(SGTT) - Núi Bà Đen nổi tiếng ở tỉnh Tây Ninh, cao 986m so với mực nước biển, được mệnh danh “đệ nhất thiên sơn” khu vực Nam bộ.
- Du lịch giữa mùa dịch: Trải nghiệm trekking núi lửa Chư Bluk
- Du lịch giữa mùa dịch: Leo núi lửa Chư Đang Ya ngắm hoa dong riềng
- TPHCM, Tây Ninh nối lại du lịch liên tuyến từ ngày 16-10 tới
Núi Bà Đen đã và đang là ngọn núi "quốc dân" của dân leo núi miền Nam. Đây cũng là ngọn núi hiếm hoi người ta có thể leo đi leo lại nhiều lần mà không chán vì có nhiều cung đường để khám phá như cột điện, chùa, Colomo, cây đa tàng dù, ống nước, Ma Thiên Lãnh, núi Heo, núi Phụng, Đá Trắng... mỗi cung đường sẽ có những dạng địa hình khác nhau để mọi người trải nghiệm và chinh phục.
Cách di chuyển đến núi Bà Đen
Nếu xuất phát từ TPHCM, du khách có thể di chuyển đến núi Bà Đen bằng xe máy, xe khách hoặc xe buýt đều khá thuận tiện.
Nếu đi bằng xe máy bạn cứ chạy thẳng theo quốc lộ 22, gặp ngã 3 Trảng Bàng, sau đó rẽ phải đi tỉnh lộ 782, đi thêm tầm 60km bạn sẽ đến được Núi Bà Đen. Hoặc khi đến ngã ba Trảng Bàng, bạn có thể rẽ trái đi thị trấn Gò Dầu, rẽ phải chạy theo quốc lộ 22B, sau đó chạy thêm 60km sẽ đến được vòng xoay của thành phố Tây Ninh.
Nếu không muốn đi xe cá nhân, bạn có thể đi xe buýt số 703 đến Mộc Bài, sau đó đi xe buýt số 5 đến Tây Ninh. Hoặc đi xe buýt số 13, 94, 74 đến bến xe Củ Chi, đi tiếp xe buýt số 603 đến Tây Ninh. Xe khách về Tây Ninh cũng rất thuận tiện vì các nhà xe lớn đều có xe trung chuyển chạy vào tới chân núi Bà Đen.
Những cung đường leo núi Bà Đen
Như đã đề cập, núi Bà Đen có nhiều cung đường để mọi người chinh phục. Trong đó, cung đường Chùa và đường cột điện là 2 cung đường phổ biến và dễ leo nhất, địa hình chủ yếu là những dốc đá, thường mất khoảng 3 đến 4 tiếng để leo lên đến đỉnh.
Hai cung đường này có đường đi khá rõ, đều có chỉ dẫn đường nên du khách có thể leo một mình hoặc rủ bạn bè cùng leo mà không cần người dẫn đường. Ở cung đường Chùa sẽ có những quán dừng chân trên đường để mọi người nghỉ ngơi và tiếp nước, còn bên đường cột điện thì du khách phải tự chuẩn bị đủ nước uống để leo đến đỉnh.
Những cung đường khác như Ma Thiên Lãnh, núi Heo, núi Phụng, Đá Trắng là những cung đường ít người leo vì cung đường khá nguy hiểm, địa hình chủ yếu là những tảng đá to, xếp chồng lên nhau liên tục.
Để chinh phục những cung đường này bạn phải dùng lực chân và tay nhiều để leo, trèo, nhảy qua những tảng đá lớn liên tục, ở dưới là những vực sâu hun hút. Đôi khi còn phải leo, đi trên những nhành cây mọc trên đá trơn trượt.
Vì thế, đòi hỏi bạn phải có một ít kinh nghiệm, kỹ năng leo núi vì đường đi chưa rõ, khá dễ lạc nên tốt nhất bạn phải liên hệ người dẫn đường để đảm bảo an toàn.
Trong những cung đường leo núi Bà Đen, cung đường khó nhất và ấn tượng nhất chắc hẳn là cung Đá Trắng, điểm nhấn là bãi cắm trại tại bãi Đá Bàn lưng chừng núi và con dốc 700 huyền thoại.
Để chinh phục cung đường Đá Trắng, bạn phải trải qua nhiều dạng địa hình khác nhau. Đoạn đầu là thử thách vượt qua những tảng đá to mà nhìn vào không biết cách nào có thể leo qua nếu không có hướng dẫn của người dẫn đường để đi được tới bãi đá Bàn.
Bãi Đá Bàn là một địa điểm lý tưởng để cắm trại, với một phiến đá lớn, bằng phẳng, cảnh đẹp, rất thoáng để ngắm trời mây và ngắm toàn cảnh thành phố Tây Ninh.
Sau một đêm “chill” tại bãi Đá Bàn, sáng hôm sau bạn sẽ tiếp tục hành trình chinh phục con dốc 700 huyền thoại. Dốc 700 là con dốc đá, gần như dựng đứng nằm trong cung đường chinh phục đường Đá Trắng, đây là đoạn đường thử thách nhất của cung đường này.
Để chinh phục con dốc này cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng vì đường khá nguy hiểm. Để vượt qua con dốc này an toàn, người dẫn đường sẽ leo lên trước, chuẩn bị một sợi dây dài thả xuống cho những thành viên bám vào sợi dây để leo lên.
Để đảm bảo an toàn, du khách nên chuẩn bị cho mình đôi găng tay, giày leo núi có độ bám cao và tuyệt đối làm theo hướng dẫn của người dẫn đường.
Những điều cần lưu ý khi leo núi Bà Đen
Leo núi là một hoạt động thể thao đòi hỏi thể lực, vì vậy trước khi có ý định leo núi bạn cần phải rèn luyện cơ thể bằng các bài tập sức bền như chạy bộ, nhảy cóc, kiễng chân…. để cơ thể quen dần với cường độ vận động trong hành trình.
Ngoài ra, vì địa hình núi Bà Đen chủ yếu là đá, khá dốc và trơn trượt nên mọi người cần chuẩn bị cho mình một đôi giày thể thao chuyên dụng cho trekking, có phần đế gai dễ bám trụ trên dốc đá.
Ngoài cung đường Chùa sẽ có trạm tiếp nước nghỉ ngơi thì những cung đường khác trên đường đều không có chỗ để mua nước hay đồ ăn. Vì vậy, trước khi chinh phục những cung đường khác bạn cần chuẩn bị kỹ về nước uống, đồ ăn để có thể leo lên đến đỉnh.
Đặc biệt những bạn có dự định cắm trại qua đêm trên đỉnh núi thì cần chuẩn bị kỹ càng hơn về đồ ăn, thức uống, lều, võng, đèn sinh hoạt và dụng cụ để nấu nướng trên đỉnh.
Khi leo núi các bạn nên ưu tiên quần áo làm từ chất liệu mỏng, nhẹ, thấm hút mồ hôi. Nên mang thêm áo khoác và một bộ quần áo nữa để thay nếu đi vào ban đêm.
Thời gian gần đây, đỉnh Bà Đen đã được đầu tư xây dựng hệ thống cáp treo lên tới tận đỉnh để phục vụ những người muốn tham quan đỉnh núi Bà Đen. Khuôn viên trên đỉnh cũng đã được cải tạo trở nên đẹp và sạch sẽ hơn với những vườn hoa khoe sắc 4 mùa, đăc biệt là tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất khu vực châu Á, tượng nổi bật trên đỉnh núi Bà Đen mới được khánh thành sẽ càng thu hút nhiều người đến tham quan hơn.
Bùi Hương