Dương Quyên Vy -
Mặc dù đưa ra mức lương hấp dẫn nhưng nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho biết họ vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự từ nhóm quản lý trung cấp trở lên. Đây hiện là một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp khối này.
Nhu cầu ngày càng cao
Nhân sự quản lý đang là mối lo của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Theo dữ liệu về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam trong quí 3 vừa được Navigos Search (một trong nhóm ba nhà tuyển dụng trên thị trường Việt Nam) công bố, nhiều vị trí nhân sự cấp trung và cấp cao được các công ty nước ngoài (FDI) săn tìm và trả lương 100-195 triệu đồng/người/tháng. Dẫn đầu là mảng bán lẻ, hàng tiêu dùng và giáo dục-đào tạo. Tuy nhiên, phần lớn nhà tuyển dụng vẫn không tìm được đủ người.
Báo cáo công bố vào tháng 4-2016 của đơn vị cung ứng việc làm JobStreet.com cũng cho thấy, mức lương của vị trí quản lý cấp cao trong một số ngành nghề ở Việt Nam đã tăng tới 53% so với cùng kỳ năm ngoái nhằm thu hút ứng viên. Mức lương này được đánh giá là không quá chênh lệch so với lao động ở vị trí tương tự tại một số nước trong khu vực như Singapore, Malaysia…
Đặc biệt, chức danh giám đốc quan hệ đối ngoại trong ngành hàng tiêu dùng-bán lẻ, bảo hiểm là một trong những vị trí thu hút nhất trên thị trường lao động cấp cao hiện nay. Đây là vị trí quan trọng đối với chính sách kinh doanh của bất cứ một tập đoàn nào, nhất là các tập đoàn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Quí 3 và quí 4 năm nay là thời điểm các công ty xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm 2017, nhu cầu tuyển dụng vị trí này càng cao. Tuy nhiên theo quan sát của Navigos Search, không có nhiều ứng viên cho vị trí này trên thị trường lao động. Đa số ứng viên không đáp ứng được các yêu cầu đặc thù như có kinh nghiệm làm việc với các cơ quan trực thuộc Chính phủ, nắm được các kiến thức về luật, có kinh nghiệm làm truyền thông trong các tập đoàn đa quốc gia…
Việc thiếu nhân sự cấp trung và cấp cao của các công ty nước ngoài tại Việt Nam từ lâu đã trở thành một bài toán nan giải. Trong quí 1 vừa qua, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và quản lý cao cấp tăng mạnh, nhiều công ty sẵn sàng trả lương cao để “chiêu mộ nhân tài”. Thế nhưng nhân sự tuyển dụng được vẫn khan hiếm, nhất là các vị trí kỹ sư, quản lý trong ngành ngân hàng kỹ thuật số, thương mại điện tử. Trong báo cáo của Navigos Search vào quí 2-2016 cũng cho biết, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao tiếp tục tăng cao, hơn 38% so với quí 1.
Vào cuối năm ngoái, vấn đề này cũng đã được nêu ra trong Báo cáo về “Những thách thức trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt tại các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam” của Navigos Search. Cụ thể, 41% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tham gia khảo sát cho biết trong năm 2015, họ không tìm được đủ nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt.
Thiếu khả năng ngoại ngữ
Trên thực tế, vẫn có nhiều lao động Việt Nam đạt chứng chỉ, bằng cấp quan trọng nhưng khả năng sử dụng tiếng Anh lại hạn chế nên đã không thể đáp ứng được tiêu chí tuyển dụng. Theo một báo cáo của Navigos Search, 31% người Việt tham gia phỏng vấn cho biết gặp trở ngại về tiếng Anh, trong khi đó ở Singapore, con số này chỉ ở mức 2%.
Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigos Search, lực lượng nhân sự lãnh đạo tầm trung trở lên tại Việt Nam hạn chế về chất lẫn lượng. Về chất, nhân sự cấp trung còn thiếu nhiều kỹ năng liên quan đến chuyên môn và quản lý, đặc biệt là kỹ năng quản lý và ngoại ngữ. Về lượng, nguồn nhân sự cấp trung mới (thế hệ sinh trong những năm 1980) mặc dù đã được bổ sung nhưng chưa nhiều. “Các doanh nghiệp nước ngoài khi tuyển nhân sự cấp trung đã chấp nhận thay đổi yêu cầu tuyển dụng. Ví dụ, thông thường, ở độ tuổi 30 là rất trẻ để làm quản lý do thiếu kinh nghiệm quản lý cũng như trải nghiệm nhưng nhà tuyển dụng vẫn chấp nhận những quản lý trẻ ở độ tuổi này. Vậy mà nguồn cung vẫn không đủ”, bà Vân Anh nói.
Để khắc phục được những hạn chế này, bà Vân Anh cho rằng, phía doanh nghiệp cần hiểu được đặc tính của nguồn nhân lực Việt Nam để đưa ra chiến lược tuyển dụng hợp lý cũng như có kế hoạch đào tạo. Riêng đối với ứng viên, sự học hỏi không ngừng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện những kỹ năng còn hạn chế. “Làm việc có năng suất và chất lượng, nâng cao năng lực chuyên môn và quản lý mỗi ngày là chìa khóa giúp cho nhân sự người Việt phát triển”, bà nói.