Nổi lửa trên... mạng Internet, nhưng lại truyền tải những giá trị hoàn toàn thực đến nhiều người Việt, đó là điều những căn bếp “ảo” nổi tiếng đang làm. Khởi nguồn từ đam mê ẩm thực hoặc mong muốn chia sẻ những điều nho nhỏ, vụn vặt trong cuộc sống, những căn bếp này dần dần trở thành nơi tụ họp, chia sẻ và làm việc của nhiều con người chung sở thích.
Xuất phát giản dị
Bắt đầu từ một trang blog (nhật ký trực tuyến) trên Yahoo 360 (một trong những dịch vụ mạng xã hội đầu tiên trước khi Facebook ra đời), rồi sau này là WordPress (một trong số các nền tảng nhật ký trực tuyến), căn bếp nổi danh nhất cộng đồng mạng mang tên Bếp Rùa có lẽ là nơi mở màn cho làn sóng blog ẩm thực tại Việt Nam. Mục đích ban đầu khi làm blog này của Khai Tâm - chị hiện đang sống cùng gia đình ở Nhật Bản - chỉ để kể những câu chuyện gia đình dung dị, nhẹ nhàng nơi xứ người và là cầu nối với gia đình bè bạn tại Việt Nam. Càng về sau, những câu chuyện nhỏ gắn liền với mỗi món ăn lại càng lan rộng. Yahoo 360 đóng cửa, chị sang WordPress “xây nhà mới”. Sau 12 năm ở nhà mới, đã có gần 18 triệu lượt “khách” vào ra, gần 8.000 lượt theo dõi cùng cộng đồng Bếp Rùa rộng lớn trên mạng xã hội.
Tiếp theo, khi Internet phổ biến hơn và người ta có điều kiện tự tay làm bánh ngọt, bánh mì theo công thức phương Tây, thì có thêm nhiều “căn bếp” mới như Savoury Days - blog làm bánh của tiến sĩ kinh tế Linh Trang, Esheep Kitchen của Phan Anh... Tới khoảng năm 2017, khi xu hướng ăn thuần thực vật (vegan) và thực dưỡng nổi lên, thì những tên tuổi như Bếp thực dưỡng, Ducan Kitchen... xuất hiện.
Điều những blogger này mang đến không chỉ dừng lại ở dạng bài viết như những năm 2000, mà dần dần có thêm ảnh chụp, rồi video recipe (công thức làm dưới dạng video), sách công thức... được đầu tư vô cùng tỉ mỉ. Chất lượng ảnh ban đầu chỉ là chụp dạng minh họa, thì bây giờ còn được thiết kế, trang trí nhằm mang lại cảm giác “ngon mắt” cho người xem. Video cũng vậy, không dừng lại ở mô tả chi tiết cách làm, mà còn chia sẻ kinh nghiệm để làm bánh thành công, hay khám phá ẩm thực của vùng đất mới... Dần dần không còn đơn thuần là cuốn sổ ghi chép công thức nấu ăn nữa, mà trở thành một xã hội thu nhỏ, nơi những người có chung sở thích ẩm thực quây quần với nhau.
Trụ vững giữa “rừng” blog ẩm thực
Thật ra, xu hướng viết blog ẩm thực không còn là điều xa lạ trên thế giới. Khi nước bạn đã đi đến trình độ làm video recipe như một phim ngắn, có mở đầu kết thúc, câu chuyện đàng hoàng, thì ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các bước 1, 2, 3 rồi thẳng tới... ảnh thành phẩm. Thế nhưng, những blog ẩm thực Việt đã tìm ra được công thức để trụ lại rất vững trong lòng người xem.
Đơn cử như blog Bếp Rùa, vẫn giữ nguyên sự giản dị là những câu chuyện nhỏ, một vài công thức bánh trái và ảnh do chính tay chị Khai Tâm chụp, không có video, không lớp học nào được tổ chức, vẫn thu hút hàng ngàn người ghé thăm. Một số món Việt của chị còn được coi là “công thức chuẩn”. Những người trẻ hơn, như Phan Anh, Linh Trang thì có sự đầu tư vào video và kênh YouTube. Tựu trung câu trả lời nằm ở chỗ, mỗi blogger (người viết nhật ký trực tuyến) này đều tạo dựng được chất riêng cho mình - thứ mà công nghệ không thể ảnh hưởng được. Ở Bếp Rùa, đó là những câu chuyện vụn vặt về con cái, vợ chồng kèm theo bữa ăn gia đình, luôn khiến người đọc thấy ấm áp và mong muốn về nhà làm những điều tương tự. Ở Savoury Days, việc làm bánh tỉ mỉ y chang làm... nghiên cứu của cô tiến sĩ trẻ tuổi khiến độc giả an tâm tham khảo. Công thức một món bánh của Linh Trang có thể dài gấp 3, 4 lần người khác. Vì ngoài việc đưa công thức, chị còn tỉ mỉ tìm hiểu, giải thích tại sao làm thế này làm thế kia rồi đánh bông lòng trắng tới mức bông mềm và bông cứng có tác dụng như thế nào, đánh bơ bị tách nước thì cứu chữa ra sao... đều là điều nhiều blogger khác không làm được.
Hay ở Esheep Kitchen, Phan Anh gợi lại rất nhiều công thức món Việt dạng cổ điển, như bánh trôi bánh chay làm từ bột được bồng ráo nước giống ngày xưa, chứ không phải bột khô “đánh nhanh thắng nhanh” như bây giờ. Những chuyến đi khám phá ẩm thực nước ngoài của cô nhà báo giỏi giang này cũng rất lôi cuốn. Trong khi Bếp thực dưỡng, gần như là blog chỉn chu, khoa học nhất về lối ăn thực dưỡng ở Việt Nam thì hấp dẫn bởi lối bài trí đẹp mắt, giảng giải ngắn gọn, dễ hiểu. Ducan Kitchen, một căn bếp mới nổi khoảng hai năm trở lại đây, lại đem đến những bữa ăn giàu năng lượng cho người ăn chay.
Một lợi thế nữa của các blog ẩm thực Việt là không phải bà mẹ nào cũng đủ trình độ tiếng Anh, tiếng Pháp lang thang trên mạng tìm công thức bánh. Việc Việt hóa của các chủ blog giúp họ tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều. Tương tác giữa blogger với người đọc cũng là điểm cộng trong thời đại số. Giả như bạn đang làm món mứt dâu, mà hoang mang không biết lửa lớn là thế nào, bạn có thể hỏi và được hỗ trợ rất nhanh chóng.
Những món ăn, dù lên hình đẹp hay xấu, thất bại hay thành công, cũng khiến người xem có mong muốn gác lại công việc căng thẳng, xắn tay vào bếp nấu cho nhau ăn. Sự ấm áp đó, thật may, là điều không hề ảo mà những căn bếp đang giữ được.
Hà Bi