DS. MỸ NỮ -
Trong những ngày qua, trên đường đến thành phố ngàn hoa Đà Lạt, du khách chứng kiến dọc đèo Prenn và đèo Mimosa, hàng loạt lều quán tạm bợ của nông dân dựng lên để bán trái hồng giòn, một trong những đặc sản của Đà Lạt nhưng ít ai biết, ngoài là thực phẩm mà nhiều người ưa thích, hồng còn là vị thuốc trong chừng mực nào đó, có khá nhiều công dụng trong các bệnh thời hiện đại như cao huyết áp, trĩ nội…
Cây hồng có tên khoa học là Diospyros kaki, thuộc họ Ebenaccra. Tùy theo loại hồng mà khi chín sẽ cho trái màu đỏ hoặc vàng cam trông rất đẹp. Hồng có nhiều loại, tên gọi rất bình dân như hồng vuông, hồng bánh xe, hồng sù, hồng tiêu... Theo người viết được biết, nông dân ưa chuộng và trồng nhiều ở Đà Lạt là hồng vuông, và hồng bánh xe. Trái hồng lúc còn xanh có vị chát (chất tanin), đến lúc chín trái to bằng nắm tay của người lớn.
Hồng là loài cây ăn trái được trồng ở cả đồng bằng và miền núi nước ta. Hồng thường được chia thành “hồng ngọt” và “hồng chát” (còn gọi là hồng ngâm). Hồng ngọt chín ngay trên cây và tự nhiên hết vị chát, có thể hái về ăn ngay; còn hồng chát phải khử vị chát mới ăn được. Trái hồng rất giàu chất dinh dưỡng và là những vị thuốc đã được dùng từ lâu đời trong Đông y.
Hồng thuộc loại trái cây cao cấp, có tính hàn, vị ngọt chát, có giá trị dinh dưỡng cao với nhiều loại vitamin và chất khoáng. Trong trái hồng chín có 1-1,6% protein. Lượng đường cao hơn 13-19% dưới dạng glucose gvecara và fretose. Ngoài ra hồng còn dùng để chữa bệnh: nước ép từ trái hồng già (khi ngả vàng) dùng để chữa bệnh cao huyết áp, nước trái hồng chín chữa bệnh đau cổ họng, ho suyễn...
Nông dân thường dùng hồng dưới dạng tươi (nhất là hồng vuông) khi trái bắt đầu ngả sang màu vàng sậm, hái xuống và đem vào giấu khí đá khoảng 3-4 ngày sau là chín.
Theo Đông y, hồng dùng để trị các bệnh sau đây: tăng huyết áp, chứng ưa chảy máu (hemophilia – huyết hữu bệnh), chữa tiểu tiện ra máu, trĩ nội, đại tiện xuất huyết… Ngoài ra, người ta chữa lưỡi-môi lở loét bằng thị sương (phấn quả hồng), hay chữa da dị ứng bằng trái hồng xanh.
Tuy có nhiều công năng vậy, nhưng người tỳ vị hư hàn, có đàm thấp bên trong, ỉa chảy, đang bị cảm lạnh không được ăn hồng; sau bữa ăn có món tôm và cua không nên ăn hồng; ăn ngay một lúc quá nhiều trái hồng có thể dẫn tới đau trướng bụng, buồn nôn, ỉa chảy...
Khi đói bụng không nên ăn nhiều trái hồng, nhất là ăn cả vỏ hoặc hồng chưa thật chín. Trước khi ăn hồng nên gọt vỏ, rửa nhiều lần với nước sạch thật kỹ, sau đó ngâm với nước muối để loại bớt chất độc hại (chất bảo quản) nếu đã ngấm vào thịt hồng.