Với mục tiêu đã đề ra của Nghị quyết 86 là ngày 15-9 TPHCM kiểm soát được dịch bệnh, nhưng so với tiêu chí Bộ Y tế đề ra thì đến nay còn có một số nội dung chưa đạt được. Chính vì vậy, TPHCM sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 đến cuối tháng 9.
- Thông tin tiêm chủng bị sai không ảnh hưởng đến việc cấp thẻ xanh tại TPHCM
- Ca nhiễm cộng đồng, ca tử vong đều giảm
- Đề xuất giảm khoảng cách tiêm 2 mũi AstraZeneca xuống còn 6 tuần
Theo Kinh tế Sài Gòn Online, tại họp báo cung cấp thông tin về kế hoạch giãn cách xã hội của TPHCM sau 15-9 chiều ngày 13-9, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, đã cho biết như vậy. Theo ông, thành phố đã trải qua thời gian dài giãn cách xã hội với nhiều cấp độ khác nhau và đạt được một số kết quả nhất định khi tỷ lệ vùng đỏ, cam đã thu hẹp và vùng xanh được mở rộng.
Qua rà soát, đến nay có 53% tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản là vùng xanh, tỷ lệ ca dương tính giảm rõ rệt thông qua các đợt xét nghiệm. Một số quận, huyện như huyện Cần Giờ, Củ Chi, quận 7 là những địa phương đầu tiên của TPHCM cơ bản kiểm soát được dịch chiếu theo tiêu chí của Bộ Y tế và đến 15-9 sẽ công bố kết quả kiểm soát dịch. Các quận, huyện khác như huyện Nhà Bè, quận 5, 11, Phú Nhuận kết quả chống dịch cũng có chuyển biến tốt.
Tuy nhiên so với mục tiêu đã đề ra của Nghị quyết 86 thì TPHCM vẫn cần tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn theo chỉ thị 16 thêm một thời gian nữa, dự kiến đến cuối tháng 9.
Về kế hoạch mở cửa kinh tế, TPHCM sẽ hoàn thiện kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau tháng 9. Mục tiêu là đảm bảo phòng chống dịch, đồng thời mở cửa an toàn trong điều kiện có dịch. Về tốc độ tiêm, thành phố sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 2 để tiến tới phủ rộng mật độ người dân trên địa bàn được tiêm 2 mũi vắc-xin Covid-19.
Cũng trong 20:00 tối nay (13-9), mời bạn đọc đón xem chương trình livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” trên Fanpage Sài Gòn Tiếp Thị với sự xuất hiện của ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nhằm giải đáp các vấn đề đang tồn đọng trên địa bàn, đặc biệt là kế hoạch chống dịch và phục hồi kinh tế của TPHCM sau 15-9. Chương trình được truyền dẫn từ trang Fanpage của Trung tâm báo chí TPHCM.
Ngày 13-9: TPHCM vẫn đứng đầu cả nước về số ca nhiễm mới
Ngày 13-9, cả nước có hơn 11.000 ca nhiễm mới
Theo bản tin tối 13-9 của Bộ Y tế, ngày 13-9 ghi nhận cả nước có 11.172 ca mắc Covid-19, trong đó, TPHCM vẫn là địa phương đứng đầu với 5.446 ca mắc, tiếp đến là Bình Dương với số ca mắc là 3.651.
Ngoài 2 địa phương kể trên thì số ca mắc mới ghi nhận trong ngày tại các địa phương khác lần lượt là Đồng Nai (768), Long An (327), Tiền Giang (161), Tây Ninh (142), Kiên Giang (77), Cần Thơ (68), Đồng Tháp (59), Quảng Bình (57), An Giang (44), Khánh Hòa (44), Bình Phước (42), Hà Nội (41), Bình Thuận (38), Đắk Lắk (28), Cà Mau (21), Đắk Nông (20), Thừa Thiên Huế (18), Bà Rịa - Vũng Tàu (16), Đà Nẵng (13), Quảng Ngãi (13), Sóc Trăng (11), Nghệ An (9), Thanh Hóa (7), Quảng Nam (7), Phú Yên (7), Bạc Liêu (6), Vĩnh Long (5), Bến Tre (5), Bình Định (5), Ninh Thuận (5), Trà Vinh (4), Gia Lai (2) và Quảng Ninh (1).
Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 301 ca. Tại TPHCM giảm 712 ca, Bình Dương tăng 463 ca, Đồng Nai giảm 206 ca, Long An tăng 42 ca, Tiền Giang tăng 81 ca.
Về số bệnh nhân chữa khỏi trong ngày nay ghi nhận là 11.200 người, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên mức 385.778 người. Về số ca tử vong, trong ngày ghi nhận 298 ca, nhiều nhất là ở TPHCM (228). Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15.660 người.
Ngày 13-9, UBND tỉnh Đồng Nai có bản dự thảo kế hoạch sau ngày 15-9 đưa về tình trạng "bình thường mới" một số lĩnh vực kinh tế, thương mại, dân sinh thuộc vùng xanh được mở trở lại với một số điều kiện có thẻ xanh vắc-xin.
Những người không được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có nguy cơ tử vong cao gấp 11 lần và nguy cơ nhập viện cao gấp 10 lần so với người đã được tiêm chủng, theo Sức khỏe & Đời sống đưa tin từ nghiên cứu mới đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Phúc An tổng hợp