UBND TPHCM đã công bố kế hoạch tổ chức tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi tại thành phố. Dự kiến, tất cả 780.000 trẻ trong lứa tuổi này sẽ được tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, thời gian chính thức để bắt đầu tiêm và tên của loại vắc-xin sẽ được tiêm hiện vẫn chưa công bố.
- Thống nhất chung 1 ứng dụng dữ liệu tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19
- Loại vắc-xin nào phù hợp để tiêm chủng cho trẻ em?
Mở nhiều điểm tiêm vắc-xin cho trẻ em
Theo kế hoạch, trẻ đi học sẽ tiêm tại trường học hoặc điểm tiêm được cơ sở giáo dục lựa chọn. Trẻ không đi học sẽ tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do địa phương lựa chọn. Những trẻ có bệnh nền sẽ được tiêm tại các bệnh viện chuyên khoa nhi hoặc bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi.
Với những trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện chuyên khoa nhi và bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi, bệnh viện sẽ lập danh sách, bao gồm trẻ em có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác để tiêm theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.
Tương tự hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND TPHCM cho biết việc tiêm vắc-xin cho trẻ em sẽ thực hiện theo thứ tự lứa tuổi giảm dần, ưu tiên tiêm trước cho trẻ từ 16-17 tuổi và theo tiến độ cung ứng vắc-xin, tình hình dịch tại địa phương.
Vắc-xin được dùng để tiêm cho trẻ là loại vắc-xin đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi từ 12-17 tuổi. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa nêu tên những loại vắc-xin sẽ được sử dụng.
Trẻ em sẽ được tiêm theo thứ tự lứa tuổi giảm dần, ưu tiên trước cho trẻ từ 16-17 tuổi. Dự kiến, thành phố sẽ tiêm mũi 1 trong 5 ngày, bắt đầu ngay khi có hướng dẫn của Bộ Y tế, tiêm vét trong 2 ngày. Sau khi đủ thời gian để tiêm mũi 2 theo hướng dẫn của nhà sản xuất, trẻ sẽ được tiêm mũi 2. Thành phố dự kiến sẽ tiêm xong mũi trong vòng 7 ngày. Hiện nay, nhiều xã, phường và thành phố Thủ Đức đã lập danh sách tiêm chủng cho trẻ em.
Khám sàng lọc và tư vấn, thông báo
Tại mỗi điểm tiêm, sẽ có tối thiểu 4 nhân sự để đón tiếp, hướng dẫn khai báo y tế, đo thân nhiệt, cân đo trẻ trong trường hợp cần thiết, hỗ trợ cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin và hỗ trợ nhập liệu thông tin người tiêm vào Hệ thống tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.
Mỗi bàn tiêm có tối thiểu 3 nhân sự gồm 1 bác sĩ thực hiện sàng lọc, thực hiện xử trí tại chỗ phản ứng sau tiêm, 1 điều dưỡng thực hiện tiêm và 1 điều dưỡng theo dõi sau tiêm.
Việc tiêm chủng phải tuân thủ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2, bảo đảm khoảng cách giữa các khâu trong một dây chuyền tiêm và giữa các dây chuyền tiêm tại một địa điểm, chia nhiều buổi tiêm, mỗi buổi với số lượng phù hợp.
Phụ huynh hoặc người giám hộ sẽ được tư vấn về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc-xin và giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng, được thông báo về liều lượng vắc-xin cùng các thông tin theo dõi sau tiêm.
Lực lượng y tế sẽ sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm chủng để kịp thời phát hiện những trường họp chống chỉ định hoặc tạm hoãn, theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng và hướng dẫn gia đình hoặc người tiêm chủng tiếp tục theo dõi ít nhất 7 ngày sau tiêm chủng… Tất cả các điểm tiêm chủng, đội tiêm đảm bảo sẵn sàng, đầy đủ nhân lực và trang thiết bị cấp cứu phản ứng phản vệ.
Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, tính đến hôm nay (23-10), cả nước đã thực hiện hơn 72,2 mũi tiêm ngừa Covid-19. Số lượng tiêm vào ngày hôm qua đạt hơn 1,16 triệu mũi.
Minh Duy
Theo Kinh tế Sài Gòn Online
Xem kết quả