(SGTTO) - Bánh canh là món ngon không kén người ăn và hầu như có mặt ở khắp các vùng miền. Đặc biệt ở miền Tây, bánh canh đã trở thành một niềm tự hào của người dân nơi đây. Ngoài bánh canh cá lóc, bánh canh tôm nước cốt dừa… món bánh canh đậm đà hương vị miền Tây gây lưu luyến nhớ thương nhất phải kể đến là bánh canh bột xắt.
Tên gọi là bánh canh bột xắt vì khi chế biến, bột bánh canh được cán mỏng và xắt thành từng sợi nhỏ vừa ăn. Gạo đem vo sạch, ngâm mềm rồi xay thành bột nước. Sau đó cho vào túi vải đăng cho thật ráo nước. Bóp bột đã đăng ra mâm, dùng nước thật sôi rưới đều lên bột (gọi là sú bột). Tiếp theo nhồi bột cho đều sao cho bột sú không quá khô cũng không quá nhão. Vo thành từng cục bột nhỏ vừa đủ để có thể cán dẹp dán vào thành chai thủy tinh. Sau đó phải khéo léo vừa cầm cổ chai, vừa lăn vòng chai, vừa đưa lưỡi dao bén ngót xắt đứt từng miếng bột gạo thành sợi rơi vào nồi nước đun sôi.
Bánh canh được làm hoàn toàn bằng tay, người làm lâu năm sẽ có kinh nghiệm và khéo tay, xắt bánh sao cho sợi bánh thật đều và đẹp mắt. Điều quan trọng nhất trong khâu làm bánh canh là chọn gạo. Cần chọn loại gạo khô, không quá dẻo. Để bột gạo giữ được mùi thơm đặc trưng và không bị chua, người ta thường dằn chút muối. Một số người thêm nước cốt dừa vào phần bột, thậm chí cả phần nước dùng khi nấu bánh canh nhằm tăng vị béo.
Bánh canh bột xắt ở Miền Tây có hai loại: mặn và ngọt. Bánh canh bột xắt ngọt được nấu với nước cốt dừa béo ngậy. Banh canh bột xắt mặn sẽ được nấu cùng với thịt và huyết vị, không giống với các loại bánh canh thông thường khác. Đặc sắc hơn, người miền Tây cũng sáng tạo biến tấu với cách trộn huyết vịt với gạo nếp tạo thành món huyết nếp lạ miệng. Vịt ở đây phải là vịt xiêm chứ không phải các loại vịt trắng, vịt cỏ khác bởi vịt xiêm là loại vịt có thịt ngon, không hôi, không nhiều mỡ, độ dai của thịt cũng vừa đạt chuẩn.
Đặc biệt, do được làm thủ công từ bột gạo nên phần nước của món bánh canh bột xắt thường có độ sền sệt chứ không trong veo như các loại bánh canh khác. Và chính độ sền sệt đậm vị này đã tạo sự khác biệt cho món ăn cũng như khiến món ăn trở nên ngon vị hơn rất nhiều. Có thể thêm nấm rơm, cà rốt và lòng vịt để tăng vị ngọt hoặc thêm dầu điều hoặc dầu ớt cho đẹp màu nước dùng bánh canh. Nồi bánh canh bột xắt thịt vịt khi vừa sôi thì trông hấp dẫn vô cùng bởi váng mỡ vàng của vịt nổi lên trên kèm thêm mùi thơm của món ăn bốc lên nức mũi.
Theo đó, bánh canh bột xắt thịt vịt thì phải ăn với nước mắm gừng mới đúng kiểu. Nước mắm được nêm nếm thêm đường, nước cốt chanh, ớt băm nhuyễn và gừng giã nát nên vừa có vị mặn của nước mắm, vị ngọt của đường, vị chua của chanh, vị cay của ớt và vị nồng của gừng. Bánh canh bột xắt thịt vịt có nước dùng thơm ngon kết hợp cùng sự dai của sợi bột và thịt vịt ngọt thơm mang đến hương vị hấp dẫn. Thưởng thức những sợi bánh canh dẻo, miếng huyết nếp béo bùi, thịt vịt dai dai, chấm với chén mắm gừng chua ngọt, cay nồng, thêm hành phi, tỏi phi giúp cho hương vị thêm đậm đà.
Giờ cơm trưa đã gần đến, bạn và đồng nghiệp có thể tìm đến các địa chỉ sau đây để thưởng thức món bánh canh đặc trưng miền Tây: Bánh Canh Bột Xắt Cô Ba (quận Bình Thạnh), Bánh Canh Bột Xắt Đồng Quê (quận 1), Bánh Canh Bột Xắt Miền Tây (quận Bình Tân), Phương Duyên - Bánh Canh Bột Xắt (quận 6), Bánh Canh Bột Xắt - 731 Hưng Phú (quận 8), Quán 617 - Bánh Canh Bột Xắt (quận 5)… Theo đó, một phần bánh canh bột xắt miền Tây có giá bán khoảng 40.000 – 60.000 đồng.
Bạn cũng có thể nấu món ăn này tại nhà theo công thức sau đây:
Lâm Như tổng hợp