(SGTT) – Kết hợp vị ngọt từ sợi bún gạo và thịt tôm, món bún gạo nấu tôm hứa hẹn mang đến cho thực khách một bữa trưa thứ Năm thơm ngon và dinh dưỡng.
- Trưa nay ăn gì: Bắt vị bữa cơm văn phòng cùng thịt gà sốt dầu hào
- Trưa nay ăn gì: Salad cá hồi rau húng quế – món ăn lành mạnh cho bữa trưa thứ Ba
- Trưa nay ăn gì: Đơn giản mà thơm ngon phở xào thịt heo trưa đầu tuần
Trong ẩm thực Việt, sợi bún gạo tuy không phổ biến bằng sợi bánh canh, hủ tiếu, phở nhưng nó vẫn có cho riêng mình những tín đồ ưa thích. Sự ưa thích đó đến từ độ cân bằng sợi bánh: không quá to như phở, hủ tiếu mà vẫn có chút độ dai giòn như bánh canh. Hầu như, các tiệm ăn hủ tiếu, bánh canh, nui đều có bán kèm thêm bún gạo để thực khách gọi món khi cần.
Quay lại món ăn hôm nay, nó gồm hai thành phần chính là bún gạo và thịt tôm. Bên cạnh đó, phần nước dùng cũng là yếu tố quyết định đến hương vị thơm ngon của món ăn. Theo thông tin trên các trang web ẩm thực, nước dùng của bún gạo nấu tôm có sự kỳ công trong cách chế biến. Cụ thể, người nấu chọn xương ống heo loại ngon đem hầm cùng củ cải tạo ra nước dùng heo (trong quá trình hầm thường xuyên hớt bọt để nước trong).
Tiếp đến, tôm đem xào rồi tách vỏ, vỏ tôm hầm tiếp cùng nước xương tạo độ thanh ngọt. Cuối cùng, lọc bỏ xác tôm, để riêng xương heo để thu về nồi nước dùng thanh ngọt vị tôm và thịt heo.
Đối với bún gạo nấu tôm, rau ăn kèm không theo một nguyên tắc nào mà chủ yếu phụ thuộc vào người nấu. Có khi họ dùng giá, hẹ, bạc hà, cà chua nấu cùng nước dùng và chan cùng món ăn; có khi rau để riêng như xà lách, tần ô để khách ăn đến đâu nhúng đến đó.
Tổng thể một tô bún gạo nấu tôm có nhiều sắc màu từ thịt và rau củ. Khi thưởng thức, những ai ăn mặn có thể pha thêm chén nước tương hoặc nước mắm cắt vài lát ớt rồi nhâm nhi. Bữa trưa thứ Năm chọn một món nước dễ ăn như bún gạo nấu tôm nhưng không kém phần dinh dưỡng, năng lượng cho mọi người trong buổi chiều làm việc giữa tuần.