Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Trả lại không gian biển cho cộng đồng

Cuối tuần, chúng tôi đi du lịch ở biển Mũi Né, Bình Thuận sau 2 năm lo ngại dịch bệnh. Chọn một resort gần trung tâm, chúng tôi mong muốn tận hưởng cảm giác an lành sau khi thoát khỏi TPHCM đông đúc, ồn ào khói bụi. Tuy nhiên cảm giác tận hưởng không gian biển thanh bình đúng nghĩa đã không có. Vẫn đó một sự o bế, bức bối của bê tông hóa, của những tường rào các resort san sát nhau, trước biển.

20 năm trở lại đây, thị trường du lịch năng động ở Việt Nam đã tạo nên sự bùng nổ các mô hình đầu tư kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng trên toàn quốc. Bãi biển được phân lô thành chuỗi resort xếp hàng ngang chi chít; khách sạn mọc lên san sát át hẳn cảnh quan núi đồi, biển nên thơ vốn có…

Quá trình “du lịch hóa” ồ ạt này, bên cạnh lợi ích trước mắt đã để lại những hậu quả nặng nề và lâu dài, tác động đến sự phát triển bền vững của các đô thị: hệ sinh thái và môi trường thiên nhiên bị phá hủy, cảnh quan đô thị ngột ngạt, bê tông hóa đánh mất bản sắc, quá tải hạ tầng, thiếu không gian công cộng và nhiều vấn đề khác…

Và thực tế rất trớ trêu nữa, những gì đặc sắc nhất thiên nhiên ban tặng cho chúng ta, một trong những quốc gia có nhiều bãi biển đẹp trên thế giới, thì giờ đã không còn là của chung nữa. Người dân không thể được đến, được sử dụng, thậm chí không thể ngắm nhìn nếu không “trả tiền” cho điều đó.

Giá phải trả cho sự phát triển nóng vội

KTS Khương Trung Hưng, một người bạn của tôi, bảo không gian công cộng là một trong những thước đo quan trọng chất lượng và mức độ đáng sống của một đô thị biển.

Việc các resort xây dựng sát nhau, kè hóa biển khiến các bãi cát ven biển vốn rất đẹp, trở nên thô cứng và không tiện lợi. Người trong resort thì chỉ tắm trong bể bơi và bãi cát riêng, khá vắng vẻ, trong khi người dân muốn ra biển, chỉ tập trung ở 1-2 bãi chính, đông đúc và nhếch nhác.

Với những hiểu biết trong ngành học kiến trúc của mình, anh bạn của tôi nói rằng, với các thành phố biển, các đô thị có chức năng du lịch thì không gian công cộng càng trở nên quan trọng. Nó vừa là hạ tầng xã hội, vừa là hạ tầng kinh tế, là đại sảnh lớn của đô thị biển, là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, các lễ hội và nhiều sinh hoạt cộng đồng khác để tăng sức hấp dẫn của đô thị.

Thế nhưng nhiều năm qua, cuộc chiến ngầm giữa một bên là lợi ích của các nhà đầu tư và một bên là nhu cầu, mong ước của xã hội để giành giật quỹ không gian ven biển vẫn giằng co dai dẳng. Vai trò của chính quyền trong việc giải quyết mâu thuẫn này, sau nhiều năm, vẫn là chủ đề nóng hổi…

Các khu resort được kè hóa và chia cắt không gian biển. Ảnh: V.Vân

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, tại hội thảo “Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới” ngày 3-8 cho rằng không thể phủ nhận nỗ lực của một số địa phương khi kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp trả lại không gian bờ biển.

Như ở Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chủ trương di dời công trình lớn nhất phía đông đường ven biển Trần Phú, khu du lịch Ana Mandara với diện tích 26.000 m2 bít toàn bộ chiều dài khoảng 400 m của bờ biển. Hay dự án Nha Trang Sao được khởi công bên bờ biển đường Phạm Văn Đồng với tổng diện tích 103.568 m2, trong đó 44.152 m2 mặt đất và 59.416 m2 mặt nước suốt nhiều năm vẫn là bãi đất trống, nhếch nhác(1).

Trước đó, tỉnh Bình Định cũng có chủ trương di dời 3 khách sạn “chắn biển” ở bãi biển phía đông đường An Dương Vương (thành phố Quy Nhơn) để lấy đất ven biển xây dựng công viên ven biển, phục vụ cộng đồng.

Các chuyên gia tại hội thảo cũng nhận định, một thời gian dài nước ta phát triển đô thị ven biển gần như tự phát, thiếu quy hoạch, kế hoạch có tầm nhìn xa. Vì lẽ đó, những năm gần đây, khi trình độ dân trí cũng như tầm nhìn của những lãnh đạo địa phương và các cơ quan ban, ngành được nâng lên, vấn đề trả lại không gian biển cho cộng đồng được chú ý và nỗ lực thực hiện(2).

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trả lời phỏng vấn báo Người lao động cho rằng nhiều địa phương đã có chỉ đạo thu hồi, di dời các dự án che lấp đường bao bờ biển. Nha Trang vừa qua đã cưỡng chế dự án Nha Trang Sao, sắp tới là dự án Công viên Phù Đổng. Địa phương này cũng vừa ký quyết định điều chỉnh quyết định về việc thu hồi đất, mặt nước biển tại dự án Khu nghỉ dưỡng Anna Mandara(3).

Tuy nhiên, sự chần chừ, không quyết liệt của chính quyền các cấp dẫn đến doanh nghiệp vẫn chậm bàn giao mặt bằng. Hiện các dự án di dời khách sạn, resort tiến triển khá chậm.

Bên cạnh đó, khi kinh tế địa phương còn nghèo, nhiều lãnh đạo cấp tỉnh rất muốn phát triển bằng du lịch và các nguồn kinh tế biển. Sự sốt sắng ấy, giờ nhìn lại theo tầm nhìn dài hạn mới thấy bất cập. Nên mới có chuyện, nơi thì mạnh dạn thu hồi mọi quyết định cũ, nơi thì chưa dám nhận mình hạn hẹp, bởi việc khắc phục bao giờ cũng gây lãng phí của cải xã hội, ông Võ cho biết(4).

Tiềm ẩn những nguy cơ

Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố có biển, tổng chiều dài hơn 3.260 km bờ biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang với hàng trăm bãi tắm, rất thuận lợi phục vụ du lịch biển, nhu cầu sinh hoạt, giải trí và luyện tập thể dục thể thao của người dân. Thế nhưng, tình trạng lấn chiếm bờ biển, chiếm dụng để xây dựng cơ sở kinh doanh du lịch không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến nhu cầu sinh hoạt chính đáng của người dân địa phương và du khách, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn về môi trường biển.

Việc đô thị hóa, bê tông hóa các khách sạn cao tầng, các resort san sát nhau ven biển không phải những đê chắn sóng, mà chứa nhiều rủi ro hơn khi biến đổi khí hậu tăng, nước biển dâng, động đất, sóng thần, bão giông mật độ dày hơn…

Ở nhiều nước phát triển, chính phủ có quy định rất khắt khe về xây dựng các công trình ven biển. Theo đó, chính phủ các nước Úc, Canada, Hàn Quốc… không cho phép xây dựng nhà hàng, khách sạn, resort ven biển; nếu muốn làm, phải lùi vào sâu trong đất liền. Nó vừa thể hiện tầm nhìn quy hoạch không gian công cộng của đô thị biển, vừa tránh được những hiểm họa do thiên tai đem lại.

Vì thế, vấn đề quy hoạch lại bãi biển và trả lại không gian sinh hoạt biển cho cộng đồng, còn là tầm nhìn an toàn, bảo vệ cuộc sống bền vững cho các đô thị biển(5).

Cần quy hoạch một không gian biển phù hợp cho đô thị biển. Ảnh: TL

Cần một không gian biển đúng nghĩa

Thực tế ở Mũi Né, và nhiều khu vực ở Vũng Tàu, Phú Quốc mới thấy, không thể bịt kín tầm nhìn, lối xuống biển của người dân, khách du lịch, song cũng không nên chỗ nào cũng xây dựng bãi tắm, quán bar ven biển.

Có thể tạo nên đường giao thông ven biển, bãi cát ven biển kết hợp phát triển những công trình dành cho cộng đồng như bảo tàng, thư viện, công viên…, giống như mô hình Quảng Ninh đang thực hiện, để vừa không gây ra nhàm chán, lãng phí không gian, lại đa dạng tiện ích cho thành phố ven biển.

Đối với bãi tắm biển, người dân cần được tiếp cận bãi tắm dễ dàng, miễn phí, chỉ phải trả tiền khi dùng dịch vụ. Khi phân khu, quy hoạch bãi tắm, cần hạn chế cổng, tường rào, biển báo gây hiểu nhầm…(6).

Bên cạnh đó, phải tính toán đến việc các phương tiện tiếp cận (tiếp cận bằng đường bộ, bằng giao thông công cộng) luôn sẵn có và được đảm bảo tối đa khả năng tiếp cận. Khu vực bãi tắm phải đầy đủ tiện ích công cộng, có thể phát triển thêm các dịch vụ du lịch biển chất lượng cao như tổ chức các dịch vụ du lịch trên biển; các dịch vụ giải trí thể thao; tổ chức các sự kiện du lịch, thể thao biển…(7)

Trả lại không gian biển cho người dân là việc làm cần thiết. Nhưng quản lý và khai thác hiệu quả bờ biển phục vụ phát triển kinh tế một cách bền vững mới là trách nhiệm nặng nề hơn của chính quyền các địa phương ven biển.

Theo đó, các địa phương khi quy hoạch, lập dự án cần tiến hành công khai, minh bạch để mọi người dân có quyền tiếp cận thông tin, đóng góp ý kiến, tạo sự đồng thuận.

GS Đặng Hùng Võ cho rằng, đối với không gian vùng ven biển, bờ biển cần được xem xét với tiềm năng kinh tế biển gắn với rủi ro phát triển trong mối quan hệ giữa vùng bờ với vùng biển ven bờ và vùng biển xa. Chúng ta cũng lưu ý xu hướng thế giới hiện nay là tràn xuống biển với những ngành kinh tế mới có tiềm năng lớn như điện gió ngoài biển, năng lượng tái tạo từ sóng biển, từ thủy triều; nông nghiệp biển, nuôi biển xa bờ; đô thị trên đảo xa, trên biển gắn với du lịch, nghỉ dưỡng(8).

Vì thế, để có một quy hoạch chất lượng, phải đảm bảo năng lực từ khâu tư vấn quy hoạch, những chuyên gia làm quy hoạch họ có góc nhìn riêng vào hiện trạng và tiềm năng để tìm ra con đường phát triển hiệu quả nhất. Tiếp đó, những người quản lý cũng có cơ sở hiểu kỹ hơn về không gian mặt đất mình đang có trách nhiệm để thẩm định và phê duyệt. Quá trình này phải khách quan và độc lập về lợi ích. Nếu bất kỳ khâu nào bị “nhóm lợi ích bao vây” cũng sẽ làm mất tính “tự nhiên, khách quan” của con đường phát triển.

Đông Hải

Theo KTSG Online

___

https://plo.vn/di-doi-khu-nghi-mat-ana-mandara-tra-lai-bo-bien-nha-trang-cho-cong-dong-post686868.html (1)
https://tapchixaydung.vn/phat-trien-ben-vung-do-thi-bien-viet-nam-thoi-ky-moi-20201224000012602.html (2)
https://nld.com.vn/ban-doc/tra-cong-vien-bo-bien-cho-cong-dong-20210612204232289.htm (3) (4) (8)
https://diendandoanhnghiep.vn/tra-lai-khong-gian-bien-cho-dan-226821.html (5) (6) (7)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Về Tiền Giang ngắm bình minh trên biển Tân Thành

0
(SGTT) - Biển Tân Thành nằm tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Với bãi cát phẳng trải dài, không gian thanh bình,...

Việt Nam từ trên cao: Ngắm ‘sống lưng khủng long’ vươn...

0
(SGTT) – Tọa lạc tại thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, hòn Mỹ Giang sở hữu cảnh sắc còn khá hoang sơ. Với...

Về Bình Định khám phá vẻ hoang sơ của biển Mỹ...

0
(SGTT) - Bãi Mỹ An thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, cách sân bay Phù Cát khoảng 45 km. Với vẻ đẹp còn...

Về Thanh Hóa ngắm bình minh trên bãi Đông

0
(SGTT) - Bãi Đông nằm trên bán đảo Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sở hữu cảnh sắc còn khá hoang...

Khám phá vẻ hoang sơ của bãi Hòn Rùa ở Ninh...

2
(SGTT) - Bãi Hòn Rùa (hay còn gọi là bãi Hỏm, Hòn Tai) nằm ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, cách thành phố...

Đến Côn Đảo khám phá ‘hồ bơi tự nhiên’ ở Bãi...

0
(SGTT) - Nằm ở phía Tây bắc Côn Đảo, Bãi Bàng là điểm đến còn khá hoang sơ, chưa nhiều người biết đến. Khám...

Kết nối