(SGTT) - Một tô bánh đa cua Hải Phòng với gạch cua béo ngậy quyện cùng bánh đa mềm dai, chả lá lốt thơm ngon điểm thêm chút vị cay của ớt, hành phi giòn tan sẽ khiến thực khách nhớ mãi không quên.
Hải Phòng - thành phố biển Việt Nam nổi tiếng với nhiều món ăn hấp dẫn được chế biến từ các loại hải sản tươi ngon, bổ dưỡng. Trong đó, bánh đa cua (canh bánh đa) được xem là nét đặc trưng của ẩm thực đất cảng, thu hút thực khách gần xa.
Bánh đa cua là món ăn gắn bó lâu đời và là niềm tự hào của người dân Hải Phòng. Theo đó, làng Lạng Côn (Đông Phương, Kiến Thụy, Hải Phòng) là nơi bắt nguồn của món ăn này. Bánh đa đã được biến tấu so với phiên bản truyền thống chỉ nấu bằng nước sôi, thêm một số nguyên liệu và trở thành bánh đa cua hấp dẫn, được ưa chuộng khắp nơi.
Nguyên liệu của bánh đa cua hoàn toàn dân dã và phổ biến trong ẩm thực miền Bắc như cua đồng, lá lốt, rau muống... Một tô bánh đa cua Hải Phòng chuẩn vị phải đầy đủ ba nguyên liệu chính gồm bánh đa đỏ, cua đồng và rau muống giòn. Ngoài ra, xương ống, tôm nõn, gia vị nấu nước lẩu riêu cua cùng một vài loại rau ăn kèm cũng là nguyên liệu không thể thiếu khi chế biến món ăn.
Khâu lựa chọn nguyên liệu quyết định phần lớn đến hương vị của bánh đa cua. Do đó, nên chọn cua đồng cái còn đủ chân, di chuyển nhanh nhẹn và có màu sáng đục ở mai vì sẽ cho nhiều thịt, gạch hơn. Điều đặc biệt của bánh đa cua Hải Phòng chính là bánh đa đỏ, đặc sản của vùng đất này. Khác với bánh đa thông thường, bánh đa đỏ có màu nâu đậm, được tráng khá kỳ công, sợi bánh mỏng, mềm và dai, có vị giòn do người làng Dư, Hàng Kênh sản xuất.
Phần nước dùng của bánh đa cua Hải Phòng được chế biến khá kỳ công và đòi hỏi sự tỉ mỉ cao. Cua sau khi sơ chế, đem thân cua giã cho mịn rồi cho nước vào khuấy đều để thịt cua tan ra, lọc bỏ xác, thịt và nước cua tách riêng. Ninh sườn với nước cua trong lửa nhỏ khoảng nửa giờ cùng vài củ hành khô (nướng xém vàng, bóc vỏ) cho thơm. Khi nước sôi, cho cà chua đã phi thơm với gạch cua vào, nêm nếm gia vị cho vừa ăn là hoàn thành phần nước dùng.
Để có tô bánh đa cua bắt mắt, nên xếp bánh đa vào trước rồi mới xếp các món ăn kèm lên phía trên. Cuối cùng, chan phần nước dùng vào tô, rắc thêm hành phi, hành lá là có ngay một tô bánh đa cua bổ dưỡng, đậm đà hương vị. Bánh đa cua Hải Phòng với sợi bánh mềm dai, không bị bở kết hợp với nước dùng dậy mùi gạch cua, xen lẫn mùi thơm của chả lá lốt, các loại đồ ăn kèm, hành phi sẽ là lựa chọn thích hợp cho bữa trưa đầu tuần cần nạp nhiều năng lượng.
TPHCM hiện vẫn đang giãn cách xã hội, hàng quán bán món này không có nhiều nên mọi người có thể tìm mua nguyên liệu tươi và chế biến theo công thức sau: