan Yến Ly
Phan Yến Ly có thể xem là một trong những chuyên gia trong lĩnh vực du lịch khi chị đã có hơn 30 làm việc trong ngành. Hiện chị đang là giám đốc về nghiên cứu và phát triển sản phẩm (trong đó có sản phẩm du lịch) của một công ty lớn đóng trên địa bàn TPHCM.