Thời gian qua, trái vải tràn ngập, giá bán ngày càng giảm. Câu chuyện không mới, nhiều loại trái cây lâu nay vẫn trong tình trạng “được mùa, dội chợ”, tiêu thụ không hết phải “bán như cho” hoặc… đổ bỏ. Các chuyên gia, nhà khoa học luôn nhấn mạnh phải đầu tư công nghệ chế biến sau thu hoạch như giải pháp cho nguồn cung trái cây dư thừa. Nhưng theo các doanh nghiệp, bên cạnh những khó khăn về đầu tư thì việc tìm thị trường tiêu thụ cũng là một vấn đề; đặc biệt là ở thị trường nội địa, người tiêu dùng chưa mặn mà với trái cây đóng hộp khi mà trái cây tươi ê hề.
Trái cây tươi, ăn còn không hết…
Tại gian hàng bán các loại thức uống đóng chai, đóng hộp trong một siêu thị ở quận Gò Vấp (TPHCM), chị Nguyễn Thị Huyền cầm lên thả xuống những lon trái cây đóng hộp một lúc thì xếp chúng vào vị trí ban đầu mà không chọn mua. Với chị Huyền, kiểu gì thì trái cây đóng hộp sẽ không thể bằng trái cây tươi. “Nếu so sánh thành phần các chất cũng như giá cả thì trái cây tươi tốt hơn trái cây đóng hộp. Mua trái cây tươi về ép lấy nước dù có mất chút thời gian nhưng bù lại, trái cây tươi không có chất bảo quản”, chị Huyền nói.
Trên mạng Internet, trong một số diễn đàn, nhiều người cho rằng, việc mua những sản phẩm như nước, trái cây đóng hộp thường bất tiện là mở nắp là phải dùng ngay sau đó. Họ cũng lo ngại những sản phẩm đóng hộp có chất bảo quản không tốt cho con trẻ…
Những suy nghĩ của người tiêu dùng như trên cũng phần nào tác động đến tình hình tiêu thụ các sản phẩm trái cây đóng hộp. Thực tế hiện nay là có quá ít sản phẩm loại này tồn tại trên các kệ hàng siêu thị. Cách đây mấy năm, tại một số siêu thị có bày bán vải thiều đóng hộp nhưng nay sản phẩm này không còn được bày bán nữa. Theo đại diện Công ty TNHH thực phẩm Thông Tấn (Hà Nội), trước đây công ty đưa ra thị trường sản phẩm vải thiều đóng lon nhưng sau một thời gian phải thu hàng về do bán không được vì người tiêu dùng chưa quen dùng những sản phẩm trái cây đóng hộp.
Không có đường ra khỏi chiếc hộp
Ông Bùi Công Thành, Chủ nhiệm Hợp tác xã Quyết Thắng (huyện Tân Phước, Tiền Giang) cho biết, hiện hợp tác xã có 300 ha trồng thơm (dứa, khóm) nhưng chủ yếu là bán trái tươi. Do bán trái tươi nên thường bị thương lái ép giá khi vào vụ.
Để giải quyết trình trạng dội chợ khi vào chính vụ, ông Thành đã liên hệ với chính quyền tỉnh Tiền Giang xin đầu tư dây chuyền sản xuất nước trái thơm đóng hộp. Số vốn ban đầu cho dây chuyền công nghệ là 500 triệu đồng. Sản phẩm thử nghiệm vẫn được HTX Quyết Thắng sản xuất với giá bán dự kiến 6.500 đồng/lon 350 ml. Tuy nhiên theo ông Thành, phía cho vay không đồng ý giải ngân nếu ông chưa chứng minh được với họ là có đầu ra cho sản phẩm. “Tuần rồi cũng có một số doanh nghiệp đến bàn chuyện hợp tác làm ăn với chúng tôi nhưng họ cũng chỉ nói là hỗ trợ HTX Quyết Thắng tìm đầu ra chứ không có một văn bản hay hợp đồng phân phối sản phẩm nước thơm đóng hộp”, ông Thành cho biết.
Ngoài chuyện không tìm được đầu ra để đáp ứng yêu cầu bên cho vay, một điều mà ông Thành cũng rất lo là lon nước trái thơm giá 6.500 đồng kia, nếu cộng thêm chi phí vận chuyển, phân phối thì giá thành có thể tăng gấp hai, ba lần và khi đó, người tiêu dùng liệu còn có hào hứng đón nhận hay không. Đến nay dự án mà ông Thành ấp ủ chỉ nằm trên giấy. Trái thơm của HTX Quyết Thắng phải bán tươi và chực chờ nỗi lo bị ép giá.
Ở tỉnh An Giang, sản phẩm của Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) được sản xuất chủ yếu xuất khẩu dù công ty có hàng chục loại sản phẩm trái cây đóng hộp. “Sức mua của thị trường nội địa thấp, chí phí vận chuyển, khấu hao cho các nhà bán lẻ cao nên việc đưa những sản phẩm trái cây đóng hộp ra thị trường nội địa sẽ khiến công ty gặp khó vì bị chôn vốn. Trong khi đó, nếu tập trung vào xuất khẩu, số lượng bán ra nhiều, thu hồi vốn nhanh”, ông Huỳnh Quang Đấu, Giám đốc Antesco nói như vậy.
Ngọc Hùng