Bộ Y tế dự kiến ban hành hướng dẫn tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, trước ngày 15-10; tài liệu tập huấn tiêm cho trẻ đang được Chương trình tiêm chủng quốc gia xây dựng.
- Hà Nội, Hải Phòng bỏ quy định cách ly tập trung với khách bay từ TPHCM
- Bộ Y tế đề nghị TPHCM làm rõ chuyện tiêm vắc-xin Covid-19 có thu phí
- Từ vụ ‘suýt’ không bay được, xem lại quy trình tiếp nhận chuyến bay
Theo VNexpress, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế cũng đang thảo luận về hình thức triển khai tiêm chủng (ở trường học hay ở địa phương lưu trú). Thông tin này được Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành nhằm đánh giá công tác tiêm vắc-xin Covid-19 vào ngày 11-10.
Trước đó, các chuyên gia tại TPHCM khẩn thiết đề nghị sớm có kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em, trong bối cảnh thành phố định mở cửa trường học vào đầu năm 2022.
Hiện Việt Nam có khoảng 25 triệu trẻ em, trong đó TPHCM khoảng 1,8 triệu trẻ 5-18 tuổi. Khi người lớn đã chích ngừa, nguy hiểm mắc Covid-19 sẽ dồn cho trẻ em.
Từ 13-10, ngành Đường sắt chạy tàu khách tuyến Bắc - Nam, Hà Nội - Hải Phòng
Theo báo Tin tức, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành kế hoạch tổ chức vận tải hành khách bằng đường sắt đảm bảo thích ứng an toàn với dịch bệnh. Theo đó, tàu khách sẽ chạy thí điểm từ ngày 13-10 đến hết ngày 20-10. Ngành Đường sắt sẽ mở bán vé tàu SE7/8 và LP5/6 từ 8:00 ngày 12-10.
Hai tuyến tàu khách được khôi phục gồm Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - TPHCM. Bộ Bộ Giao thông Vận tải cho phép đón trả khách tại các ga dọc tuyến, bao gồm tất cả tỉnh, thành phố mà tàu khách đi qua.
Hành khách đi từ địa phương có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ vắc-xin Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19. Hành khách phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 trong 72 giờ.
TPHCM: Cơ sở y tế tư nhân không được thu phí điều trị bệnh nhân Covid-19
Thông tin trên VTC News, tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh vào ngày 11-10, trả lời về vấn đề thu phí điều trị Covid-19 tại các sơ sở y tế tư nhân, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở đã ra văn bản hướng dẫn cơ chế tài chính cho cơ sở y tế tư nhân về vấn đề này.
Theo đó, Ngân sách Nhà nước chi trả chi phí điều trị Covid-19 như tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền… theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế, bệnh viện không được thu thêm tiền của bệnh nhân.
“Cơ sở y tế tư nhân phải tổ chức khám bệnh cho người mắc Covid-19 theo đúng quy định, không được từ chối, không được yêu cầu người bệnh ký cam kết chi trả chi phí điều trị Covid-19. Chi phí tiện ích ngoài quy định thì được thu thêm nhưng phải đúng giá đã niêm yết”, bà Mai nói.
21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đề nghị được công bố kiểm soát dịch
Theo trang thông tin của Trung tâm báo chí TPHCM, tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh vào ngày 11-10, đánh giá 10 ngày thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TPHCM Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải, cho biết thời gian vừa qua, người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới; ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ truyền thống được hoạt động trở lại, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Ngoài ra, công tác an sinh tiếp tục được triển khai đến người dân và công tác phòng, chống dịch ngày càng đạt nhiều kết quả tốt. Cụ thể, ngày 7-10 có 19/22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đề nghị được công bố kiểm soát dịch thì đến ngày 11-10 đã có 21/22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức được đề nghị công bố được kiểm soát dịch theo Quyết định 3919 của Bộ Y tế.
Người tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có khả năng mắc COVID-19 và lây cho người khác
Cũng trong buổi họp báo ngày 11-10, trao đổi về ý kiến cho rằng tần suất xét nghiệm shipper (người vận chuyển hàng hóa) khá “dày” trong khi họ đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, như vậy liệu có lãng phí và tạo áp lực chi phí cho các đơn vị quản lý, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) Nguyễn Hồng Tâm cho rằng, thành phố đã ban hành hướng dẫn về công tác xét nghiệm, quy định cụ thể cho từng đối tượng. Trong đó, lực lượng shipper có tần suất xét nghiệm “dày” hơn vì đối tượng này tiếp xúc với rất nhiều người.
Ngoài ra, việc tiêm vắc-xin là để giúp bản thân người được tiêm giảm các nguy cơ mắc và chuyển biến nặng nếu bị mắc Covid-19 chứ không có nghĩa là họ không có khả năng lây lan cho người khác. “Người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin vẫn có khả năng mắc Covid-19 và lây cho người khác”, ông Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh.
Liên quan đến việc nhiều trẻ em bị lỡ tiêm chủng mở rộng do dịch bệnh, Phó Giám đốc HCDC cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh, giãn cách vừa qua, việc tiêm chủng mở không bị gián đoạn. Ngoài ra, việc chậm trễ tiêm chủng trong vài tháng không ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ. Đối với một số mũi tiêm quan trọng (lao, viêm gan B) trong thời gian TPHCM giãn cách xã hội, ngành y tế vẫn tổ chức tiêm chủng cho trẻ sơ sinh.
Minh Thảo tổng hợp