Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

‘Tri thức May và Mặc áo dài Huế’ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

(SGTT) - Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Tri thức May và Mặc áo dài Huế", buổi lễ có sự tham dự của người dân và những người yêu thích áo dài Huế.

Ngày 23-11, Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức may, mặc áo dài Huế” đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh thừa thiên Huế. Trước đó, ngày 9-8-2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với tên gọi “Tri thức May và Mặc áo dài của người Huế”.

Nhóm nghệ nhân trong trang phục áo dài đang biểu diễn ca Huế ở Đại nội Huế. Ảnh: Ngọc Khuyến

Theo thông tin từ Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 1744, sau khi lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục. Chiếc áo dài được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa. Năm 1802 vua Gia Long đã có ý định phải thay đổi phục trang trên toàn đất nước nhưng không thực hiện được. Từ năm 1826 đến năm 1837, chính vua Minh Mạng đã quyết liệt thay đổi trang phục trong cả nước, từ đó, chiếc áo dài được áp dụng rộng rãi và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Các hiệu may đo áo dài Huế chủ yếu phân bố tập trung tại các vùng Gia Hội - Chợ Dinh, Kim Long, Vĩ Dạ, Phủ Cam... đây là những vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, dân cư tập trung đông đúc và nơi sinh sống của các gia đình, dòng họ có truyền thống may đo áo dài Huế.

Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, áo dài Huế mang nét khác biệt độc đáo so với các vùng miền khác nhờ được hình thành và phát triển trên nền tảng văn hóa của một vùng đất từng là Kinh đô triều Nguyễn – triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam. Tại đây, thẩm mỹ trang phục cung đình với những quy tắc nghiêm ngặt đã hòa quyện cùng vẻ đẹp mộc mạc của thẩm mỹ dân gian, tạo nên dấu ấn riêng trên chiếc áo dài Huế. Chính sự giao thoa này đã mang lại cho áo dài Huế nét thanh lịch, uyển chuyển mà ít nơi nào có được.

Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Báo Thừa Thiên Huế, Cổng thông tin điện tử thành phố Huế

Ngọc Khuyến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Huế sẽ trở thành “Kinh đô áo dài”

0
Thừa Thiên Huế sẽ tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô áo dài”, cũng như tổ chức Ngày hội Áo dài Huế định kỳ hàng năm, trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Huế.

Huế miễn vé tham quan di tích cho người mặc áo...

0
Từ ngày 6 đến 8-3-2021, bất cứ ai mặc trang phục áo dài truyền thống Việt Nam đến tham quan di tích Huế sẽ...

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế cám ơn Thời báo Kinh tế...

0
(SGTTO) – Ban tổ chức Diễn đàn Du lịch Huế 2020 đã gửi thư cám ơn Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã đồng...

Tìm lại không gian áo dài “rất Huế”

0
(SGTT) - Phục sinh áo dài trong cuộc sống Huế, tiến tới gìn giữ và nhắc nhớ về giá trị văn hóa truyền thống...

Kết nối