Du học, không chỉ được tiếp xúc với một nền giáo dục tiên tiến mà du học sinh còn sống trong một nền văn hóa khác biệt. Việc thích nghi với phong tục tập quán, nhịp sống, phong vị ẩm thực là những thử thách ban đầu đối với các du học sinh.
Hành trang du học
Phạm Phong, một cựu du học sinh chia sẻ: “Khi ở Việt Nam, mình chỉ biết học thật tốt mà không quan tâm nhiều đến việc ăn uống như thế nào cho hợp khẩu vị. Sang Anh du học, mình không quen được với các món ăn của người bản xứ, vậy là phải loay hoay tập nấu ăn. Đây là điều hoàn toàn mới và khá khó khăn với mình ở nơi đất khách”.
Bà Trần Hà Phương, Phó giám đốc Phát triển kinh doanh của Công ty AnnaLink, một công ty chuyên tư vấn du học, khuyên các du học sinh hãy tự trang bị thêm những kỹ năng cần thiết để có thể hòa nhập nhanh với cuộc sống mới.
“Ngoài việc tìm hiểu về văn hóa của đất nước sở tại, các du học sinh nên tham gia những khóa đào tạo kỹ năng ngắn hạn, thường chỉ gói gọn trong một tháng như phụ bếp, nấu ăn, làm bánh, cắm hoa, pha chế… để có thể độc lập trong cuộc sống thường nhật, và có thể trổ tài tại các lễ hội, những buổi cắm trại, sinh hoạt ngoại khóa. Đây cũng là các nghề rất phổ biến mà du học sinh có thể làm thêm khi du học. Nơi đó các bạn sẽ học được nhiều điều hơn về cuộc sống, văn hóa, con người bên ngoài giảng đường và giảm bớt áp lực tài chính lên gia đình”, bà Phương phân tích.
Chơi mà làm, làm mà chơi
Các du học sinh hiện nay đã chủ động tìm kiếm những khóa học ngắn hạn, phù hợp với sở thích và có thể giúp họ tìm được việc làm thêm trong thời gian du học.
Vũ Trịnh Nghĩa, một du học sinh ngành marketing-truyền thông ở trường Đại học Murdoch, Úc chọn tham gia khóa học cắm hoa ở Bamboo Education. Nghĩa chia sẻ: “Vì yêu thích hoa nên mình đăng ký học nghề cắm hoa. Hiện nay, mình đang có ý định xin làm thêm tại một cửa hàng hoa tươi gần nơi mình trọ học để vừa có cơ hội giao tiếp vừa có thêm kinh nghiệm sống”.
Cũng giống như Nghĩa, Trần Võ Hoài My trong khi chờ ngày nhập học ở trường Đại học Fontbonne (Mỹ) cũng đăng ký các khóa học về nữ công gia chánh. Ngoài học nấu các món ăn Việt, My còn học thêm nghề bartender (nhân viên pha chế). My bộc bạch: “Mình muốn có cơ hội để tăng cường khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, kinh nghiệm sống và có thêm thu nhập để hỗ trợ việc học bằng một công việc nào đó. Vì vậy mình đăng ký khóa học bartender, một công việc mà mình rất thích”.
Bà Nguyễn Thị Cúc Hoa, đại diện Trung tâm Đào tạo kỹ năng cuộc sống Bamboo Education (quận 3), cho biết ngày càng có nhiều du học sinh dự bị đến đăng ký các khóa học ngắn hạn như cắm hoa, nấu món Việt, món Âu, pha chế thức uống... trong thời gian chờ đợi thủ tục nhập học.
Nhận thấy nhu cầu học để trang bị thêm những kỹ năng mềm của các du học sinh, Bamboo Education và Công ty cổ phần AnnaLink đã phối hợp tổ chức các khóa học có quy mô hơn. Ngoài kiến thức về môn học, khóa học còn đưa thêm các yếu tố văn hóa, lịch sử, đời sống để các du học sinh làm quen. Ví dụ, lớp nấu các món Âu, giảng viên sẽ giới thiệu về lịch sử món ăn, văn hóa của nước bản địa để học viên có thể hiểu và học được nhiều điều ý nghĩa hơn là những công thức nấu nướng, pha chế. Mỗi lớp học thường dưới 10 học viên, học lý thuyết song song với thực hành trong vòng 6-11 buổi, học phí từ 1 triệu đồng trở lên.
“Chương trình còn dành riêng một buổi mời các cựu du học sinh đến chia sẻ những kinh nghiệm mà họ đã trải qua tại nước ngoài, nơi những học viên sắp đến”, bà Trần Hà Phương cho biết. Đây sẽ là buổi học thú vị để các học viên biết mình cần làm những gì để tránh những “xung đột” về văn hóa, biết công việc gì nên làm và không nên làm khi làm thêm, biết những trung tâm, hội đoàn hỗ trợ cho sinh viên để liên hệ khi cần giúp đỡ… Không chỉ có vậy, khóa học này còn giúp các học viên làm quen với nhau để có thể cùng hỗ trợ nhau khi du học.
Ngoài các khóa học nữ công gia chánh, gần đây nghề chăm sóc và trang điểm móng tay (nail) cũng được nhiều bạn nữ lựa chọn.
Bà Ngô Thùy Nhung, Giám đốc Trung tâm World Nail School (quận Phú Nhuận) cho biết gần đây cũng có một số học sinh đăng ký học làm nail để có thể chủ động làm thêm khi du học. Với số tiền đầu tư cho khóa học là 2 triệu đồng, học viên được học kỹ thuật chăm sóc móng tay, móng chân và vẽ móng trong vòng một tháng.
Nguyễn Phương Tiên, một học viên cho biết chị chọn học nail bởi đây là một công việc phổ biến ở nước ngoài, có thể chủ động làm thêm khi rảnh rỗi và giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình.
[box type="bio"] Một số lớp học kỹ năng
1. Công ty cổ phần AnnaLink:
- Đào tạo các khóa học kỹ năng như phụ bếp, nấu ăn, cắm hoa...
- Học phí: 3.500.000 đồng/khóa/11 buổi.
- Địa chỉ: Tầng 2 tòa nhà Hoàn Cầu, số 600A Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, TPHCM. Điện thoại: 08 66 848 006
- Trang web: http://sasnsangduhoc.vn
2. Trung tâm Đào tạo kỹ năng cuộc sống Bamboo – Bamboo Education
- Đào tạo các khóa học kỹ năng như nấu ăn, pha chế, làm bánh...
- Các khóa học khoảng 6-10 buổi; Học phí: 1.000.000 đồng +++
- Địa chỉ: 188 Điện Biên Phủ, phường 6, quận 3, TPHCM. Điện thoại: 08 3820 3402
- Trang web: http://bamboo-edu.vn
3. Nhà văn hóa Phụ nữ
- Đào tạo các khóa nấu ăn, pha chế, cắm hoa, làm móng tay...
- Học phí: từ 600.000 đồng/tháng
- Địa chỉ: 188-192-194 Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3, TPHCM. Điện thoại: 08 39 316 447
- Trang web: http://www.nvhphunu.vn
4. Trung tâm World Nail School
- Đào tạo chăm sóc, vẽ móng (nail).
- Học phí: từ 500.000 đồng/khóa
- Địa chỉ: 184 Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3, TPHCM. Điện thoại: 08 2217 0487
- Trang web: http://www.worldnail.com.vn[/box]
Quỳnh Vân - Đức Tâm