Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

TPHCM: quận 10 lý giải nguyên nhân tăng cấp độ dịch thành vùng cam

(SGTT) - Từ ngày 10-12 đến 16-12, nguy cơ dịch Covid-19 ở quận 10 tăng từ cấp 2 lên cấp 3 và trở thành địa phương "vùng cam" duy nhất tại TPHCM. Theo lãnh đạo quận 10, một trong những lý do là tuần vừa qua, quận này xét nghiệm tầm soát nhóm nguy cơ cao và người lao động từ các địa phương khác trở về nên số ca nhiễm tăng.
Quận 10 hạn chế bán rượu bia do tăng cấp độ dịch

Theo thông báo khẩn về cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM vào ngày 18-12, quận 10 là địa phương duy nhất ở cấp độ 3 tức vùng cam, thuộc nguy cơ cao.

Lý giải về nguyên nhân tăng cấp độ dịch của quận 10, tại buổi họp báo cung cấp thông tin liên quan tới dịch bệnh Covid-19 tại TPHCM vào chiều 20-12, ông Bùi Thế Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 10, cho biết có nhiều lý do khiến địa phương tăng cấp độ dịch từ cấp 2 lên cấp 3.

Trong đó, địa bàn quận 10 giao thoa với nhiều tuyến đường giao thông, người nhập cư nhiều, lao động từ các nơi về địa bàn cư trú đông, người dân còn chủ quan trong giao lưu, sinh hoạt. Đặc biệt, tuần qua, địa phương thực hiện xét nghiệm tầm soát người thuộc nhóm nguy cơ cao nên việc phát sinh ca bệnh cũng tăng theo.

Theo ông Hải, quận 10 đã triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn. Cụ thể, ngày 17-12, quận 10 đã chỉ đạo 6 phường có cấp độ dịch ở mức 3 hạn chế các sự kiện, quán không bán rượu, bia, tăng cường giám sát khu nhà trọ, nhà cho thuê, bảo vệ người có nguy cơ cao...

Các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát các khu nhà trọ trên địa bàn, đảm bảo mục tiêu F0 được thăm khám, phát thuốc kịp thời.

Quận 10 huy động thêm các nhân viên y tế nghỉ hưu, nhà thuốc tư nhân, phối hợp với các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược, Hội thầy thuốc trẻ, nhân viên y tế tại các phòng khám đa khoa cùng tham gia chăm sóc F0. Quận 10 cũng hình thành 2 trạm oxy để sẵn sàng cung cấp cho các đơn vị y tế trên địa bàn.

Quận 10 ở TPHCM tăng cấp độ dịch thành vùng cam. Ảnh minh họa: Minh Hoàng
Người mắc Covid-19 tại TPHCM được phát hiện như thế nào?

Về việc phát hiện người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại TPHCM, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết TPHCM không tổ chức tầm soát diện rộng mà việc phát hiện và ghi nhận người nhiễm nCoV thông qua xét nghiệm sàng lọc nguy cơ, cụ thể với 4 cách chính.

Thứ nhất, người dân tự xét nghiệm khi xuất hiện triệu chứng hoặc có tiếp xúc nghi ngờ nhiễm bệnh. Nếu kết quả dương tính, thông báo cho lực lượng y tế địa phương. Thứ hai, thông qua việc xét nghiệm sàng lọc người có nguy cơ và nghi ngờ tại các bệnh viện, cơ sở y tế sẽ phát hiện ra đối tượng nhiễm virus SARS-CoV-2.

Thứ ba, khi phát hiện trường hợp F1, cơ quan y tế sẽ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và ghi nhận người có kết quả dương tính. Thứ tư, người dân sẽ được phát hiện dương tính thông qua tầm soát tại các địa điểm nguy cơ cao.

Ngoài ra, những F0 trong cộng đồng cũng được phát hiện thông qua xét nghiệm ngẫu nhiên ở nhiều cơ quan, xí nghiệp, nơi tập trung đông người.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM. Ảnh: Thành Nhân

Từ giữa tháng 10 đến nay, số ca mắc Covid-19 được ghi nhận tại TPHCM có chiều hướng giảm so với giai đoạn đỉnh điểm hồi tháng 8, 9. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tính đến 18:00 ngày 19-12, TPHCM có 495.317 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 494.724 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 593 trường hợp nhập cảnh. Trong ngày 19-12, TPHCM có 674 bệnh nhân nhập viện, 817 bệnh nhân xuất viện và 56 trường hợp tử vong.

Trong thời gian vừa qua, thông tin vụ nâng khống giá bán bộ xét nghiệm Covid-19 của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á đã khiến dư luận xôn xao và đặt ra câu hỏi liệu ngành y tế TPHCM có mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 của đơn vị này không?Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách HCDC, cho biết TPHCM hiện đang có nhiều cơ quan y tế, bệnh viện trên địa bàn. Tuy nhiên, dưới góc độ của HCDC, ông Tâm khẳng định đơn vị này không sử dụng kit test của Công ty Việt Á.Trong thời gian HCDC tổ chức đấu thầu, mua sắm, Công ty Việt Á có đến chào giá nhưng “chúng tôi thấy giá quá cao nên loại ngay từ đầu", ông Tâm nhấn mạnh.Đối với hoạt động mua sắm vật dụng y tế của HCDC luôn tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi mua kit xét nghiệm, HCDC cũng chọn giá thành thấp nhất ở từng thời điểm, ông Tâm nói

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lượng hàng tồn trên thế giới tăng gần 30% so với...

0
(SGTT) - Lượng hàng tồn trên toàn cầu đạt 2.200 tỉ đô la vào tháng 3-2023, mức cao nhất trong 10 năm. Đến tháng...

Chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

0
Trong phiên họp thứ 20 diễn ra chiều 3-6, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ...

Các loại vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” giờ ra sao?

0
(SGTT) - Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, các công ty trong nước tham gia quá trình nghiên cứu và phát...

Đà Nẵng: Chợ Hàn hút du khách trở lại sau hai...

0
Chợ Hàn – ngôi chợ truyền thống tại Đà Nẵng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến – bắt đầu thu...

Khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc?

0
Hôm 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại...

Đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y...

0
Tối ngày 5-5 (giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại...

Kết nối